Mỹ trừng phạt Iran khiến mùa hè ở Iraq biến thành 'hỏa ngục'
Bà Umm Mohammed, 74 tuổi, đang phải quạt bằng tay để hạ nhiệt. Tuy nhiên, trong cái nóng ngột ngạt của thành phố Basra, miền Nam Iraq, hành động của bà dường vô ích.
Tuy thành phố Basra từng chứng kiến nhiều mùa hè oi ả, năm nay nắng nóng lại bắt đầu sớm hơn thường lệ, khiến cuộc sống của người dân càng trở nên khó khăn khi thành phố này thường xuyên bị mất điện.
"Thượng đế ơi, chúng tôi đã quá mệt mỏi rồi", bà Mohammed nói. Bà cho biết cái nóng đã khiến bà thức giấc giữa đêm.
Tuy mùa hè mới chỉ bắt đầu được vài ngày, nhiệt độ tại thành phố Basra có lúc đã lên tới 45 độ C.
"Mọi thứ như địa ngục"
Bà Mohammed sống ở một căn nhà nhỏ với không khí bên trong luôn nóng bức do mái nhà là một tấm kim loại mỏng.
Về phía bắc, tại thủ đô Baghdad của Iraq, nhiệt độ đo trong bóng râm có lúc đã vượt ngưỡng 50 độ C.
Với hệ thống cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề sau hàng thập kỷ chiến tranh, Iraq đang phải vật lộn với tình trạng hạn hán, hoang mạc hóa cùng với hàng loạt cơn bão cát hoành hành.
Tình trạng mất điện thường xuyên tại Iraq đã khiến những đợt nắng nóng gần đây trở nên tồi tệ hơn khi chỉ những gia đình có máy phát điện riêng mới có thể chạy các thiết bị như tủ lạnh hay máy điều hòa.
Tại Basra, độ ẩm cao trong không khí càng tạo thêm cảm giác oi bức cho người dân, trong khi chi phí thuê máy phát điện mỗi tháng lên tới 105 USD, quá lớn đối với thu nhập ít ỏi của các hộ gia đình tại đây.
"Chính quyền phải giúp đỡ những người dân nghèo", bà Mohammed chỉ trích thất bại trong việc cung cấp nguồn điện ổn định của chính phủ Iraq.
"Ngay cả thượng đế cũng không thể đồng ý với điều này. Mọi thứ như địa ngục", bà Mohammed trả lời khi được hỏi về cách đối xử của chính quyền Iraq đối với người dân.
Tuy Iraq là nước sản xuất dầu lớn thứ 2 trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), nhưng trong nhiều năm qua, quốc gia này đã phải nhập khẩu khí đốt từ nước láng giềng Iran, nơi cung cấp 1/3 nhu cầu năng lượng của Iraq.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu mỏ và khí đốt từ Iran đã khiến Iraq không thể thanh toán hợp đồng mua các sản phẩm này, buộc Iran phải nhiều lần cắt nguồn cung.
Hệ quả là 41 triệu người dân Iraq liên tục phải chịu cảnh mất điện luân phiên. Phần lớn trong số này đổ lỗi cho các chính trị gia và tình trạng tham nhũng đã khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn.
Từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2021, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại Iraq, đặc biệt là tại miền Nam đất nước để phản đối tình trạng mất điện thường xuyên.
Theo Nataq al-Khafaji, một cư dân thành phố Nasiriyah, phía bắc thành phố Basra, việc chịu cảnh nắng nóng mà không có điện rất có hại cho sức khỏe của người già và trẻ nhỏ.
"Mọi thứ như địa ngục", anh Khafaji cho biết.
Trong thời gian nghỉ hè, 3 người con của anh Khafaji chỉ quanh quẩn ở nhà và không thể ra ngoài chơi. Mắc kẹt bên trong ngôi nhà không có điện, họ tìm mọi cách để thoát khỏi cái nóng ngột ngạt bên ngoài.
Khafaji đã mua một chiếc quạt chạy pin để dùng trong những tháng hè, nhưng anh lo chiếc quạt này là không đủ trong thời gian nắng nóng cao điểm, khi nhiệt độ lên tới gần 50 độ C.
"Ưu tiên hàng đầu của quốc gia"
Liên Hợp Quốc (UN) đánh giá Iraq là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu.
Từ giữa tháng 4, quốc gia này đã bị tàn phá bởi 10 trận bão cát, gây ra bởi tình trạng hạn hán, xói mòn đất và lượng mưa thấp do ảnh hưởng của biển đổi khí hậu.
Tổng thống Iraq Barham Saleh đã cảnh báo rằng việc chống biến đổi khí hậu phải trở thành ưu tiên hàng đầu của quốc gia vì đây là mối đe dọa đối với sự tồn vong của đất nước và các thế hệ tương lai.
Tổng thống Saleh cho biết khoảng 39% diện tích Iraq đang phải chịu ảnh hưởng của tình trạng hoang mạc hóa. Tại những khu vực này, nguồn nước đang dần biến mất và năng suất nông nghiệp sụt giảm mạnh.
"Việc số lượng các trận bão cát và các đợt nắng nóng ngày càng tăng mỗi năm sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân", người phát ngôn Bộ Y tế Iraq Saif al-Badr cho biết.
"Chúng tôi sẽ phải điều trị cho ngày càng nhiều người bị mắc những bệnh có liên quan tới biến đổi khí hậu trong tương lai", ông Badr nói với AFP.
Bất chấp những lời cảnh báo, những nỗ lực để giải quyết ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dường như đã bị bỏ quên khi Iraq đang mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng chính trị do không bầu được một chính phủ mới trong cuộc bầu cử tháng 10/2021.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo Iraq có thể mất 20% lượng nước của mình vào năm 2050 nếu quốc gia này không có những biện pháp mạnh mẽ để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.