Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ Aegis Ashore tại Ba Lan khiến Nga 'giật mình'
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) cho biết quân đội nước này đã bắt đầu lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại căn cứ Redzikowo ở Ba Lan.
"Việc lắp đặt hệ thống vũ khí Aegis Ashore ở Ba Lan đã bắt đầu. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa gần đây đã đạt được những dấu mốc quan trọng đối với việc lắp đặt hệ thống vũ khí Aegis tại cơ sở ở Redzikowo, Ba Lan", tuyên bố cho biết.
Aegis Ashore là phiên bản hoạt động trên đất liền đầu tiên của Hệ thống chiến đấu Aegis, hệ thống gồm các bộ phận phức tạp như: radar, trung tâm điều khiển hỏa lực, máy tính và tên lửa.
Hải quân Mỹ thường sử dụng radar SPY-1 và một tổ hợp tên lửa Standard Missile-3 trong các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore trên đất liền.
Năm 2002, Mỹ rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa với Nga, với lý do cần phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu để phòng thủ trước "các quốc gia bất hảo" là Iran và Bắc Triều Tiên. Cùng năm đó, Mỹ và Nga nhất trí thỏa thuận thực hiện một loạt biện pháp nhằm "xây dựng lòng tin và tăng cường tính minh bạch trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa".
Tuy nhiên, sau đó Mỹ bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của mình ở Ba Lan và Cộng hòa Séc. Năm 2009, chính sách này đã được điều chỉnh theo hướng có lợi cho cái gọi là "hệ thống phòng thủ tên lửa thích ứng phi chiến lược".
Hiện nay, các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore đã được triển khai trên lục địa Mỹ, ở châu Âu (ở Ba Lan và Romania) và ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các phương tiện hải quân đánh chặn tên lửa đạn đạo (tàu khu trục với tên lửa chống tên lửa đạn đạo) được triển khai gần bờ biển của Nga và Trung Quốc. Các quốc gia này luôn phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, coi việc đó là nguy cơ đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ.
Hãng tin Sputnik đưa tin, Nga đã thật sự "giật mình" về việc sử dụng các bệ phóng đa năng tại các căn cứ phòng thủ tên lửa ở Romania và Ba Lan, bởi từ những căn cứ đó tên lửa hành trình và tên lửa chống tên lửa đạn đạo có thể dễ dàng phóng lên tàu biển.
Giả thiết đặt ra, nếu tên lửa chống tên lửa đạn đạo được bí mật thay thế bằng tên lửa hành trình thì toàn bộ phần châu Âu của Nga sẽ là nằm trong tầm ngắm của tên lửa Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, Nga lo ngại về việc Mỹ có kế hoạch triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Ba Lan vì những bước đi này nhằm phá vỡ sự ổn định chiến lược.
Nhà ngoại giao cấp cao Nga nhấn mạnh: "Đây là chủ đề chúng tôi thường xuyên quan tâm. Chúng tôi đã nhận thức được các kế hoạch triển khai này từ lâu. Chúng tôi coi đó là các bước nhằm phá vỡ sự ổn định chiến lược".