Mỹ trừng phạt nhiều công ty ở UAE, Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc liên quan đến Nga
Đợt trừng phạt mới nhất được đưa ra khi chính quyền Biden tìm cách gây sức ép đối với những thực thể bị cáo buộc hỗ trợ tài chính cho Nga.
Chính quyền Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt mới ngày 12/4 nhằm vào hơn 120 mục tiêu, trong đó có các công ty hiện diện tại Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), với cáo buộc hỗ trợ tài chính cho Nga để duy trì cuộc xung đột ở Ukraine và giúp Moskva tránh các lệnh trừng phạt.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra hơn một năm trước, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nặng nề nhằm cô lập Moskva. Để hạn chế doanh thu mà Nga cần để duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt của họ ở Ukraine, Bộ Tài chính Mỹ đã nhằm vào các bên trung gian được sử dụng để tránh các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu.
“Khi Điện Kremlin tìm cách vượt qua các biện pháp trừng phạt đa phương mở rộng và kiểm soát xuất khẩu áp đặt lên Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh, đối tác sẽ tiếp tục phá vỡ các kế hoạch nhằm tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Moskva”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Brian Nelson cho biết trong một tuyên bố.
Chính quyền Biden trước đây đã cảnh báo rằng các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ và UAE rằng việc hợp tác với các thực thể Nga bị trừng phạt có thể khiến họ mất khả năng tiếp cận các thị trường G-7 và phải hứng chịu các lệnh trừng phạt.
Trong đợt trừng phạt mới trên, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Dexias, một công ty sản phẩm công nghiệp có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc sử dụng làm trung gian cho Radioavtomatika, công ty mà Mỹ trước đây cho rằng đã thực hiện việc mua sắm các mặt hàng nước ngoài cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Cũng bị trừng phạt đợt này có công ty Azu International tại Thổ Nhĩ Kỳ, khi Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc đã tạo điều kiện cho việc cung cấp những thiết bị điện tử, bao gồm cả chip máy tính, cho Nga.
Trước đó, Elizabeth Rosenberg, trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về tài trợ khủng bố, đã mô tả UAE là “quốc gia trọng tâm” trong việc thực thi các lệnh trừng phạt của Nga. Bà Rosenberg cho biết từ tháng 7 đến tháng 11/2022, các công ty ở UAE đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 18 triệu USD cho các thực thể Nga bị Mỹ áp đặt trừng phạt.
Trong số các công ty có trụ sở tại UAE mới bị đưa vào “danh sách đen” lần này có Hulm Al Sahra Electric Devices Trading, một nhà bán buôn thiết bị điện mà Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã gửi một số lô hàng điện tử, máy móc và thiết bị quang học cho các công ty Nga, trong đó có lô hang chất bán dẫn trị giá gần 190.000 USD có nguồn gốc từ Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt Aeromotus, một công ty có trụ sở tại UAE bị cáo buộc gửi công nghệ do Da-Jiang Innovations của Trung Quốc sản xuất, bao gồm cả máy bay không người lái kiểu trực thăng 4 cánh quạt, cho các nhà nhập khẩu Nga kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine.