Mỹ trở thành tâm dịch thế giới, TT Trump tiếp tục ca ngợi chính phủ
Mỹ đã trở thành quốc gia có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất thế giới. Tuy nhiên, ông Trump vẫn cố gắng phớt lờ những tổn thất và tiếp tục muốn mở cửa nền kinh tế.
Trong khi nước Mỹ vượt qua Trung Quốc và Italy để trở thành quốc gia có nhiều ca nhiễm virus corona được xác nhận nhất thế giới, CNN chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xem nhẹ cuộc khủng hoảng mang tầm quốc gia này.
Những bình luận của ông Trump trong cuộc họp báo chiều 26/3 cho thấy hai bức tranh ngày càng trái ngược của cuộc chiến này.
Từ Nhà Trắng, ông Trump ca ngợi những thành công lớn và nói về một chính phủ được huy động mạnh mẽ. Trên tiền tuyến chống dịch, các nhân viên y tế tuyến đầu đang phải đối mặt với khó khăn khủng khiếp do thiếu thiết bị, số bệnh nhân gia tăng nhanh chóng ở những điểm nóng.
Sau đó, bỏ qua các quy tắc truyền thống của một tổng thống, ông Trump đã đả kích các thống đốc Dân chủ kêu gọi giúp đỡ do bang nhà của họ đang bị dịch bệnh quét qua.
Những điều ông Trump thực hiện cũng mâu thuẫn với lời khuyên của bác sĩ Anthony Fauci, một trong những thành viên hàng đầu của lực lượng chống dịch của Nhà Trắng.
Trong khi tổng thống mong muốn mọi thứ sớm trở lại bình thường, ông Fauci đã nóirằng "chỉ có virus mới có thể đặt ra thời gian mở cửa đất nước trở lại".
Vào hôm 26/3, ngày có nhiều người tử vong nhất từ trước đến nay do Covid-19 tại Mỹ, ông Trump cho rằng tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với dự kiến.
Một tuần trước đó, Mỹ chỉ có tổng cộng 8.800 ca nhiễm và 149 trường hợp tử vong. Đến hôm 26/3, con số đó tăng vọt lên 82.000 và gần 1.200 người chết.
Nếu những con số này là kết quả của một cơn bão hoặc một cuộc tấn công khủng bố, thiệt hại nhân mạng sẽ rõ ràng hơn, và tổng thống sẽ khó xoay chuyển tình hình hơn. Nhưng khi các nạn nhân chết từ từ trong các bệnh viện và phòng cấp cứu, tác động về mặt cảm xúc khi thiệt hại gia tăng không rõ ràng so với trong một thảm họa tự nhiên.
Tuy nhiên, những con số này đang tự cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình
Mỹ đã vượt qua Trung Quốc vào ngày 26/3 trở thành quốc gia có số ca nhiễm được xác nhận nhiều nhất. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Trump bày tỏ hy vọng rằng cơn ác mộng sẽ không kéo dài "lâu hơn nữa".
Sau đó, trong một buổi phỏng vấn với Fox News, ông Trump đã chỉ trích Thống đốc New York Andrew Cuomo khi ông Cuomo nói rằng bang của ông cần thêm 30.000 máy thở, hàm ý rằng ông Cuomo yêu cầu nhiều hơn số bang thực sự cần.
Tổng thống Trump cũng gọi Thống đốc Washington Jay Inslee là "ứng cử viên tổng thống thất bại" sau khi ông Inslee chỉ trích phản ứng của liên bang.
Và khi các quan chức ở Michigan nêu lên mối lo ngại ngày càng tăng về cuộc khủng hoảng xây dựng ở bang này, tổng thống đã nhắm vào Thống đốc Gretchen Whitmer, nói rằng "tất cả thứ bà ấy làm là ngồi đó và đổ lỗi cho chính phủ liên bang".
Khi các bác sĩ nói rằng họ vẫn thiếu khẩu trang và các thiết bị bảo vệ khác, ông Trump đọc một danh sách các thiết bị được cung cấp bởi chính quyền liên bang để chứng minh rằng họ có nhiều đồ dùng hơn số lượng cần.
Mặc dù đại dịch đang lan rộng một cách rõ rệt, ông Trump đã thúc đẩy mở cửa lại nền kinh tế Mỹ và nói rằng ông sẽ đưa ra một số hướng dẫn về nới lỏng cách quy tắc cách ly xã hội vào tuần tới.
Ông cũng nhấn mạnh nhiều lần rằng không ai có thể lường trước khả năng đại dịch xảy ra, bất chấp những cảnh báo do cộng đồng tình báo Mỹ đưa ra hồi đầu năm nay.
Bất kỳ tổng thống và bất kỳ chính quyền nào cũng sẽ bị vùi dập khi chống lại một "kẻ thù vô hình", như cách ông Trump gọi.
Nhưng không có bất kỳ chính quyền nào dành nhiều thời gian để ca ngợi hiệu quả của chính nó, ngay cả khi cuộc khủng hoảng ngày càng lớn dần.
