Mỹ - Trung Quốc: Ăn miếng trả miếng
Triển vọng giải quyết được những bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đã trở thành điều không tưởng khi 2 bên tiếp tục đưa ra những hành động làm gia tăng căng thẳng vốn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ngay sau quyết định tăng thuế của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng mức thuế quan 25% đang áp dụng đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc lên mức 30%, bắt đầu từ ngày 1-10. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tăng mức thuế đối với lượng hàng hóa còn lại của Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD lên 15% thay vì 10% và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-9.
Khó hòa giải
Tuyên bố trên của Tổng thống Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa trị giá 75 tỷ USD của Mỹ. Bắc Kinh quyết định từ ngày 1-9 sẽ có 5.078 loại hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó nông sản, dầu thô, máy bay cỡ nhỏ... sẽ phải chịu mức thuế bổ sung từ 5%-10%. Ngoài ra, Trung Quốc quyết định sẽ nối lại việc áp thuế bổ sung đối với ô tô và linh kiện nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực từ bắt đầu từ ngày 15-12 tới.
Như vậy, triển vọng giải quyết được những bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đã trở thành điều không tưởng khi 2 bên tiếp tục đưa ra những hành động làm gia tăng căng thẳng vốn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo kế hoạch, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ 13 tại thủ đô Washington, Mỹ trong tháng 9 tới. Vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra vào tháng 7 tại Thượng Hải, Trung Quốc đã kết thúc mà không đạt được tiến triển nào.
Không có Trung Quốc… tốt hơn
Trước khi tuyên bố quyết định tăng thuế, Tổng thống Donald Trump còn gây sức ép lên các công ty Mỹ buộc rời khỏi Trung Quốc. Trên trang Twitter cá nhân, ông Donald Trump viết: “Chúng ta không cần Trung Quốc và nói thật, chúng ta sẽ khá hơn nhiều nếu không có họ. Số tiền khổng lồ được tạo ra và bị Trung Quốc đánh cắp từ Mỹ, từ năm này qua năm khác, từ nhiều thập niên nay, sẽ và phải dừng lại”.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Các công ty lớn của Mỹ giờ được ra lệnh ngay lập tức tìm kiếm một nước thay thế Trung Quốc, bao gồm việc đưa các công ty của quý vị về nhà và sản xuất các sản phẩm ở Mỹ”.
Theo ông Donald Trump, ông đã ra lệnh cho các công ty vận chuyển gồm FedEx, Amazon.com, UPS và Cơ quan Bưu chính Mỹ tìm kiếm và từ chối tất cả những chuyến hàng thuốc giảm đau Fentanyl gửi đến Mỹ từ Trung Quốc cũng như một số nước khác.
Tuy nhiên, Phòng Thương mại Mỹ đã từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump. Phó chủ tịch điều hành kiêm Trưởng bộ phận các vấn đề quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ, ông Myron Brilliant, cho biết: “Dù chúng tôi chia sẻ nỗi thất vọng với tổng thống, nhưng chúng tôi tin rằng việc tiếp tục tham gia có tính xây dựng là hướng đi đúng đắn”.
Ông Brilliant hối thúc cả 2 bên nhanh chóng đạt được một thỏa thuận thương mại và nêu rõ: “Thời gian là điều cốt yếu. Chúng tôi không muốn thấy mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc tiếp tục xấu đi”.
Trong khi đó, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro thì trấn an dư luận khi khẳng định cạnh tranh thương mại với Trung Quốc sẽ không khiến giá cả hàng hóa tăng hoặc làm chậm đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ.
Trả lời phỏng vấn hãng Fox Business Network, ông Navarro cho biết: “Trung Quốc đang chống đỡ toàn bộ gánh nặng bằng cách giảm giá, hạ giá trị đồng nội tệ. Theo cách này, họ đang làm mất chuỗi cung ứng cho toàn bộ thế giới và để chuỗi này rơi trở lại vào tay Mỹ... Và điều đó là tốt cho Mỹ”.
Cố vấn thương mại Nhà Trắng cũng cho hay các cuộc đàm phán thương mại kín giữa quan chức 2 nước sẽ tiếp tục được tiến hành như trước đây.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc trong phiên giao dịch ngày 23-8 khi các chỉ số chính đều mất điểm do lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chốt phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 600 điểm, tương đương 2,4%. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 2,6%, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 3%.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/my-trung-quoc-an-mieng-tra-mieng-612587.html