Mỹ - Trung cùng xuống nước để nối lại đàm phán trực tiếp?
Mỹ và Trung Quốc đang có những tín hiệu nhượng bộ lẫn nhau trong nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán thương mại trực tiếp giữa hai nước.
Hôm 22-7, tờ South China Morning Post dẫn một nguồn tin cho biết Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, có thể bay đến Bắc Kinh vào tuần sau để dự cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên với phái đoàn thương mại Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, kể từ sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump nhất trí đình chiến thương mại hồi cuối tháng 6.
Nguồn tin này tiết lộ cuộc đàm phán trực tiếp được sắp xếp sau khi Mỹ thông báo sẽ miễn trừ áp thuế đối với 110 sản phẩm của Trung Quốc bao gồm các thiết bị y tế và các linh kiện điện tử. Để đáp lại sự thiện chí này, Trung Quốc cũng cho biết một công ty của nước này sẽ mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ đang được xin miễn trừ khỏi các biện pháp áp thuế của Bắc Kinh.
Cuộc họp đàm phán trực tiếp Mỹ-Trung được nhìn nhận như là bước đi tích cực đầu tiên hướng đến giảm các căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, dù tiến trình thương thuyết đã kéo dài hơn một năm và được dự báo sẽ mất rất nhiều thời gian.
Kể từ khi ông Tập và ông Trump nhất trí nối lại đàm phán thương mại tại cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung bên lề hội nghị G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6, các quan chức thương mại hai bên đã tiến hành hai cuộc điện đàm. Cả Bắc Kinh lẫn Washington đều chưa đưa ra các thông báo chính thức về việc khi nào cuộc đàm phán trực tiếp được nối lại nhưng cả hai bên đã bày tỏ thái độ sẵn sàng.
Sau cuộc điện đàm giữa các quan chức thương mại hai bên vào hôm 18-7, Tổng thống Donald Trump nói rằng các nhà đàm phán Mỹ đã “có cuộc trò chuyện rất tốt” với phía Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, xác nhận các cuộc đàm phán trực tiếp có thể là bước đi tiếp theo.
Hôm 21-7, Taoran Notes, tài khoản mạng xã hội WeChat của tờ Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc) đăng bài viết cho hay hai cuộc điện đàm vừa qua có thể dẫn đến kết quả nối lại đàm phán sớm “nếu tình hình không có những thay đổi lớn”. Bài viết cũng gợi ý rằng cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai nước có thể diễn ra trước thời điểm cuối tháng 7.
Có rất ít thông tin chi tiết về hai cuộc điện đàm được công bố, dẫn đến các suy đoán cho rằng hai bên có thể gặp khó khăn trong nỗ lực thu hẹp các bất đồng, đặc biệt là khi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, một nhân vật cứng rắn, được bổ sung vào phái đoàn thương mại nước này.
Kể từ khi các cuộc đàm phán sụp đổ hồi đầu tháng 5, Trung Quốc nhiều lần yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ tất cả các biện pháp áp thuế nhằm vào hàng hóa nước này kể từ đầu năm 2018 như là điều kiện tiên quyết để Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại với Mỹ. Bắc Kinh cũng đang thúc ép Washington nới lỏng hơn nữa lệnh cấm vận linh kiện công nghệ đối với hãng thiết bị viễn thông Huawei.
Hua Changchun, nhà kinh tế trưởng toàn cầu ở công ty chứng khoán Guotai Junan Securities (Trung Quốc), nhận định một cuộc đàm phán trực tiếp giữa phái đoàn thương mại của hai nước sẽ là “một tín hiệu tương đối tích cực” đối với mối quan hệ thương mại song phương.
“Tất nhiên, chúng ta không thể hy vọng một cuộc gặp sẽ giải quyết tất cả các bất ổn”, Hua Changchun lưu ý.
Wang Yong, Giáo sư ngành kinh tế chính trị quốc tế ở Đại học Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc sẽ thúc ép Mỹ dỡ bỏ tất cả các biện pháp áp thuế và nới lỏng lệnh cấm vận đối với Huawei. Song ông vẫn không chắc chắn liệu các cuộc đàm phán sắp tới có mang lại kết quả hay không.
“Vẫn còn nhiều thách thức và rào cản phía trước. Các cuộc tranh luận nội bộ hai nước vẫn chia rẽ về cách thực hiện các điểm đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đạt được tại cuộc gặp ở Nhật Bản cuối tháng trước”, Wang Yong nói.
Trong một diễn biến khác, hôm 22-7, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết chính phủ Trung Quốc đang thảo luận với các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước về kế hoạch tăng mua đậu nành từ Mỹ. Các nguồn tin nói rằng hôm 19-7, chính phủ Trung Quốc đã gặp gỡ đại diện của một số công ty trong nước để thảo luận kế hoạch nhập khẩu đậu nành Mỹ.
Các nguồn tin cho biết Trung Quốc đang lên kế hoạch mua 3,8-6 triệu tấn đậu nành Mỹ trong tháng 9 tới. Tuy nhiên, họ cũng nói rằng đề xuất mua đậu nành của Trung Quốc có thể thay đổi tùy vào tiến triển của các cuộc đàm phán thương mại.
Kế hoạch này được đưa ra sau khi Tổng thống Trump phàn nàn rằng Trung Quốc không tăng mua nông sản Mỹ như phía Trung Quốc đã hứa trong trong cuộc gặp giữa ông với Chủ tịch Tận Cận Bình ở hội nghị G20 hồi tháng trước.
Hôm 21-7, Tân Hoa xã đưa tin một số công ty Trung Quốc muốn mua nông sản Mỹ đã nộp đơn xin miễn trừ các biện pháp áp thuế của Bắc Kinh nhằm vào các sản phẩm nông nghiệp Mỹ.
Theo South China Morning Post, Bloomberg
Chánh Tài