Mỹ trừng phạt Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc
Bộ Thương mại Mỹ đã thêm CNOOC vào 'danh sách đen' của mình vì những gì được bộ này gọi là các hành động 'hiếu chiến'.
Hôm 15-1, AFP đưa tin chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường các biện pháp trừng phạt và hạn chế đối với các công ty Trung Quốc liên quan đến những hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông và nhắm vào các công ty công nghệ bị cáo buộc gây ra “mối đe dọa an ninh”.
Trong một loạt các bước được công bố trong những ngày cuối của chính quyền Trump, Washington đã nhắm mục tiêu vào Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) để trừng phạt và công bố các quy định đối với các công ty công nghệ Trung Quốc bao gồm cả TikTok - ứng dụng tùy biến điệu nhảy dựa trên nền nhạc sẵn có đang được yêu thích trên mạng xã hội.
Nó phản ánh áp lực dồn dập vào phút chót của chính quyền Trump đối với Bắc Kinh, sau bốn năm áp dụng các chính sách ngoại giao và thương mại chống lại cường quốc kinh tế đối thủ.
Bộ Thương mại Mỹ theo đó đã thêm CNOOC vào "danh sách đen" của mình vì những gì được bộ này gọi là các hành động "hiếu chiến". Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã hạn chế thị thực đối với các giám đốc điều hành của công ty, cũng như các quan chức chính phủ và quân đội Trung Quốc.
"Các hành động liều lĩnh và hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và sự thúc đẩy tích cực của họ để có được tài sản trí tuệ và công nghệ nhạy cảm cho các nỗ lực quân sự hóa của Bắc Kinh là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ và an ninh của cộng đồng quốc tế" - Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết trong một tuyên bố. .
"CNOOC có hành động bắt tay với Quân giải phóng nhân dân để đe dọa các nước láng giềng của Trung Quốc, và quân đội Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi từ các chính sách hợp nhất dân sự-quân sự của chính phủ cho các mục đích xấu" – tuyên bố của ông Ross nhấn mạnh.
Tranh chấp trên Biển Đông đã diễn biến căng thẳng trong nhiều năm, với việc Bắc Kinh phớt lờ sự phản đối của Mỹ và nhiều nước khi họ xây dựng một loạt đảo nhân tạo để mở rộng phạm vi ảnh hưởng quân sự và thương mại trong khu vực được cho là có các mỏ dầu khí có giá trị được Mỹ định giá ở mức 2,5 nghìn tỷ USD.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp gần như toàn bộ Biển Đông bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
"CNOOC đã nhiều lần quấy rối và đe dọa hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông, với mục tiêu gây rủi ro chính trị cho các đối tác nước ngoài" - Bộ Thương mại Mỹ cho biết.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết mục đích đưa CNOOC vào danh sách trừng phạt là nhằm đảm bảo “một khu vực Biển Đông tự do và mở”.
Các quan chức chính quyền Mỹ cho biết "danh sách đen" nhắm vào CNOOC không áp dụng cho việc buôn bán hydrocacbon như dầu thô và khí đốt, hoặc cho các công ty liên doanh bên ngoài khu vực tranh chấp.
Cuộc chiến thương mại diễn ra sau lệnh của Nhà Trắng vào tháng 11 ngăn chặn người Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc được cho là cung cấp hoặc hỗ trợ bộ máy quân sự và an ninh của đất nước, dẫn đến việc tháo khỏi sàn niêm yết mã giao dịch của các công ty lớn Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ.
Sở giao dịch chứng khoán New York đã loại bỏ mã niêm yết của các gã khổng lồ công nghệ như China Telecom, China Mobile và China Unicom khỏi giao dịch kể từ ngày 11-1 nhưng chưa có hành động tương tự đối với CNOOC.
Bộ Tài chính Mỹ tuần trước thông báo họ sẽ thêm CNOOC vào danh sách trừng phạt của mình, nhằm mục đích đóng băng bất kỳ tài sản nào thuộc quyền tài phán của Mỹ và cấm các công ty Mỹ - bao gồm các ngân hàng và các công ty khác có chi nhánh tại Mỹ làm ăn với CNOOC.
Các quy tắc mới về công nghệ
Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các quy định mới về kinh doanh thiết bị công nghệ và truyền thông với các "đối thủ nước ngoài" bao gồm Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên, Cuba và Venezuela.
Quy tắc, sẽ được công bố vào ngày 15-1, sẽ có hiệu lực sau 60 ngày. Nó bắt nguồn từ một lệnh hành pháp mà Trump ban hành vào tháng 5 năm 2019 và các quan chức cho biết nó đã được quyết định sau khi xem xét cẩn thận với khu vực tư nhân và được công bố với hy vọng chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ giữ nguyên các chính sách.
Mục đích của các quy tắc này là để bảo vệ dữ liệu và “trám” vào các lỗ hổng bảo mật quốc gia trong phần mềm và phần cứng, đồng thời sẽ vạch ra một quy trình xem xét kéo dài 6 tháng trước khi bất kỳ lệnh cấm nào được thực hiện.
Một quan chức chính quyền cấp cao xác nhận quy tắc mới sẽ áp dụng cho TikTok, ứng dụng video của Trung Quốc mà Trump đã cấm hoạt động ở Mỹ.