Mỹ - Triều coi vòng đàm phán hạt nhân sắp tới là một cơ hội quý giá

Nhân lễ kỷ niệm tròn một năm ký kết Tuyên bố chung Bình Nhưỡng (19/9/2018) diễn ra tại Seoul, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul khẳng định, cả Mỹ và Triều Tiên đều coi vòng đàm phán cấp chuyên gia sắp tới là một cơ hội quý giá.

Tổng thống Mỹ gặp nhà Lãnh đạo Triều Tiên tại khu phi quân sự DMZ hồi tháng 6. (Nguồn: Getty)

Ông Kim nhấn mạnh rằng, Tuyên bố chung Bình Nhưỡng là một thỏa thuận quan trọng mà lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã kế thừa và phát triển từ Tuyên bố Panmunjom ngày 27/4 năm ngoái. Ông cho rằng, đã có nhiều sự thay đổi diễn ra trong quá trình thực thi Tuyên bố chung Bình Nhưỡng.

Người đứng đầu bộ trên lấy ví dụ trong lĩnh vực quân sự, hai bên đã dừng toàn bộ các hành vi thù địch ở cả trên mặt đất, trên biển và trên không. Do đó, nguy cơ bùng phát xung đột bất ngờ giữa hai miền đã giảm rõ rệt.

Bộ trưởng Kim cũng đề cập tới công tác phi vũ trang Khu vực an ninh chung (JSA), việc gỡ mìn và khai quật hài cốt tại đồi Hwasalmori thuộc huyện Cheorwon (tỉnh Gangwon).

Ông Kim đánh giá, căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên đã giảm mạnh, người dân có thể trực tiếp cảm nhận về một bầu không khí hòa bình đang lan tỏa.

Về tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh, Mỹ và Triều Tiên cần phải đàm phán một cách hiệu quả và hợp lý dựa trên sự tin tưởng hoàn toàn. Seoul đang thảo luận chặt chẽ với Washington để đàm phán cấp chuyên viên Mỹ - Triều sắp tới đạt được kết quả tốt đẹp. Chính phủ sẽ thực hiện tất cả các vai trò có thể, như luôn để ngỏ kênh đối thoại, trao đổi liên Triều.

Liên quan đến lễ kỷ niệm tròn một năm Tuyên bố chung Bình Nhưỡng, theo đài phát thanh KBS của Hàn Quốc, Triều Tiên không có bất cứ phản ứng hay hoạt động truyền thông đặc biệt nào.

Theo KBS, ngày hôm nay (19/9), các hãng truyền thông Triều Tiên chỉ đưa tin trong nước về tình hình khắc phục thiệt hại do cơn bão "Lingling" và về thành quả phát triển kinh tế.

Về tình hình quốc tế, Bình Nhưỡng chỉ trích chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa đơn phương của Mỹ liên quan đến mâu thuẫn với Nga và Trung Quốc. Đối với các tin tức về Hàn Quốc, trang web Dân tộc chúng ta chỉ dừng ở việc thông tin về mâu thuẫn Hàn - Nhật, quan hệ đồng minh Hàn - Mỹ.

Mặc dù dư luận không đặt nhiều kỳ vọng về sự kiện kỷ niệm chung một năm Tuyên bố chung Bình Nhưỡng trong bối cảnh quan hệ liên Triều đang xấu đi, song việc truyền thông Triều Tiên không hề đả động tới sự kiện này là điều hiếm thấy.

Trước đó, khi kỷ niệm một năm Tuyên bố Panmunjom ngày 27/4, mặc dù không đồng ý tổ chức chung lễ kỷ niệm, nhưng thông qua Ủy ban Hòa bình thống nhất Tổ quốc, Triều Tiên đã đưa ra lập trường chỉ trích Seoul. Khi đó, các hãng truyền thông lớn của Triều Tiên, như Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng đưa bài bình luận về tình hình Bán đảo Triều Tiên và quan hệ liên Triều.

Tuy nhiên, lần này, Triều Tiên lại hoàn toàn im ắng trong ngày kỷ niệm một năm Tuyên bố chung Bình Nhưỡng. Điều này được phân tích là nhằm truyền đi "một thông điệp nào đó", cho thấy trong thời gian tới, Triều Tiên sẽ tập trung hoàn toàn vào đối thoại Mỹ - Triều.

Trên thực tế, khó có thể kỳ vọng về một thành quả đặc biệt trong quan hệ liên Triều, trước khi đàm phán Mỹ - Triều được khôi phục.

Chu An

(theo Yonhap, KBS)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-trieu-coi-vong-dam-phan-hat-nhan-sap-toi-la-mot-co-hoi-quy-gia-101395.html