Mỹ-Trung bên bờ vực chiến tranh lạnh kinh tế

Tổng thống Mỹ Donald Trump tự tin rằng Mỹ đang thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nhưng ở hai bên bờ Thái Bình Dương, một cảm nhận u ám bắt đầu xuất hiện: hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong giai đoạn mở màn của một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế mới, có thể kéo dài dai dẳng ngay cả sau khi Trump rời nhiệm sở.

Nguy cơ chiến tranh lạnh kinh tế

Mỹ và Trung Quốc đang có nguy cơ bước vào một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế. Ảnh: South China Morning Post.

Trong cuộc trò chuyện với các nhà đầu tư ở TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang hôm 18-9, Jack Ma, chủ tịch tập đoàn Alibaba, cảnh báo cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ không kéo dài 20 tháng hay 20 ngày mà có thể là 20 năm.
“Nếu bạn muốn một giải pháp ngắn hạn, sẽ không có giải pháp nào cả”, Jack Ma nói.

Trump đã leo thang cuộc đấu thương mại với Trung Quốc khi quyết định áp thuế nhập khẩu nhằm vào 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nữa đồng thời đe dọa áp thuế gần như tất cả hàng hóa từ Trung Quốc nếu nước này trả đũa. Lập trường của ông khiến Trung Quốc giận dữ và tuyên bố áp thuế trả đũa nhằm vào 60 tỉ đô la hàng hóa Mỹ.

Trước thế bế tắc ngoại giao Mỹ-Trung hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch chính sách đang nghĩ đến khả năng Mỹ muốn đẩy Trung Quốc vào một cuộc chiến thương mại gây tổn hại kinh tế kéo dài trong năm tới.

Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, một chuyên gia về Trung Quốc, nói rằng năm 2018 báo hiệu “sự mở màn của một cuộc chiến theo kiểu khác: cuộc chiến thương mại, cuộc chiến đầu tư và cuộc chiến công nghiệp giữa hai cường quốc của thế kỷ 21 mà điểm kết thúc chưa biết lúc nào”.

Hôm 18-9, ngân hàng Goldman Sachs dự báo chính quyền Trump sẽ công bố kế hoạch áp thuế với 267 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nữa trong vài tuần tới và gói thuế này sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau.

“Nếu ông ấy (Trump) làm như vậy, chúng ta sẽ không tránh khỏi tiến vào một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế với Trung Quốc”, nhà kinh tế Gary Hufbauer từ Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, nhận định. Nhiều chuyên gia khác cũng cảnh báo về nguy cơ chiến tranh lạnh kinh tế Mỹ-Trung.

“Chúng ta có thể sẽ nói về một thế giới với hai trung tâm: một lãnh địa kinh tế xoay quanh Trung Quốc và một lãnh địa khác lấy Mỹ làm trung tâm. Điều này sẽ dẫn đến đến một nền kinh tế toàn cầu bị chia đôi”, Aaron Friedberg, giáo sư nghiên cứu chính trị và các vấn đề kinh tế ở Đại học Princeton (Mỹ), nói.

Jing Ulrich, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở ngân hàng J.P. Morgan Chase, phát biểu trong cuộc thảo luận tại một hội nghị trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở TP. Thiên Tân, Trung Quốc hôm 20-9: “Giờ đây, chúng ta cần nghĩ xem liệu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay có biến thành một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế hay không”.

Các dấu hiệu của tác động lan tỏa từ tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đã xuất hiện rõ: Jack Ma vừa tuyên bố rút lại cam kết trong một cuộc gặp với Trump vào năm ngoái, rằng ông sẽ tạo ra một triệu việc làm ở Mỹ. Jack Ma giải thích rằng “cam kết đó được thực hiện trên nền tảng mối quan hệ đối tác Mỹ-Trung thân thiện và mối quan hệ thương mại đúng đắn” nhưng nền tảng này không còn tồn tại nữa.

Hai bên khó nhượng bộ

Các đòn áp thuế ăn miếng trả miếng khiến Trung Quốc và Mỹ không có nhiều cơ hội để thỏa hiệp, ít nhất là trong ngắn hạn khi cả hai bên quyết không thay đổi lập trường và Trung Quốc vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ.

Tăng trưởng đầu tư, sản lượng nhà máy và chi tiêu của người tiêu dùng ở Trung Quốc đều chậm lại trong năm nay, kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng chững lại. Tình hình này được dự báo sẽ tồi tệ hơn khi tác động của hành động leo thang áp thuế của Mỹ lan rộng.

Trump dường như đang gợi ý về triển vọng ông có thể tìm một giải pháp cho cuộc chiến tranh thương mại đang đe dọa gây tổn hại kinh tế cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở hai bên bờ Thái Bình Dương.

