Mỹ - Trung bắt tay hợp tác hạn chế biến đổi khí hậu
Mỹ và Trung Quốc, hai nước phát thải carbon lớn nhất thế giới, đã đồng ý hợp tác khẩn cấp để hạn chế biến đổi khí hậu, chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Joe Biden tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo thế giới để thảo luận về vấn đề này.
Tuyên bố chung cho biết, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Xie Zhenhua đã đạt được thỏa thuận sau hai ngày hội đàm tại Thượng Hải vào tuần trước.
Theo đó, hai nước “cam kết hợp tác cùng nhau và với các nước khác để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, vốn phải được giải quyết nghiêm túc và khẩn cấp”.
Trung Quốc và Mỹ là những quốc gia gây ô nhiễm carbon hàng đầu trên thế giới, thải ra gần một nửa lượng khói nhiên liệu hóa thạch đang làm ấm bầu khí quyển. Sự hợp tác của hai nước là yếu tố quan trọng cho sự thành công của các nỗ lực toàn cầu nhằm kiềm chế biến đổi khí hậu, tuy nhiên, nhiều bất đồng giữa hai nước về một loạt vấn đề đã và đang đe dọa làm suy yếu những nỗ lực này.
Chuyến đi đến Thượng Hải của ông Kerry đánh dấu chuyến công du cấp cao nhất tới Trung Quốc của một quan chức Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1. Sau khi rời Thượng Hải, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã bay tới Hàn Quốc để hội đàm.
Trong một diễn biến có liên quan, ông Biden đã mời 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu dự kiến diễn ra ngày 22 và 23/4. Mỹ và các quốc gia khác dự kiến sẽ công bố các mục tiêu quốc gia đầy tham vọng hơn về cắt giảm lượng khí thải carbon trước hoặc tại cuộc họp, cùng với cam kết hỗ trợ tài chính cho các nỗ lực về khí hậu của các quốc gia kém phát triển hơn.
Trong khi ông Kerry vẫn ở Thượng Hải, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng đã phát đi tín hiệu rằng Trung Quốc chưa thể đưa ra bất kỳ cam kết mới nào tại hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới.
“Đối với một đất nước với 1,4 tỷ dân, những mục tiêu này không dễ thực hiện được. Một số quốc gia đang yêu cầu Trung Quốc đạt được các mục tiêu sớm hơn nhưng tôi e rằng điều này không thực tế”, quan chức ngoại giao này cho biết.
Liên quan đến khả năng ông Tập có tham gia hội nghị thượng đỉnh hay không, ông Le cho biết “phía Trung Quốc đang tích cực nghiên cứu vấn đề này”. Tuyên bố chung cũng cho biết hai nước “mong chờ” hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới nhưng không nói liệu ông Tập có tham dự hay không.
Trong cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo Đức và Pháp hôm 16/4, ông Tập nhận định rằng biến đổi khí hậu “không nên trở thành một con chip địa chính trị, mục tiêu tấn công các nước khác hoặc một cái cớ cho các rào cản thương mại”, mặc dù ông kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn về vấn đề này, Tân Hoa xã đưa tin.
Ông Biden, người từng tuyên bố chống lại sự nóng lên toàn cầu là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông, đã đề nghị Mỹ tái gia nhập Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ngay khi vừa nhậm chức, đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm.
Các nước phát thải khí nhà kính lớn đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ tiếp theo diễn ra tại Glasgow, Anh, vào tháng 11. Hội nghị thượng đỉnh nhằm mục đích khởi động lại các nỗ lực toàn cầu nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ xuống dưới 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris.
Năm ngoái, ông Tập từng tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực trung hòa carbon vào năm 2060 và đặt mục tiêu đạt mức cao nhất về lượng khí thải vào năm 2030. Vào tháng 3, Trung Quốc đã cam kết giảm lượng khí thải carbon trên một đơn vị sản lượng kinh tế xuống 18% trong vòng 5 năm tới, phù hợp với mục tiêu của nước này trong giai đoạn 5 năm trước đó. Tuy vậy, các nhà bảo vệ môi trường cho rằng Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn thế.
Trong khi đó, ông Biden đã cam kết Mỹ sẽ chuyển sang ngành điện không phát thải trong vòng 14 năm và có một nền kinh tế hoàn toàn không phát thải vào năm 2050. Ông Kerry cũng đang thúc đẩy các quốc gia khác cam kết trung lập carbon vào thời điểm này.