Mỹ, Triều Tiên tuyên bố trái ngược về kết quả đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên
Cuộc đàm phán hạt nhân chính thức đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un hồi đầu năm nay đã diễn ra tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển.
Theo đó, ngày 5-10, Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun và nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Bình Nhưỡng Kim Myong-gil đã gặp nhau ở Villa Elfvik Strand, một trung tâm tổ chức hội nghị ở phía Đông Bắc thủ đô Stockholm. Cuộc đàm phán cấp chuyên viên này kết thúc với những tuyên bố trái ngược nhau từ phía Bình Nhưỡng và Washington.
Ngày 6-10, hãng tin Yonhap dẫn lời trưởng đoàn đàm phán của Triều Tiên Kim Myong-gil tuyên bố cuộc đàm phán đổ vỡ và cáo buộc Washington đã khiến cuộc đàm phán “kết thúc trong vô nghĩa”. Phát biểu trước Đại sứ quán Triều Tiên ở thủ đô Stockholm, ông Kim Myong-gil bày tỏ không hài lòng và nhấn mạnh cuộc đàm phán lần này không đáp ứng được mong đợi của Bình Nhưỡng. Ông Kim Myong-gil khẳng định lý do đàm phán không mang lại kết quả hoàn toàn là do phía Mỹ không chịu từ bỏ lập trường và quan điểm cũ, mặc dù đến nay Washington đã gợi ý về một cách tiếp cận linh hoạt và sáng tạo, khiến dư luận kỳ vọng về khả năng giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ông Kim Myong-gil kêu gọi Mỹ thay đổi lập trường và khẳng định các cuộc đàm phán sẽ không được nối lại ít nhất là trước cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Kim Myong-gil cũng cho biết Triều Tiên có thể tham gia thảo luận về “giai đoạn tiếp theo” của các biện pháp phi hạt nhân hóa, nếu Washington hồi đáp một cách “chân thành” những biện pháp mà Bình Nhưỡng đã chủ động thực hiện như ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa. “Việc duy trì hay đóng sập cánh cửa đối thoại vĩnh viễn là phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ”, ông Kim Myong-gil khẳng định.
Ở chiều ngược lại, theo Yonhap, Bộ Ngoại giao Mỹ lại tuyên bố nước này đã có “cuộc thảo luận tốt đẹp” với Triều Tiên. “Những bình luận sớm từ phái đoàn Triều Tiên không phản ánh nội dung hoặc tinh thần của cuộc thảo luận kéo dài 8 tiếng rưỡi”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh. Bà Morgan Ortagus cho rằng Mỹ đã đưa ra những ý tưởng sáng tạo tại cuộc đàm phán với các đối tác Triều Tiên. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, vào cuối cuộc đàm phán này, Mỹ đã chấp nhận lời mời của Thụy Điển quay trở lại thủ đô Stockholm để tiếp tục đàm phán với Triều Tiên trong vòng hai tuần nữa. Trong khi đó, phía Triều Tiên chưa phản hồi với lời đề nghị này. “Mỹ và Triều Tiên sẽ không vượt qua di sản của 70 năm chiến tranh và thù địch trên bán đảo Triều Tiên thông qua chỉ một ngày thứ bảy (5-10). Có nhiều vấn đề cần phải cân nhắc, đòi hỏi cam kết mạnh mẽ của cả hai bên. Mỹ có cam kết đó”, Yonhap dẫn lời bà Morgan Ortagus.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra thông báo bày tỏ hy vọng Mỹ và Triều Tiên sẽ tiếp tục đối thoại với nhau. Thông báo khẳng định Seoul sẽ hợp tác chặt chẽ với Washington để “bảo đảm đối thoại sẽ tiếp tục căn cứ trên quan điểm của cả hai phía”.
Trước thềm cuộc đàm phán cấp chuyên viên tại thủ đô Stockholm, dư luận cho rằng hai bên sẽ tập trung vào cách thức thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 6-2018 tại Singapore. Theo thỏa thuận này, hai bên đã cam kết xây dựng mối quan hệ song phương mới, cùng nỗ lực thiết lập một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo này. Theo Yonhap, dư luận kỳ vọng các cuộc đàm phán cấp chuyên viên đạt tiến triển sẽ mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào trước cuối năm nay.