"Tôi nghĩ rằng người dân nghĩ chúng tôi đang làm rất tốt trong việc điều hành tình huống có liên quan đến virus", ông Trump nói tại Nhà Trắng. “Tôi nghĩ rằng họ nghĩ tôi và chính quyền đang làm rất tốt. Có nhiều nỗi sợ nhưng cũng có nhiều thứ tốt đẹp đang xảy ra”.
Những điểm nóng mới
Tổng thống phát biểu khi cuộc khủng hoảng virus tại New York ngày càng nghiêm trọng. New Orleans, California, Chicago và Detroit cũng dần trở thành những điểm nóng mới.
Một bác sĩ ở New York đã cảnh báo về những cảnh "tận thế" tại bệnh viện của cô. Họ thiếu đồ bảo hộ cho nhân viên và một chiếc xe tải đông lạnh được đưa vào để giữ xác, theo New York Times.
Ông Trump cũng tìm cách giảm thiểu mức độ gây tử vong của virus.
"Rất nhiều điều tốt đẹp đang xảy ra. Theo tôi, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống," ông Trump nói. "Điều này khiến nhiều người bớt sợ. Khi tôi mới thực hiện việc này, tôi được cho biết con số cao hơn nhiều so với con số hiện tại”.
Ông Trump đã đưa ra bình luận này vào một ngày mà hơn 200 người Mỹ tử vong do virus corona.
Ông cũng nói giảm tác động của cuộc khủng hoảng. Ngay cả khi chỉ 1,5% số người bị nhiễm tử vong, virus Covid-19 rất dễ lây lan. Điều đó có nghĩa là số ca nhiễm tăng có thể làm sụp đổ hệ thống bệnh viện Mỹ.
Do đó, Nhà Trắng phải đưa ra các khuyến nghị cách xã ly hội gần 2 tuần trước. Nhiều thống đốc và thị trưởng cũng đóng cửa khu vực của họ để ngăn dịch lây lan.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng có vẻ thiếu kiên nhẫn với các quyết định của chính mình. Ông cho biết sẽ đưa ra các hướng dẫn phân loại khu vực theo rủi ro địa lý cho các thống đốc hôm 26/3.
Tổng thống có kế hoạch xác định các hạt có "rủi ro cao, rủi ro trung bình và rủi ro thấp" và từ đó áp dụng các biện pháp chống dịch khác nhau.
"Chúng ta phải quay trở lại làm việc. Người dân chúng ta muốn làm việc. Họ muốn quay lại. Họ phải quay lại làm việc”, ông Trump nói với các phóng viên. “Tôi nghe thấy mong muốn của họ, rất lớn và rõ”.
Ông Trump nói đúng về việc người Mỹ cần phải quay lại làm việc. Dữ liệu mới của Bộ Lao động hôm 26/3 cho thấy 3,28 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ khi chính phủ đóng cửa nền kinh tế.
Những số liệu trên cho thấy tình huống khó xử mà tổng thống phải đối mặt. Ông Trump phải chọn giữa việc bảo vệ sự giàu có của quốc gia và hạnh phúc của đất nước với việc hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người Mỹ có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, trong khi cấp dưới của ông nói họ sẽ theo dõi dữ liệu để đưa ra quyết định sáng suốt, tổng thống dường như đã có quyết định của riêng mình.
“Los Angeles có thể trở thành New York mới”
Việc mở cửa lại nền kinh tế vẫn là thứ có thể khiến động cơ kinh tế của quốc gia vận hành trở lại. Tuy nhiên, "timeline" ông Trump đưa ra dường như không dựa trên khoa học.
Phó tổng thống Mike Pence tuyên bố sẽ kiểm tra dữ liệu rất cẩn thận và trình bày cho ông Trump "một loạt các khuyến nghị và hướng dẫn bổ sung".
Nhưng một số chuyên gia y tế lo ngại rằng việc nới lỏng cách ly xã hội ở các khu vực khác, những khu vực chưa bị ảnh hưởng nặng, có thể phá vỡ nỗ lực ngăn bệnh lan rộng.
Thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti nói trên CNN rằng còn quá sớm để bắt đầu nới lỏng các biện pháp.
"Iran là Trung Quốc mới. Italy là Iran mới, Tây Ban Nha là Italy mới. New York là Tây Ban Nha mới. Los Angeles có thể trở thành New York mới", ông Garcetti nói. "Virus sẽ ở Topeka. Virus sẽ ở Atlanta. Virus sẽ ở Louisville”.
Bác sĩ Richard Besser, cựu quyền giám đốc của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, cảnh báo trên chương trình của CNN rằng khả năng xét nghiệm của Mỹ vẫn chưa đủ để kết luận rằng việc cách ly xã hội có hiệu quả.
"Cho đến khi việc xét nghiệm được thực hiện rộng rãi và chúng tôi có thể hiểu các mốc thời gian khác nhau và tầm quan trọng của việc lây truyền ở trẻ em, vẫn còn rất sớm để nói về việc mở cửa một vài khu vực”, ông nói.