Mỹ toan tính gì khi thành lập lực lượng vũ trụ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký phê chuẩn Đạo luật chi tiêu quốc phòng 2020 (NDAA) trị giá 738 tỷ USD.

Trong đó có một điều khoản quan trọng là chính thức thành lập một quân chủng mới là Lực lượng Vũ trụ Mỹ, nhằm bảo đảm ngôi vị đứng đầu của Mỹ trên một chiến trường mới, đó là không gian. Tuy nhiên, động thái này của Mỹ cũng đang làm dấy lên những lo ngại trong dư luận khi cho rằng nó có thể châm ngòi cho một cuộc đua vũ trang trong không gian giữa các nước lớn.

Tổng thống Trump (phải) bắt tay với tướng Jay Raymond (trái), chỉ huy mới của Lực lượng Không gian tại lễ ký dự luật Quốc phòng 738 tỷ USD ở Căn cứ hỗn hợp Andrews ở bang Maryland, Mỹ, ngày 20.12

Tổng thống Trump (phải) bắt tay với tướng Jay Raymond (trái), chỉ huy mới của Lực lượng Không gian tại lễ ký dự luật Quốc phòng 738 tỷ USD ở Căn cứ hỗn hợp Andrews ở bang Maryland, Mỹ, ngày 20.12

Tham vọng của Mỹ

Trên thực tế, từ lâu đã nhiều đời tổng thống Mỹ có ý tưởng thành lập lực lượng không gian và cùng với thời gian, chiến lược này đã nhiều lần được điều chỉnh.

Tuy nhiên, tư tưởng xuyên suốt vẫn là xây dựng được một lực lượng tác chiến vũ trụ mạnh, đủ sức bảo đảm an ninh cho nước Mỹ trong mọi tình huống. Lực lượng này có nhiệm vụ tấn công từ không gian các mục tiêu mặt đất và đánh chặn các tên lửa đạn đạo của đối phương, kiểm soát toàn bộ không gian gần Trái đất, tuyệt đối bá chủ không gian vũ trụ.

Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” (SDI) là một chương trình được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 1983 dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Mục tiêu của chương trình này là phát triển hệ thống chống tên lửa đạn đạo được thiết kế nhằm bắn rơi các tên lửa hạt nhân trong không gian, đặc biệt để đối phó với mối đe dọa tấn công tên lửa tiềm tàng từ Liên Xô.

Chương trình này khi đó đã được gọi tên là “Chiến tranh giữa các vì sao” bởi nó dự kiến sẽ sử dụng các công nghệ có nền tảng không gian như tia lazer, tia X trong hệ thống phòng thủ.

Tuy nhiên, việc thiếu chi phí cùng với sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 đã khiến SDI đã không bao giờ được xây dựng. Ý tưởng thống trị và phòng vệ không gian từ đó cũng dần "nguội" đi.

Chỉ tới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, chương trình không gian của Mỹ lại "nóng" trở lại và thu hút sự chú ý của toàn thế giới trong những năm gần đây khi nước Mỹ có những bước đi thực sự.

Thời gian qua, Mỹ đã bắt đầu chú trọng hơn đến các nhiệm vụ trong không gian. Trong Đạo luật An ninh Quốc gia của Mỹ năm tài khóa 2019 đã chỉ rõ sự cần thiết và cấp bách trong việc nghiên cứu các loại vũ khí triển khai sẵn trên vũ trụ và sẵn sàng tấn công phủ đầu khi cần đối với các quốc gia mà Mỹ coi là mối đe dọa.

Mỹ cho rằng, việc thành lập lực lượng không gian là cần thiết bởi các đối thủ của Mỹ là Nga và Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa không gian, chế tạo vũ khí để ngăn chặn, phá hoại các vệ tinh chuyên dụng, giúp theo dõi lực lượng đối phương, chụp ảnh do thám và phát hiện các vụ phóng tên lửa của Mỹ.

Vì vậy, vào cuối năm 2018, Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ (SpaceCom) đã được thành lập theo chỉ thị của Tổng thống Donald Trump nhằm kiểm soát các hoạt động quân sự của Mỹ trong không gian. Đến tháng 2.2019, Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục nhận được lệnh sẵn sàng thành lập một lực lượng trong vũ trụ.