“Hy vọng tình thế thương mại hiện nay rốt cục sẽ được giải quyết bởi chính tôi và Chủ tịch Tập của Trung Quốc, người mà tôi rất kính trọng và yêu mến”, Trump nói trong thông báo áp gói thuế mới hôm 17-9.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu hai bên có tìm thấy lý do để nhượng bộ hay không. Các trợ lý của Trump nói rằng Trump tin Mỹ đang chiếm ưu thế trước Trung Quốc vì có thể áp thuế nhằm vào khối lượng hàng hóa Trung Quốc lớn hơn so với khả năng đáp trả của Trung Quốc do Mỹ nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vượt trội so với lượng hàng hóa mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc. Dù các đòn thuế của ông không được các nghị sĩ đảng Cộng hòa, các nhà sản xuất và nông dân Mỹ ủng hộ, cách tiếp cận thương mại của ông vẫn được nhiều cử tri của ông ủng hộ.

Phía Trung Quốc cũng có những lý do chính trị để không chịu nhượng bộ. Các nhà phân tích cho rằng việc chấp nhận lùi bước trước Trump có thể được nhìn nhận như là sự yếu thế của ông Tập. Họ nói không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng từ bỏ sáng kiến “Made in China 2025”, một sáng kiến nhằm đưa Trung Quốc thống lĩnh trong các lĩnh vực tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và các ngành công nghệ cao khác vốn là thế mạnh của Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, Trump xem đây là một sáng kiến chính sách cần phải ngăn chặn.

Dù các quan chức Trung Quốc tỏ ý sẵn sàng bỏ tên gọi “Made in China 2025”, họ cũng rất thận trọng về việc chấp nhận giới hạn một số nội dung quan trọng của chương trình này, chẳng hạn như các ngân hàng nhà nước cho các ngành công nghiệp quan trọng vay các khoản lớn với mức lãi suất cực kỳ thấp.

Ít hy vọng cho vòng đàm phán mới

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Hamburg, Đức hồi tháng 7-2017. Ảnh: Getty

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã mời Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đến Washington đàm phán vào tuần sau. Song vẫn chưa rõ ông có bay sang không khi mà các nguồn tin Trung Quốc nói rằng nước này đang cân nhắc hủy chuyến thăm vì không muốn đàm phán trong thế “bị chĩa súng vào đầu”. Cho dù ông Lưu Hạc đến Washington, có khả năng ông không sẵn sàng đưa ra thỏa thuận nào vì một thỏa thuận thương mại sơ bộ mà ông đạt được trong chuyến thăm Washington lần trước cuối cùng đã bị Trump bác bỏ.

Một số quan chức Mỹ nói họ không tin Bắc Kinh sẽ tham gia một cuộc đàm phán cao cấp một lần nữa cho đến sau cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả năng sẽ gặp Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế lớn G20 tại Buenos Aires, Argentina.

Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, người đang giữ chức chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á ở Washington, cho biết sau nhiều tháng đối đầu thương mại bầm dập với Trump, các quan chức Trung Quốc ghi nhận họ cần thay đổi chính sách về thương mại và tiếp cận thị trường. Song, Rudd nói ông Tập sẽ không muốn mất thể diện bằng cách đầu hàng trước sức ép của Mỹ.

Bên trong Nhà Trắng, cuộc chiến giữa những quan chức muốn đạt một thỏa thuận sớm với Bắc Kinh và các quan chức quyết tâm gây sức ép buộc Bắc Kinh phải tiến hàng thay đổi triệt để hơn trong các thực hành thương mại vẫn đang diễn ra. Hiên tại, các quan chức có quan điểm cứng rắn được Trump lắng nghe.

Daniel M. Price, cựu cố vấn thương mại dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận định chính quyền Trump đã làm tốt công việc phân loại các hình thực lạm dụng thương mại của Trung Quốc gồm: ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các đối tác liên doanh Trung Quốc và kí kết các thỏa thuận liên doanh bất lợi cho họ. Tuy nhiên, Price cho rằng Nhà Trắng đã không tập hợp được một liên minh để đối đầu với Trung Quốc và thay vào đó, còn châm ngòi các cuộc đấu thương mại khác với Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico và Nhật Bản bằng cách áp thuế nhôm và thép đồng thời đe dọa áp thuế nhập khẩu đối với ô tô từ các đối tác này.

“Phát động chiến tranh thương mại mà không có sự ủng hộ của EU và Nhật Bản, như thể các thực hành thương mại bất công của Trung Quốc là vấn đề song phương là sai hướng và chắc chắn ít hiệu quả”, ông nói.

(Theo NY Times, Washington Post)

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278980/my-trung-ben-bo-vuc-chien-tranh-lanh-kinh-te.html