Mỹ - Trung đình chiến thuế quan: Liệu chiến thuật cứng rắn sẽ lan rộng toàn cầu?

Thỏa thuận tạm đình chiến thuế quan Mỹ - Trung khiến nhiều quốc gia cân nhắc lại chiến lược đàm phán, đặt dấu hỏi về hiệu quả của cách tiếp cận mềm mỏng trong thương mại toàn cầu.

Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Trung Quốc. Ảnh: IRNA/TTXVN

Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Trung Quốc. Ảnh: IRNA/TTXVN

Quyết định tạm đình chỉ thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, dù chỉ là thỏa thuận "đình chiến" tạm thời, đang khiến nhiều quốc gia xem xét lại cách tiếp cận trong đàm phán thương mại với chính quyền Mỹ. Theo tờ Thời báo Nhật Bản (japantimes.co.jp), lập trường kiên quyết của Bắc Kinh đã mang lại một kết quả bất ngờ, khiến các đối tác khác của Mỹ tự hỏi liệu chiến thuật ngoại giao mềm mỏng có còn hiệu quả trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động.

Trung Quốc "thắng" một hiệp, các nước khác học theo?

Chỉ một tuần sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm ngừng leo thang cuộc chiến tranh thương mại, lập trường cứng rắn của Bắc Kinh đã gây bất ngờ lớn. Mặc dù Trung Quốc vẫn phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu trung bình gần 50% từ Mỹ (bao gồm cả mức thuế 30% đã thỏa thuận ở Geneva), việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng hủy bỏ mức thuế 145% trước đó đối với hàng hóa Trung Quốc đã khiến các chính phủ từ Hàn Quốc đến châu Âu ngạc nhiên. Cho đến nay, các nước này vẫn tuân thủ yêu cầu đàm phán thay vì trả đũa thuế quan của Washington.

Stephen Olson, cựu nhà đàm phán thương mại Mỹ và hiện là thành viên cao cấp thỉnh giảng tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nhận định: "Điều này làm thay đổi động lực đàm phán. Nhiều quốc gia sẽ xem xét kết quả của các cuộc đàm phán tại Geneva và kết luận rằng Tổng thống Trump đã bắt đầu nhận ra rằng ông đã quá tay".

Việc Trung Quốc, với chiến thuật đàm phán cứng rắn, đạt được một thỏa thuận có lợi – dù chỉ là tạm thời – đã khiến các quốc gia áp dụng cách tiếp cận ngoại giao nhanh chóng hơn phải đặt câu hỏi về hiệu quả của con đường này. Dù các quan chức không muốn công khai thể hiện sự cứng rắn, đã có những dấu hiệu cho thấy các quốc gia lớn hơn nhận ra rằng họ nắm giữ nhiều "quân bài" hơn so với suy nghĩ trước đây và có thể đủ khả năng để làm chậm tốc độ đàm phán.

Đơn cử, ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Hàn Quốc, Lee Jae-myung, đã chỉ trích chính phủ lâm thời vì "hợp tác vội vàng" với chính quyền Trump và cho rằng không cần phải vội vàng đạt được thỏa thuận sớm trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Tín hiệu từ các đối tác chính

Tổng thống Trump từng tuyên bố rằng Ấn Độ đã sẵn sàng hạ toàn bộ thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã bác bỏ, cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và "bất kỳ phán đoán nào về vấn đề này đều là vội vàng". Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal dự kiến sẽ tới Mỹ để tiếp tục đàm phán, cho thấy New Delhi cũng không có ý định vội vàng nhượng bộ.

Marko Papic, chiến lược gia trưởng của GeoMacro tại BCA Research, nhận định: "Nhiều quốc gia có thể học hỏi từ Trung Quốc rằng cách đúng đắn để đàm phán với Tổng thống Trump là phải kiên định, giữ bình tĩnh và buộc ông ấy phải đầu hàng".

