Mỹ tranh cãi về đạo luật Obamacare

Ngày 25/6, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Tòa án Tối cao nước này chấm dứt hiệu lực của đạo luật chăm sóc sức khỏe phải chăng (ACA), còn có tên gọi là Obamacare vốn cung cấp bảo hiểm y tế cho hàng chục triệu người dân nước này. Tuy nhiên, việc tiếp tục hay hủy bỏ ACA vẫn là vấn đề gây tranh cãi tại xứ cờ hoa.

Obamacare được khởi động từ tháng 3/2010 nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm chi phí khám bệnh và giảm tỷ lệ người không có bảo hiểm. Đây là mục tiêu của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong hai nhiệm kỳ lãnh đạo.

Theo quy định của Obamacare, hàng triệu người Mỹ bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế nếu không muốn bị phạt thuế. Tuy nhiên, năm 2017, Quốc hội Mỹ đã xóa bỏ việc phạt tiền đối với những người không đăng ký mua bảo hiểm y tế - điều vốn được xem là một trong những "trụ cột" của ACA. Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng, nghĩa vụ mua bảo hiểm là không thể tách rời với phần còn lại của ACA, nhưng hành động này là không hợp pháp sau quyết định của Quốc hội Mỹ nên toàn bộ ACA cũng sẽ mất hiệu lực.

 Có đến 130 triệu người Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu Obamacare bị hủy bỏ

Có đến 130 triệu người Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu Obamacare bị hủy bỏ

Ngay từ khi mới nhậm chức, Tổng thống Mỹ D.Trump đã tiến hành những bước đi nhằm hủy bỏ Obamacare. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, đạo luật y tế này tuy có ích đối với một số tầng lớp trong xã hội Mỹ nhưng lại tạo ra sức ép rất lớn về ngân sách do Chính phủ phải gánh vác các khoản hỗ trợ cho các công ty bảo hiểm, bệnh viện và người nghèo.

Theo Tạp chí Forbes (Mỹ), hơn 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tới từ tiêu dùng cá nhân. Thế nên, việc Obamacare làm giảm thu nhập của tất cả người Mỹ sẽ khiến GDP giảm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát gây chao đảo thị trường tiêu dùng, Nhà Trắng càng có thêm lý do để loại bỏ một trong những yếu tố được cho là gây bất lợi đối với nền kinh tế.

Mặt khác, Tổng thống D.Trump cũng đang hướng tới việc thay thế ACA bằng Đạo luật Chăm sóc sức khỏe người Mỹ (AHCA), còn được gọi là Trumpcare. Ưu điểm của AHCA là sử dụng nguồn vốn từ thị trường dưới dạng tín dụng thuế hoàn lại để cung cấp các dịch vụ y tế, thay vì sử dụng sự kiểm soát của Chính phủ như ACA.

Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, nếu được thực hiện thì AHCA sẽ giảm bớt thâm hụt khoảng 336 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2026. Tuy nhiên, cùng với đó, số người Mỹ không có bảo hiểm sức khỏe sẽ tăng lên 52 triệu người, thêm 24 triệu người so với Obamacare. Vì lý do này, việc AHCA có thực sự ưu việt hơn ACA hay không vẫn là điều gây tranh cãi.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã chỉ trích động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump là tàn ác không thể chấp nhận được, đặc biệt vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Bà cho rằng, nếu đạo luật Obamacare bị "xóa sổ" thì 130 triệu người Mỹ với các bệnh lý nền đứng trước nguy cơ không còn được bảo vệ và khoảng 23 triệu công dân có thể không có bảo hiểm.

Đảng Dân chủ trước đó đã yêu cầu tòa án cấp cao nhất tuyên bố rằng ACA không vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ và đã đề xuất củng cố các quy định của pháp luật, đã chỉ trích động thái này là tàn nhẫn và vô đạo đức, đặc biệt là trong thời gian đang diễn ra dịch Covid-19.

Dự kiến, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xem xét yêu cầu của chính quyền Tổng thống D.Trump trong nhiệm kỳ tới (bắt đầu từ tháng 10/2020). Theo giới quan sát, chủ đề chăm sóc sức khỏe vẫn là một trong những nội dung quan trọng của chiến dịch vận động tranh cử, có thể sẽ trở thành đề tài tranh luận giữa đương kim Tổng thống Mỹ và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc "khai tử" Obamacare không hề dễ dàng khi đạo luật này đang được lòng rất nhiều người dân Mỹ, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/my-tranh-cai-ve-dao-luat-obamacare-80593.html