Mỹ - Trung ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1: 'Đình chiến' bấp bênh
Giới chuyên gia đánh giá, dù thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là cần thiết nhưng vẫn còn 'rủi ro tiềm ẩn' trong thỏa thuận mang tính lịch sử này.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc (trái) và Tổng thống Donald Trump trong lễ ký kết tại Nhà Trắng ngày 15/1. (Nguồn: AFP)
Ngày 15/1 (rạng sáng 16/1 theo giờ Việt Nam), Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận giai đoạn 1 tại Nhà Trắng. Đây là một sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm bởi nó đánh dấu bước đi đầu tiên trong việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài gần 2 năm qua. Đặc biệt, thỏa thuận này còn được kỳ vọng sẽ giúp Mỹ - Trung nối lại quan hệ thương mại song phương.
Hai điểm nhấn quan trọng
Thứ nhất, thỏa thuận này sẽ thúc đẩy việc Trung Quốc mua nhiều hàng hóa và dịch vụ của Mỹ hơn. Thỏa thuận sơ bộ, đạt được hồi tháng 12/2019, đã dỡ bỏ các mức thuế mà Mỹ dự kiến áp đặt đối với điện thoại di động, đồ chơi, máy tính xách tay do Trung Quốc sản xuất và giảm thuế từ 50% xuống còn 7,5% đối với các hàng hóa khác của Trung Quốc trị giá 120 tỷ USD, bao gồm tivi màn hình phẳng, tai nghe Bluetooth và giày dép.
Bắc Kinh và Washington đã mô tả thỏa thuận giai đoạn 1 là một bước đi quan trọng sau nhiều tháng đàm phán bế tắc trong bối cảnh hai bên thực hiện áp đặt các biện pháp thuế lẫn nhau, gây xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây quan ngại về một sự giảm tốc trầm trọng hơn của nền kinh tế toàn cầu. Trọng tâm của thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là việc Trung Quốc cam kết mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng nông sản, dịch vụ và các hàng hóa khác của Mỹ trong 2 năm, căn cứ vào mức cơ bản là 186 tỷ USD trong năm 2017.
Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh thỏa thuận sẽ bao gồm việc Trung Quốc mua thêm 50 tỷ USD hàng nông sản Mỹ và ông tin tưởng nông dân Mỹ sẽ có thể đáp ứng được lượng đặt hàng lớn hơn này. Ông Trump cũng cho hay, Trung Quốc sẽ mua thêm 40-50 tỷ USD dịch vụ và 75 tỷ USD hàng sản xuất.
Thứ hai, thỏa thuận này là cơ sở để hai bên có cái nhìn lạc quan hơn về các bước đàm phán tiếp theo. Giới quan chức hai nước hoan nghênh thỏa thuận và cho rằng, nó mở ra một kỷ nguyên mới cho quan hệ Mỹ - Trung.
Sau lễ ký, Tổng thống Trump phát biểu: “Chúng tôi sẽ cùng nhau sửa chữa những sai lầm trong quá khứ và mang lại một triển vọng công bằng về kinh tế, an toàn cho những người công nhân, nông dân và các hộ gia đình Mỹ”. Đồng thời, Tổng thống Trump hoan nghênh thỏa thuận và coi đó là một trụ cột trong chiến dịch tái tranh cử của ông trong năm 2020.
Tổng thống Trump cho biết, ông đồng ý dỡ bỏ các mức thuế còn lại khi hai bên đạt được một thỏa thuận giai đoạn 2 và nhấn mạnh các cuộc đàm phán về thỏa thuận giai đoạn 2 sẽ sớm được khởi động. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định, Trung Quốc đã cam kết hành động để giải quyết vấn đề hàng lậu, hàng giả cũng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Như vậy, thỏa thuận này phần nào thỏa mãn chủ chương thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên” nhằm tái cân bằng thương mại toàn cầu mang lại lợi ích cho các công ty và người lao động Mỹ. Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ thăm Trung Quốc trong tương lai không xa.
Ngoài ra, phát biểu với hãng tin Fox News, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng, thỏa thuận “giai đoạn 1” sẽ giúp GDP của Mỹ trong hai năm 2020 và 2021 tăng 0,5%. Về phần mình, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đọc bức thư của Chủ tịch Tập Cận Bình gửi cho Tổng thống Donald Trump, trong đó nhấn mạnh rằng, thỏa thuận này tốt cho cả Trung Quốc, Mỹ và thế giới.
Trong thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định thỏa thuận cho thấy, Trung Quốc và Mỹ có thể giải quyết bất đồng, tìm ra giải pháp dựa trên đối thoại. Theo ông Tập Cận Bình, hai bên cần "đi đến cùng" thỏa thuận thương mại nhằm đạt được những tiến triển hơn nữa trong hợp tác song phương. Người đứng đầu Trung Quốc cũng hy vọng, Mỹ sẽ đối xử công bằng với các công ty Trung Quốc và ủng hộ hợp tác trong trường học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ sẵn sàng giữ liên lạc chặt chẽ với ông Trump.
Giới chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: Getty Imasge)
Vẫn còn thách thức lớn
Thỏa thuận giai đoạn 1 bao gồm các điều khoản nhằm ngăn chặn hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc cũng như việc Trung Quốc tăng mua hàng của Mỹ. Tuy nhiên, với các điều khoản này, giới phân tích cho rằng, vấn đề lớn nhất là việc thực thi thỏa thuận bởi không có một cơ chế giám sát hay trọng tài độc lập để đảm bảo hai bên sẽ giữ cam kết của mình trong thời gian tới.
Chiến lược gia trưởng về đầu tư của Tập Đoàn Leuthold tại Minneapolis Jim Paulsen nhấn mạnh: “Tôi nhận thấy không thể có một sự thay đổi triệt để trong việc mua hàng của Trung Quốc và không kỳ vọng nhiều vào việc hai bên có thể đáp ứng được các mục tiêu đề ra”. Trong khi đó, Chủ tịch Quỹ Công Nghệ và Đổi mới có trụ sở tại Washington Robert Atkinson lại chỉ trích mạnh mẽ cách hành xử “hám lợi” của Trung Quốc.
Theo bài xã luận đăng ngày 14/1 trên trang Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, nỗ lực đưa quan hệ thương mại giữa hai nước trở về trục hoạt động bình thường sẽ là một thách thức lớn và các vấn đề chính vẫn chưa được giải quyết.
Trang báo cũng tuyên bố, Trung Quốc không có lý do để "cảm thấy biết ơn Mỹ" và tỏ ra nghi ngờ việc Washington sẽ lặp lại các "chiêu bài" cũ nếu 2 quốc gia tiếp tục có tranh chấp trong tương lai. "Trong hai năm qua, các biện pháp đáp trả của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại không phải là sự phẫn nộ tuyệt vọng. Đó là các giải pháp đầy kiềm chế, đan xen cùng các cuộc đàm phán" - tờ báo này viết.
Đánh giá về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1, trang Les Echos (Pháp) cho rằng, đây là một cuộc “đình chiến” bấp bênh. Theo đó, vấn đề đặt ra là tất cả những khúc mắc, mâu thuẫn quan trọng nhất đều chưa được giải quyết và các cuộc đàm phán tiếp theo được dự báo là sẽ rất khó khăn.
Giới chuyên gia cũng nhận thấy, chỉ nên "lạc quan thận trọng" bởi vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là khi những vấn đề khó khăn nhất chưa được giải quyết.