Mỹ trừng phạt Nga: Washington không đạt được mục tiêu như mong muốn?

Mỹ hiện đang áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Nga. Tuy nhiên, theo ông Richard Sawaya, Phó Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Quốc gia, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga không giúp Washington đạt được mục tiêu như mong muốn.

Khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, Thượng nghị sĩ Mỹ Arthur Vandenberg đã tuyên bố rằng chính trị đảng phái cần phải chấm dứt trong bối cảnh tình hình nguy cấp. Quả đúng như vậy, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn có chung mục đích là bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ và duy trì chính phủ dân chủ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Nga áp dụng "các biện pháp chủ động" liên quan cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và cả hai đảng đã đồng thuận ủng hộ các đạo luật trừng phạt Nga.

Đạo luật bảo vệ an ninh Mỹ khỏi sự gây hấn của Điện Kremlin 2019 (DASKA) đã được Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện công bố vào tháng 12-2019. DASKA bao gồm những biện pháp trừng phạt có tính ép buộc trên diện rộng đối với lĩnh vực năng lượng của Nga. Những biện pháp trừng phạt Nga theo sắc lệnh hành pháp nhằm vào các dự án dầu khí của Nga đã có hiệu lực kể từ khi các lực lượng Nga tiến vào miền Đông Ukraine và sáp nhập Crimea năm 2014. Những biện pháp này đã được luật hóa và mở rộng thành luật khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký Đạo luật chống lại các kẻ thù của Mỹ bằng lệnh trừng phạt (CAATSA) năm 2017, sau khi dự luật này được Quốc hội thông qua với đa số rất lớn và không thể bị phủ quyết.

Quan hệ giữa Nga và Mỹ lâu nay luôn trong tình trạng căng thẳng. Ảnh tư liệu

Quan hệ giữa Nga và Mỹ lâu nay luôn trong tình trạng căng thẳng. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ - được áp dụng như những chiến thuật gây sức ép - rõ ràng không giúp Mỹ đạt được những mục tiêu mong muốn. Đến nay, hành động của Nga tại Ukraine vẫn chưa có gì thay đổi. Như một nhà quan sát từng nói, các lệnh trừng phạt là nhằm vào Moscow nhưng lại tác động tới Houston. Các điều khoản liên quan tới năng lượng của DASKA sẽ khiến những thiệt hại mà dân thường phải hứng chịu bị đẩy lên những mức cao mới. Ví dụ, DASKA yêu cầu các Cty của Mỹ rút khỏi tất cả các dự án năng lượng nếu có một thực thể của Nga nắm cổ phần dù là rất nhỏ. Ước tính có gần 150 dự án ở hơn 50 quốc gia bị ảnh hưởng. Những dự án này thuê hàng nghìn lao động và đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng của thị trường dầu khí toàn cầu. Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với các dự án ở nước ngoài sẽ gây hiệu ứng domino và làm ảnh hưởng tới nhiều DN vừa và nhỏ của Mỹ.

Nhiều DN vừa và nhỏ trên khắp nước Mỹ cung cấp cho các Cty lớn hơn nhiều linh kiện và nguyên vật liệu quan trọng để các Cty này hoạt động. Chỉ một Cty đa quốc gia của Mỹ cũng có thể cần tới hơn 20.000 nhà cung cấp để có thể sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Điều khoản này của DASKA sẽ cho phép các Cty của Nga tham gia các dự án năng lượng mới và buộc các Cty của Mỹ phải rút ra. Còn đối với việc các Cty của Mỹ tham gia vào các dự án bên trong lãnh thổ Nga, những con số ghi nhận được từ năm 2014 đã nói lên tất cả: các Cty của Mỹ rút ra, các Cty khởi nghiệp trong lĩnh vực dầu mỏ của Trung Quốc và Nga tiến vào.

Tuy nhiên, những quy định có tính bao quát rộng của DASKA không chỉ đe dọa các Cty năng lượng của Mỹ. Một điều khoản khác của DASKA cấm các Cty của Mỹ tham gia các giao dịch nợ chính phủ của Nga bằng đồng ruble, điều đó trên thực tế sẽ ngăn cản các Cty Mỹ hoạt động tại Nga. Mặc dù được cho là nhằm gây tổn hại tới nền kinh tế Nga, song trên thực tế biện pháp này lại trừng phạt chính các Cty của Mỹ, khiến họ không được hưởng lợi từ các đối thủ cạnh tranh không phải là Mỹ. Gần 3.000 Cty Mỹ tham gia các dự án chung với các Cty của Nga có thể bị buộc phải rút khỏi các dự án này hoặc phải ngừng hoạt động. Ngoài ra, trong nền kinh tế toàn cầu có mạng lưới các chuỗi cung ứng đa quốc gia phức tạp, các biện pháp trừng phạt ngày càng gia tăng của Mỹ khiến các Cty của Mỹ bị coi là các đối tác không đáng tin cậy.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế là nhằm làm tê liệt nền kinh tế của quốc gia bị trừng phạt và đẩy người dân của quốc gia đó vào cảnh khốn khó. Tuy nhiên, chúng lại tạo ra cái cớ để chế độ cầm quyền biện minh cho việc kiểm soát chặt chẽ hơn nền kinh tế. Trừng phạt, với bản chất là một chiến thuật cưỡng ép, đã không thể khiến Nga thay đổi cách hành xử chính sách đối ngoại của nước này. Chúng thậm chí lại thúc đẩy sự hợp tác chưa từng có tiền lệ giữa Nga và Trung Quốc.

Việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế trên diện rộng phụ thuộc vào sự thống trị của Mỹ đối với thị trường tài chính toàn cầu. Năm 2016, đề cập tới các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó là ông Jack Lew đã nói: "Nếu các biện pháp trừng phạt khiến môi trường kinh doanh trở nên quá phức tạp và không thể dự đoán, hoặc nếu chúng can thiệp quá mức vào dòng chảy vốn, thì các giao dịch tài chính toàn cầu có thể sẽ bắt đầu hoàn toàn chuyển ra khỏi Mỹ - điều này sẽ đe dọa vai trò trung tâm của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu".

Khi "cạnh tranh cường quốc" đang quay trở lại, trong trường hợp quan hệ Mỹ-Nga, chắc chắn một chiến lược không gây ra những thiệt hại cho các lợi ích của Mỹ sẽ nhận được sự ủng hộ.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/my-tru-ng-phat-nga-washington-khong-dat-duoc-muc-tieu-nhu-mong-muon-180870.html