Quang cảnh cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Ngay cả Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ, cũng đang có dấu hiệu suy nghĩ lại. Dù nhà đàm phán hàng đầu là Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa ban đầu hy vọng đạt được thỏa thuận với Mỹ vào tháng 6 tới, nhưng các báo cáo gần đây của truyền thông trong nước cho biết khả năng này sẽ là vào tháng 7, trước cuộc bầu cử Thượng viện. Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, bình luận: "Mọi người trong hàng đều tự hỏi: 'Ồ, tại sao tôi lại xếp hàng?'. Thỏa thuận này cho phép Trung Quốc được ưu tiên và cũng không mang lại lợi ích rõ ràng cho Mỹ nên nó gây đau đớn gấp đôi cho các quốc gia khác đang theo dõi".

Các quan chức Mỹ cũng đang báo hiệu rằng những cuộc đàm phán sẽ mất nhiều thời gian hơn. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nhận xét rằng Liên minh châu Âu (EU) đang phải chịu sự thiếu thống nhất nên cản trở các cuộc đàm phán, và dự đoán Mỹ và EU có thể "chậm hơn một chút" trong việc đạt được thỏa thuận.

Về phần mình, các quan chức tại Brussels tỏ ra hoài nghi về thông báo "đình chiến" Mỹ - Trung, coi đó là động thái chỉ nhằm giữ nguyên mức thuế cao và hạn chế trên nhiều mặt. Họ cho rằng những lợi ích đàm phán ít ỏi dành cho Mỹ và việc không có một kết cục rõ ràng trong thời gian hoãn thi hành 90 ngày cho thấy mong muốn gia tăng áp lực lên Bắc Kinh của Tổng thống Trump là rất hạn chế.

Valdis Dombrovkis, quan chức kinh tế hàng đầu của Ủy ban châu Âu, nhận định: "Bối cảnh thương mại đang trở nên phân mảnh hơn" và "các thỏa thuận đạt được cho đến nay không giải quyết được hoàn toàn tình hình".

Tại Mỹ Latinh, nơi các nền kinh tế đang phát triển muốn duy trì cả đầu tư của Trung Quốc và khả năng tiếp cận xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các nhà lãnh đạo đang cố gắng đi theo con đường thận trọng. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã ký hơn 30 thỏa thuận trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh, đồng thời bác bỏ lo ngại rằng việc xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với Trung Quốc sẽ dẫn đến phản ứng tiêu cực của Mỹ. Tổng thống Colombia Gustavo Petro cũng ký kết tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, Ngoại trưởng nước này nhấn mạnh Mỹ vẫn là đồng minh chính.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể cho các quốc gia thấy rằng chính quyền Trump không tránh khỏi áp lực từ những bất lợi kinh tế trong nước do thuế quan gây ra. Robert Subbaraman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Nomura Holdings, cho biết: "Nỗi đau kinh tế đang diễn ra cấp bách và lan rộng hơn ở Mỹ, do đó thỏa thuận này có thể được coi là hành động mà chính quyền Trump thừa nhận điều đó".

Tuy nhiên, Bert Hofman, Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore và cựu Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, cảnh báo rằng chỉ những quốc gia có sức mạnh kinh tế và ít phụ thuộc vào thương mại với Mỹ mới có thể hành động theo hướng cứng rắn. "Hầu hết các quốc gia đều khá mạo hiểm khi cứng rắn với Mỹ", Giáo sư Hofman nói.

Đối với các quốc gia thiếu đòn bẩy kinh tế, nơi nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại với Mỹ, lựa chọn cho họ không nhiều. Katrina Ell, Giám đốc kinh tế châu Á - Thái Bình Dương của Moody's Analytics, cho rằng nếu các quốc gia lớn hơn muốn đối đầu, một lĩnh vực họ có thể có động lực là dịch vụ, nơi nhiều bên như EU, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản có thâm hụt thương mại dịch vụ lớn với Mỹ.

Bà Ell kết luận: "Trung Quốc có quá nhiều đòn bẩy đối với Mỹ để tiếp tục với lập trường cứng rắn của mình trong khi nhiều nền kinh tế khác không làm như vậy. Điều chúng ta cần ghi nhớ là đòn bẩy và ai có đòn bẩy đó".

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/my-trung-dinh-chien-thue-quan-lieu-chien-thuat-cung-ran-se-lan-rong-toan-cau-20250520173947487.htm