Mỹ triển khai lực lượng đa nhiệm đặc biệt ứng phó Trung Quốc
Quân đội Mỹ sẽ mở rộng các nỗ lực đối phó Trung Quốc bằng cách triển khai một lực lượng đặc nhiệm đến Thái Bình Dương. Lực lượng này có khả năng tiến hành các hoạt động thông tin, điện tử, chiến tranh mạng và tên lửa chống lại Bắc Kinh.
Lực lượng đặc nhiệm có khả năng sẽ đóng tại các hòn đảo phía Đông Philippines và Đài Loan và sẽ được trang bị các vũ khí chính xác tầm xa như tên lửa siêu thanh để tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển.
Hoạt động này có thể dọn đường cho các tàu hải quân trong trường hợp xảy ra xung đột. Lực lượng sẽ vô hiệu hóa các ý định của Trung Quốc và Nga khi các nước này muốn các nhóm tàu sân bay của Mỹ tránh xa lục địa châu Á.
Theo trang Bloomberg, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy trình bày chi tiết về đơn vị mới tại một sự kiện ở Washington trong ngày 10-1(theo giờ Mỹ). Động thái này nhằm "vô hiệu hóa sự bao vây mà Trung Quốc và Nga đã thực hiện", theo lời ông McCarthy.
Kế hoạch triển khai lực lượng đặc nhiệm sẽ được thúc đẩy bởi một thỏa thuận mới với Cơ quan Trinh sát Quốc gia (NRO) trong việc phát triển và quản lý các vệ tinh gián điệp Mỹ. Theo thỏa thuận đó, các đơn vị chiến thuật của quân đội sẽ có khả năng khai thác thông tin tốt hơn từ các vệ tinh quỹ đạo thấp hiện tại và tương lai.
Chiến lược "xoay trục" quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương này sẽ giúp Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đạt được mục tiêu lâu dài của Mỹ là chuyển thêm nhiều lực lượng từ châu Âu, Trung Đông và châu Phi sang Thái Bình Dương, tạo nên vị thế vững chắc hơn với Trung Quốc và Nga.
Theo ông McCarthy, động thái này sẽ cho phép quân đội Mỹ tạo ra một mô hình mới ở Thái Bình Dương. Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đồn trú ở mặt đất sẽ hỗ trợ tích cực cho lực lượng không quân và hải quân.
Học thuyết quân sự của Trung Quốc hướng tới chống tiếp cận/chống xâm nhập, được hỗ trợ bởi các tên lửa chống hạm tầm xa và khả năng giám sát trên không gian, giữ cho các nhóm tàu sân bay và nhóm tàu tấn công đổ bộ bên ngoài Chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai ở Thái Bình Dương.
Chuỗi đảo thứ nhất kéo dài từ quần đảo Kuril qua Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, tới Đài Loan, đảo Borneo và Natuna Besar. Chuỗi đảo thứ hai kéo dài từ phía Đông Nhật Bản đến đảo Guam và kéo xuống New Guinea.