Mỹ trui rèn khả năng đối phó S-400 Nga cho phi công F-35
Bên cạnh hoạt động bay huấn luyện, các phi công F-35 của Không quân Mỹ còn tích cực sử dụng phần mềm mô phỏng máy tính để chiến đấu với tên lửa S-400 của Nga.
Không quân Mỹ đang tích cực huấn luyện F-35 để đối phó với các mối đe dọa mới, đặc biệt là chống lại các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga và Trung Quốc, tạp chí National Interest cho biết.
Bên cạnh huấn luyện bay, phi công F-35 còn tích cực sử dụng phần mềm mô phỏng trên máy tính để thực hành các nhiệm vụ chiến đấu chống lại hệ thống phòng không tối tân do Nga và Trung Quốc sản xuất, như một phần chuẩn bị cho các mối đe dọa của kẻ thù được dự báo vào giữa những năm 2020 hoặc xa hơn.
Cuộc thử nghiệm nhằm mục đích giải quyết các mối đe dọa hiện tại từ hệ thống phòng không, đặc biệt là S-400 của Nga, những mối đe dọa thế hệ tiếp theo hoặc chưa tồn tại, các quan chức Không quân Mỹ cho biết.
Mối đe dọa liên tục thay đổi
Các quan chức không quân giải thích rằng khi bắt đầu phát triển JSF vào năm 2001, mối đe dọa lúc đó chủ yếu ở châu Âu với hệ thống phòng không S-300 (SA-10) và S-300PMU (SA-20) do Nga sản xuất. Nhưng bây giờ mối đe dọa không chỉ đến từ châu Âu mà còn từ châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Bắc Kinh đã có những hệ thống phòng không với radar kỹ thuật số có thể thay đổi dải tần số rất mau lẹ. Những hệ thống này có thời gian triển khai và thu hồi rất nhanh, Thiếu tướng Jeffrey Harrigian, cựu giám đốc Văn phòng chương trình F-35 cho biết.
Các mối đe dọa từ phòng không là một vấn đề khó khăn. Nó phát triển rất nhanh và có thể phát hiện máy bay từ khoảng cách hàng trăm kilomet. Bên cạnh đó, các hệ thống phòng không tích hợp mới phát triển và trong tương lai sử dụng bộ vi xử lý nhanh hơn.
Chúng kết nối với nhau và phát hiện mục tiêu trên dải tần số rộng hơn. Những tính năng này cùng với khả năng phát hiện máy bay ở khoảng cách xa hơn, khiến cho lực lượng phòng không ngày càng có khả năng phát hiện, ngay cả máy bay tàng hình.
Các báo cáo của truyền thông Nga tuyên bố rằng công nghệ tàng hình là vô dụng đối với hệ thống phòng không của họ. Hệ thống phòng không S-300 và S-400 do Nga chế tạo thuộc loại tốt nhất thế giới. Bên cạnh đó, Nga sắp đưa vào sản xuất hệ thống phòng không S-500 có thể tiêu diệt mục tiêu tàng hình ở cự ly tới 200 km.
Cuộc chạy đua không hồi kết
Trong khi Không quân Mỹ đặt mục tiêu chuẩn bị khả năng chiến đấu với đối thủ tiềm năng như Nga hoặc Trung Quốc, Harrigian giải thích rằng có nhiều lo ngại hơn về việc phải đối đầu với một kẻ thù đã mua công nghệ phòng không từ Nga hoặc Trung Quốc.
Tướng Harrigian nhấn mạnh dù không mong đợi cuộc xung đột với bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nhưng không quân muốn sẵn sàng cho mọi tình huống bất ngờ. F-35 được phát triển với những gì mà các nhà thiết kế gọi là “kiến trúc mở”.
Điều đó có nghĩa là F-35 có thể nhanh chóng tích hợp vũ khí, phần mềm và công nghệ điện tử hàng không mới khi các mối đe dọa mới xuất hiện.
“Một trong những lý do để chúng tôi mua máy bay này vì mối đe dọa liên tục phát triển. Chúng tôi phải sống sót trong môi trường đe dọa này và tiếp tục phát triển các khả năng mới. Chiếc máy bay này có khả năng xâm nhập, chia sẻ thông tin trong đội hình và triển khai vũ khí tấn công”, Tướng Harrigian giải thích.
Trong khi huấn luyện chống lại các mối đe dọa mới nổi mà ông Harrigian gọi là phạm vi không gian mở, có vẻ như để thử nghiệm F-35 chống lại các hệ thống phòng không tốt nhất hiện nay sẽ còn nhiều việc phải làm.
Hiện tại, các phần mềm mô phỏng trên máy tính để huấn luyện chiến đấu với hệ thống phòng không như S-400. Nhưng từ không chiến mô phỏng trên máy tính đến thực tế vẫn có một khoảng cách nhất định.
Mỹ cũng đang hoàn thiện F-35 qua các gói phần mềm. Mỗi gói phần mềm sẽ cho phép mang vũ khí khác nhau. Lầu Năm Góc dự kiến đến gói phần mềm Block IV sẽ cho phép F-35 sử dụng tất cả vũ khí tiên tiến dành cho máy bay của Mỹ.
Trong khi Mỹ hoàn thiện F-35 thì các đối thủ của họ cũng liên tục cập nhật tính năng mới cho các hệ thống phòng không. Cuộc chạy đua giữa phòng không và áp chế phòng không sẽ chẳng bao giờ có hồi kết.