Mỹ triển khai lá chắn tên lửa THAAD tới Israel

Mỹ tuyên bố sẽ gửi Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cùng binh sĩ vận hành tới Israel, nhằm tăng năng lực ứng phó tên lửa cho đồng minh. Với động thái này, Mỹ đã gia tăng can dự vào cuộc chiến leo thang ở Trung Đông.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder ngày 13-10 thông báo Mỹ sẽ triển khai một hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và binh sĩ vận hành tới Israel. "Đây là một phần trong các điều chỉnh của quân đội Mỹ những tháng gần đây", ông Ryder nói thêm rằng điều này sẽ hỗ trợ Israel và bảo vệ lực lượng Mỹ khỏi các cuộc tấn công của Iran hay những nhóm vũ trang được Tehran hậu thuẫn trong khu vực. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó khẳng định động thái này "nhằm bảo vệ Israel", giữa lúc quốc gia đồng minh đang cân nhắc đòn trả đũa sau khi bị Iran tấn công tên lửa hồi đầu tháng.

Một tên lửa đánh chặn của THAAD được phóng trong một cuộc thử nghiệm đánh chặn thành công. Ảnh: Reuters

Một tên lửa đánh chặn của THAAD được phóng trong một cuộc thử nghiệm đánh chặn thành công. Ảnh: Reuters

Theo tờ The Washington Post ngày 13-10, sứ mệnh này đánh dấu lần Mỹ triển khai lực lượng binh sĩ lớn đầu tiên tới Israel kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu. Mỹ điều lá chắn tên lửa này tới Israel trong bối cảnh dự báo Israel sắp tấn công trả đũa Iran. Kế hoạch triển khai này cũng diễn ra chỉ ba tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mà trong đó động thái can dự của Mỹ vào cuộc xung đột đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi trên đường đua tranh cử.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã cam kết sẽ trả đũa Iran tàn khốc để đáp trả cuộc tấn công tên lửa đạn đạo vào Israel ngày 1-10. Ông Gallant nói: "Cuộc tấn công của chúng tôi sẽ mạnh mẽ, chính xác và trên hết là bất ngờ. Họ sẽ không hiểu chuyện gì đã xảy ra và xảy ra như thế nào".

Cuộc tấn công của Iran diễn ra sau vụ ám sát các quan chức cấp cao của Iran, Hamas và Hezbollah do Israel thực hiện, nhưng không gây thiệt hại đáng kể nhờ Mỹ và Israel nỗ lực bắn hạ các tên lửa. Tuy nhiên, loạt tên lửa đã cho thấy rằng hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi của Israel có thể bị quá tải, để lọt hàng chục tên lửa đánh trúng lãnh thổ Israel. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, ông Pat Ryder, cho biết: "Khẩu đội THAAD sẽ tăng cường hệ thống phòng không tích hợp của Israel. Hành động này nhấn mạnh cam kết vững chắc của Mỹ về việc bảo vệ Israel và bảo vệ người Mỹ ở Israel khỏi các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo tiếp theo của Iran".

Quyết định của Tổng thống Biden về triển khai hệ thống THAAD trước khi Israel tấn công Iran là một ví dụ khác cho thấy ông sẵn sàng tin tưởng ông Netanyahu. Ông Harrison Mann, từng là nhà phân tích tại Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, nhận định: "Một khi hệ thống này được triển khai và Israel được lực lượng phòng không Mỹ bảo vệ, liệu ông Netanyahu có giữ lời hứa và không tấn công các mục tiêu nhạy cảm của Iran mà ông hứa sẽ tránh?". Triển khai THAAD là ví dụ mới nhất cho thấy Tổng thống Biden sử dụng "củ cà rốt" thay vì "cây gậy" để khuyến khích Israel giảm bớt mức độ hành vi. Theo giới chuyên gia, khả năng triển khai hệ thống THAAD của Mỹ mang tính biểu tượng cho sự ủng hộ đối với Israel. Các nhà phân tích cũng cảnh báo nếu Mỹ triển khai hệ thống THAAD tại Israel, cuộc khủng hoảng khu vực và các xung đột đang diễn ra có thể trở nên tồi tệ hơn vì động thái này có thể phá vỡ thêm cán cân quyền lực trong khu vực.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi cảnh báo hoạt động triển khai trên sẽ đẩy chính quân nhân của Mỹ vào nguy hiểm. Trong thông điệp trên mạng xã hội X, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran cũng khẳng định Tehran đã nỗ lực rất nhiều trong những ngày gần đây để kiềm chế căng thẳng leo thang và ngăn chặn nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột trên toàn khu vực Trung Đông.

AN BÌNH

UAV của Hezbollah đánh trúng nhà ăn căn cứ quân sự Israel

Bốn binh sĩ của lực lượng phòng vệ Israel IDF đã thiệt mạng và 58 người khác bị thương trong cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) của Hezbollah vào một phòng ăn bên trong căn cứ quân sự gần Binyamina ở miền Bắc Israel đêm 13-10.

Hezbollah đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, cho biết họ đã nhắm vào một căn cứ huấn luyện thuộc Lữ đoàn Golani của IDF. Lực lượng quân sự phi chính thức của Lebanon đã coi vụ tấn công chết chóc này là bằng chứng về năng lực của mình, ngay cả trong thời điểm quân đội Israel tiến hành chiến dịch trên bộ ở miền Nam Lebanon.

Một cuộc điều tra ban đầu về vụ tấn công cho thấy hai UAV do Hezbollah phóng đi đã xâm nhập không phận Israel từ biển. Cả hai đều là UAV "Mirsad", được Iran gọi là Ababil-T. UAV tự sát này có "tầm tấn công 120 km, tốc độ tối đa 370 km/giờ, khả năng mang theo tới 40 kg thuốc nổ và khả năng bay ở độ cao lên tới 3.000 mét".

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/my-trien-khai-la-chan-ten-lua-thaad-toi-israel-post302816.html