Hiện thực hóa các ý tưởng và mục tiêu của Tổng thống Trump, vào cuối tháng 8-2019 vừa qua, Bộ Chỉ huy không gian (SpaceCom) thuộc Lầu Năm Góc đã được ra mắt.

SpaceCom là bộ chỉ huy thứ 11 của Lầu Năm Góc, cấu thành từ 87 đơn vị, trong đó có các đơn vị phụ trách phòng chống tên lửa đạn đạo, kiểm soát hoạt động của vệ tinh và giám sát các hoạt động trên không gian vũ trụ.

Giống như các bộ chỉ huy tác chiến khác, SpaceCom cũng được chia ra các bộ phận nhỏ dựa theo chiến lược địa chính trị của Mỹ như đơn vị SpaceCom ở Trung Đông, SpaceCom ở Ấn Độ-Thái Bình Dương…

Tiếp theo đó, vào ngày 21-12-2019, Tổng thống Trump đã phê chuẩn Đạo luật chi tiêu quốc phòng 2020 (NDAA), trong đó có việc thành lập Lực lượng Vũ trụ Mỹ. Đây là quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ được ra đời, ngang hàng với các quân chủng Lục quân, Hải quân, Không quân, Thủy quân lục chiến và lực lượng Bảo vệ bờ biển.

Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, trong bối cảnh có nhiều mối đe dọa với an ninh quốc gia, thì sự vững mạnh trong lĩnh vực vũ trụ có vai trò quan trọng với nước Mỹ.

Việc thành lập Lực lượng vũ trụ đã đánh dấu lần đầu tiên trong khoảng 70 năm qua, Mỹ có lực lượng quân sự mới. Nếu như Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ (SpaceCom) tập trung vào vấn đề chiến sự, thực hiện giám sát các hoạt động liên quan đến không gian vũ trụ của toàn thể quân đội Mỹ, thì Lực lượng Vũ trụ sẽ bao gồm những nhiệm vụ rộng hơn như đào tạo, thu mua, vạch kế hoạch dài hạn và các chức năng khác.

Theo đó, Lực lượng Vũ trụ sẽ bao gồm khoảng 16.000 thành viên là binh lính không quân và các nhân viên dân sự, hoạt động dưới sự điều phối của Không quân và do Tướng Jay Raymond chỉ huy (Tướng Jay Raymond hiện cũng đang là người chỉ huy của SpaceCom).

Theo Tướng Raymond, Mỹ hiện được coi là quốc gia có thế mạnh về lực lượng không gian trên thế giới với công nghệ và trang thiết bị tối tân. Do đó, theo ông, “việc thành lập lực lượng không gian là phù hợp với chiến lược quốc phòng quốc gia, một lực lượng có trụ sở tại Mỹ sẽ cạnh tranh, răn đe và đánh bại mọi âm mưu, bảo đảm an ninh quốc gia của chúng tôi”.

Với chi phí hoạt động lên tới 40 triệu USD trong năm đầu tiên, Lực lượng Vũ trụ sẽ được nhận tài trợ từ ngân sách quân sự hàng năm của Mỹ trị giá 738 tỷ USD.

“Nóng” cuộc đua trong không gian

Theo các chuyên gia, vũ trụ luôn được coi là một lĩnh vực chiến lược xét từ quan điểm an ninh quốc gia, đặc biệt trong thời đại phát triển như vũ bão của kỹ thuật và công nghệ.

Vì vậy khi Mỹ có các bước đi mới để mở rộng các khả năng của mình trong không gian, chắc chắn, các quốc gia khác sẽ có những phản ứng cứng rắn và áp dụng các biện pháp tương ứng nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và quốc tế. Và thực tế là ngay từ khi Mỹ cho ra đời Bộ chỉ huy không gian (SpaceCom) đã làm dấy lên mối lo ngại về việc quân sự hóa, kích hoạt một cuộc đua vũ trang và thậm chí là chiến tranh không gian.

Đài Phát thanh quốc tế Pháp coi đây là phiên bản 2.0 của Dự án Chiến tranh giữa các vì sao của thập niên 80 của thế kỷ XX, còn truyền thông Australia cho rằng Mỹ muốn bố trí vũ khí lên không gian vũ trụ, ngoài việc làm cho loài người lo ngại về bom hạt nhân treo trên đầu, còn dẫn đến sự chấm dứt giấc mơ thám hiểm tầng không gian bên ngoài Trái Đất.

Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nga, tướng Gerasimov cũng chỉ trích việc Mỹ sử dụng không gian vũ trụ cho mục đích quân sự là nhằm tạo điều kiện cho hoạt động quân sự hóa không gian. Nga cho rằng nếu Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên vũ trụ, nhân loại có thể đối mặt thảm họa diệt vong…

Tuy nhiên, phía Mỹ lại cho rằng, việc thành lập lực lượng không gian là cần thiết bởi các đối thủ của Mỹ hiện nay như là Nga hay Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa không gian, chế tạo vũ khí để ngăn chặn, phá hoại các vệ tinh chuyên dụng, giúp theo dõi lực lượng đối phương, chụp ảnh do thám và phát hiện các vụ phóng tên lửa của Mỹ.

Thực tế hiện nay trong lĩnh vực vũ trụ, cả Nga và Trung Quốc được cho là đã đầu tư tiền của và chất xám nhằm tìm cách tấn công, phá hủy vệ tinh trên quỹ đạo. Cả Nga, Trung Quốc và Mỹ đều đã phóng được các vệ tinh gần các vệ tinh khác nhằm thu giữ hoặc phá hủy các vật thể đang trên quỹ đạo.

Đối với Nga, kể từ năm 2015, Bộ Quốc phòng Nga đã lên kế hoạch chế tạo hệ thống vũ khí tên lửa phòng không tổ hợp nhiều mục tiêu, theo đó hợp nhất hóa hoạt động phòng không và phòng không vũ trụ, hợp nhất tất cả lực lượng, các phương tiện của lực lượng phòng không, không quân, tên lửa vũ trụ dưới sự chỉ huy của lực lượng phòng không.

Cùng năm 2015, vệ tinh Luch của Nga đã tự di chuyển vào vị trí giữa 2 vệ tinh của Tổ chức Vệ tinh viễn thông quốc tế (INTELSAT) trong quỹ đạo địa tĩnh, tiến lại gần một vệ tinh INTELSAT trong khoảng cách 10km trong vòng vài tháng trước khi lại di chuyển ra xa. Sau đó, động thái này gây ra những đồn đoán về khả năng Nga đang phát triển các vệ tinh tiến công có thể hoạt động và tiếp cận mục tiêu trong không gian.

Bên cạnh đó, đối với các nghiên cứu trong không gian, Nga hiện đang theo đuổi mục tiêu xây trạm không gian quốc gia đầu tiên của Nga trên quỹ đạo Mặt trăng vào năm 2025.

Đặc biệt, trong lần trở lại cuộc đua vũ trụ hiện nay, các nhà khoa học Nga đang nỗ lực khám phá các công nghệ mới giúp con người di chuyển nhanh hơn trong vũ trụ bao la, như xây dựng phòng thí nghiệm nhằm khai thác sức mạnh của plasma nhiệt hạch để sử dụng làm động cơ đẩy.

Các thí nghiệm với động cơ plasma được Nga bắt đầu vào cuối năm 2019. Các nhà khoa học tin rằng động cơ plasma sẽ đạt tốc độ nhanh hơn so với động cơ tên lửa, giúp rút ngắn thời gian đến các hành tinh trong Hệ Mặt trời và xa hơn.

Trong cuộc đua vào không gian hiện nay, Trung Quốc cũng đang nổi lên là một đối thủ đáng gờm của Mỹ và Nga. Tuy đi sau nhiều thập kỷ, song bước tiến của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian được coi là một sự kỳ diệu mà gần như chưa có quốc gia nào làm được.

Với sự điều hành của quân đội Trung Quốc, ngành vũ trụ nước này đã phóng nhiều tên lửa hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Kể từ tháng 1-2007, Trung Quốc đã trình làng vũ khí chống vệ tinh (ASAT), phá hủy thành công mục tiêu giả định và tiếp tục tiến hành nhiều cuộc phô trương ASAT trong suốt thập kỷ qua.

