Mỹ - Trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây nói rằng, ông đang có 'thời gian khó khăn' với Trung Quốc thì các cuộc trao đổi, điện đàm giữa các trưởng đoàn đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn diễn ra tích cực nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện thỏa thuận thương mại song phương giai đoạn một.
Trong cuộc điện đàm ngày 8-5 giữa các trưởng đoàn đàm phán thúc đẩy thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một (gồm: Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin), hai bên cam kết tăng cường hợp tác về kinh tế và y tế công cộng nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện thỏa thuận thương mại. “Hai bên đã đồng ý thực hiện các nghĩa vụ của mình đúng thời hạn theo thỏa thuận trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu. Phía Mỹ thông báo, hai bên sẽ tiếp tục các cuộc điện đàm một cách thường xuyên”, Văn phòng Thương mại Mỹ cho biết.
Về phần mình, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định, hai bên đã thống nhất cải thiện không khí đàm phán cho việc thực hiện thỏa thuận; qua đó, Trung Quốc được yêu cầu gia tăng mua hàng hóa Mỹ trị giá 200 tỷ USD trong vòng hai năm.
Theo hãng tin Bloomberg, các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc đã lên kế hoạch tổ chức họp trực tuyến vào đầu tuần tới. Cuộc họp sẽ có sự tham gia của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Tại cuộc họp tới, hai bên dự kiến thảo luận tiến độ thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn một, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa chấm dứt thỏa thuận nếu Trung Quốc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, hiện không rõ Trung Quốc có sẵn sàng hoặc có thể thực hiện các cam kết của mình trong giai đoạn một, trong đó có lời hứa sẽ mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm tới (từ nông sản cho đến ô tô và dụng cụ y tế) hay không.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi sau dịch Covid-19, ngày 8-5, Washington đã hối thúc Bắc Kinh đẩy mạnh việc mua hàng hóa của Mỹ bởi điều này sẽ giúp ích cho cả hai nước và kinh tế toàn cầu. Người đứng đầu bộ phận các vấn đề quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ, ông Myron Brilliant nêu rõ: "Khi nền kinh tế Trung Quốc đang dần trở lại bình thường, chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ đẩy nhanh đáng kể hoạt động mua các sản phẩm của Mỹ, phù hợp với thỏa thuận giai đoạn một và tiếp tục đưa ra các biện pháp để mở cửa hơn nữa nền kinh tế. Điều đó sẽ giúp ích cho Mỹ, Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu”.
Trong khi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một đang có bước tiến triển tích cực, thì một diễn biến khác đang có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng hai nước. Theo CNN, ngày 8-5, Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) ban hành quy định mới nhằm thắt chặt điều kiện cấp thị thực đối với các nhà báo Trung Quốc. Theo đó, các phóng viên Trung Quốc sẽ có thời hạn thị thực tối đa 90 ngày và có lựa chọn gia hạn. Tuy nhiên, quy định mới sẽ không áp dụng đối với các nhà báo có hộ chiếu từ hai vùng lãnh thổ Hồng Công hoặc Macau của Trung Quốc. Quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 11-5.
Theo quy định hiện hành, thị thực Mỹ cấp cho các phóng viên Trung Quốc không hạn chế về thời gian và không cần gia hạn, trừ khi họ chuyển sang một hãng truyền thông khác. Một quan chức giấu tên của DHS cho hay, các quy định mới này sẽ cho phép DHS xem xét đơn xin cấp thị thực đối với nhà báo Trung Quốc thường xuyên hơn và có thể làm giảm số lượng nhà báo Trung Quốc thường trú tại Mỹ. Quan chức này nhấn mạnh rằng "các quy định mới sẽ cải thiện khả năng bảo vệ an ninh quốc gia". Giới quan sát nhận định, Bắc Kinh chắc chắn sẽ có động thái trả đũa trước quy định mới của DHS. Điều này chỉ khiến bất đồng giữa hai nước càng trở nên sâu sắc hơn.