Mỹ trừng phạt công ty hỗ trợ tài chính của Wagner

Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty được cho là có liên quan đến Wagner, nhằm chặt đứt nguồn hỗ trợ tài chính của tập đoàn quân sự tư nhân này.

Các chiến binh Wagner rút khỏi thành phố Rostov-on-Don, Nga, ngày 24/6. Ảnh: Reuters

Các chiến binh Wagner rút khỏi thành phố Rostov-on-Don, Nga, ngày 24/6. Ảnh: Reuters

Reuters đưa tin, trong một tuyên bố ngày 27/6, Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp lệnh trừng phạt đối với 4 công ty gồm Midas Ressources SARLU và Diamville SAU có trụ sở tại Trung Phi, Industrial Resources General Trading có trụ sở tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) và công ty DM có trụ sở tại Nga.

Cơ quan này cáo buộc các công ty trên có tham gia vào các giao dịch vàng bất hợp pháp để tài trợ cho tập đoàn quân sự tư nhân Wagner và ông trùm Yevgeny Prigozhin, nhằm giúp duy trì và mở rộng lực lượng ở Ukraine và một số quốc gia châu Phi.

“Mỹ sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các nguồn doanh thu của tập đoàn Wagner để làm giảm sự bành trướng và bạo lực của họ tại châu Phi, Ukraine và bất kỳ nơi nào khác”, Thứ trưởng Tài chính Mỹ về Chống khủng bố và tình báo tài chính Brian Nelso nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Washington cũng áp đặt trừng phạt đối với ông Andrey Nikolayevich Ivanov – công dân Nga, bị Bộ Tài chính cáo buộc là Giám đốc điều hành của Wagner. Ông được cho là người đã hợp tác chặt chẽ với các quan chức cấp cao của Mali về các thỏa thuận vũ khí, khai thác mỏ và các hoạt động khác của Wagner tại quốc gia này.

Xe tăng Wagner tại thành phố Rostov-on-Don, Nga, ngày 24/6. Ảnh: AP

Xe tăng Wagner tại thành phố Rostov-on-Don, Nga, ngày 24/6. Ảnh: AP

Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó nhấn mạnh rằng việc trừng phạt Wagner không liên quan đến cuộc binh biến vũ trang mà tập đoàn này tổ chức tại Nga cuối tuần trước. Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, Washington đã từng trừng phạt tập đoàn này và ông Prigozhin.

Giới chức Nga và Wagner chưa bình luận về động thái của Mỹ.

Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner được thành lập vào năm 2014 và hoạt động với nhiều vai trò tại châu Phi tại châu Phi và Trung Đông. Binh sĩ Wagner đã chiến đấu tại nhiều điểm nóng trên thế giới như Libya, Syria, Trung Phi, Mali, cũng như góp mặt trong cuộc chiến tại Ukraine và giúp Nga giành được nhiều khu vực, có thể kể đến là Bakhmut.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/6 tiết lộ rằng tập đoàn Wagner hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ nhà nước. Ông cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2022 đến tháng 5/2023, chính quyền Nga đã phân bổ 86,26 tỷ Ruble (1,04 tỷ USD) để chi trả tiền lương và các khoản ưu đãi cho binh sĩ Wagner.

Trong khi đó, ông Prigozhin, người sáng lập Wagner, kiêm sở hữu công ty cung cấp thực phẩm Concord, cũng kiếm được hàng tỷ Ruble từ các hợp đồng Nhà nước.

Cuộc binh biến tại Nga nổ ra từ cuối ngày 23/6, khi lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin cáo buộc Bộ Quốc phòng Nga tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào trại quân sự của Wagner và tuyên bố sẽ trả đũa.

Ngay sau đó, Wagner đã hành quân và chiếm giữ cơ sở quân sự ở hai thành phố Rostov-on-Don và Voronezh ở miền nam nước Nga chỉ trong một đêm. Ông Prigozhin thông báo lực lượng Wagner thực hiện "cuộc hành quân đòi công lý" và tiến về thủ đô Moscow. Hành động này bị chính phủ Nga gọi là "âm mưu đảo chính" và bị Tổng thống Vladimir Putin gọi là “phản quốc”.

Tuy nhiên, đến đêm 24/6, ông Prigozhin quyết định chấm dứt nổi loạn và rút lực lượng đang tiến đến Moscow trở về doanh trại để "tránh đổ máu", sau khi đạt được thỏa thuận chấm dứt căng thẳng với Điện Kremlin thông qua nỗ lực dàn xếp trung gian là Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, theo thỏa thuận, trùm Wagner sẽ được miễn truy tố hình sự và được đảm bảo rời Nga sang Belarus. Các binh sĩ Wagner tham gia vào cuộc nổi loạn cũng sẽ không bị truy tố.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/my-trung-phat-cong-ty-ho-tro-tai-chinh-cua-wagner-post23481.html