Năm 2018, Trung Quốc thực hiện 39 vụ phóng, trong khi Mỹ chỉ có 31 vụ, Nga 20 vụ và cả châu Âu cũng chỉ có 8 vụ. Không những thế, Trung Quốc còn có một bước tiến dài và tiên phong trước nhiều quốc gia khi mở đầu năm 2019, vào ngày 3.1, tàu thăm dò vũ trụ Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã đáp thành công xuống “phần tối” của Mặt Trăng, đánh dấu lần đầu tiên con người xác lập sự hiện diện ở đây.

Ngoài ra, giống như Mỹ, Trung Quốc cũng có khả năng phá hủy vệ tinh đối thủ bằng cách phóng tên lửa từ mặt đất hoặc bằng cách gây ra các vụ đụng độ có chủ ý. Cả Nga, Mỹ và Trung Quốc đều được cho là đã phát triển được kỹ thuật laser để vô hiệu hóa hoặc phá hủy vệ tinh.

Ngoài Mỹ, Nga, Trung Quốc, cuộc đua vũ trụ hiện nay cũng đang nổi lên những đối thủ mới như Ấn Độ. Dù xuất phát khá muộn so với các cường quốc vũ trụ khác nhưng chương trình không gian của Ấn Độ phát triển rất nhanh. Tháng 10-2008, Ấn Độ phóng thành công tàu thăm dò Chandrayaan-1 lên quỹ đạo Mặt trăng.

Sau đó, Chandrayaan-1 phóng một tàu thăm dò xuống Mặt trăng, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới cắm cờ trên vệ tinh của Trái đất. Ấn Độ thậm chí còn vượt cả Trung Quốc khi trở thành quốc gia châu Á đầu tiên và thứ 4 trên thế giới phóng thành công tàu thăm dò lên quỹ đạo của sao Hỏa vào ngày 24-9-2014.

Mới đây nhất, ngày 27-3-2019, Ấn Độ tuyên bố đã có thể bắn hạ một vệ tinh bay ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp trong một cuộc thử nghiệm tên lửa. Thành công này được đánh giá là bước tiến lớn đưa Ấn Độ vào danh sách các cường quốc về không gian, trở thành quốc gia thứ 4 sau Mỹ, Nga và Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào một vật thể bay trong quỹ đạo Trái đất.

Không chịu thua kém, chính phủ Nhật Bản cũng đã cùng chính phủ Ấn Độ tổ chức Đối thoại không gian. Không chỉ cùng hợp tác để khám phá Mặt trăng, Nhật Bản và Ấn Độ thống nhất hợp tác trong lĩnh vực an ninh, bao gồm cả chia sẻ dữ liệu vệ tinh. Đây là bước đi giúp hai cường quốc này tăng cường năng lực quân sự vũ trụ, và giám sát các hoạt động ngoài không gian để từ đó đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời.

Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng đang nỗ lực phát triển các robot tự hành với phầm mềm tiên tiến có thể tự hoạt động mà không cần sự can thiệp từ Trái đất. Cơ quan Vũ trụ Anh đang thử nghiệm robot tự động được áp dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo, cho phép nó tự đưa ra quyết định về nơi và cách nó sẽ di chuyển. Công nghệ này giúp robot tự động có thể khám phá vài kilomet mỗi ngày trên bề mặt sao Hỏa, thay vì chỉ vài chục mét như hiện tại...

Còn với Pháp, hồi tháng 7-2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này đã thông qua kế hoạch thành lập Bộ Chỉ huy Lực lượng Vũ trụ trực thuộc Không quân Pháp. Đây là một phần trong học thuyết quân sự và không gian mới do Bộ Quốc phòng nước này đề xuất, đồng thời cho rằng việc tái điều chỉnh trọng tâm quân sự vào lĩnh vực không gian là hướng đi đúng đắn nhằm bảo đảm an ninh quốc gia. Pháp cũng dự định chi hơn 4 tỷ USD từ ngân sách quốc phòng giai đoạn 2019-2025 để đầu tư phát triển các hoạt động không gian và đổi mới vệ tinh.

Có thể thấy, trong bối cảnh các nước Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ đang ngày càng chú trọng đầu tư vào lĩnh vực vũ trụ, cuộc đua trong không gian giữa các cường quốc vì thế ngày càng “nóng”.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/binh-luan/my-toan-tinh-gi-khi-thanh-lap-luc-luong-vu-tru-124156