Mỹ - Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Âu

Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng và thu hút đồng minh của Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng khiến một số nước rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 25-8 bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần đến 5 nước châu Âu gồm Ý, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức. Chuyến đi của ông Vương "nối gót" sau 2 chuyến thăm châu Âu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, khi đó nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đưa ra cảnh báo cho các quan chức châu Âu rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn cả Nga.

Trong cuộc gặp người đồng cấp Ý Luigi Di Maio tại thủ đô Rome, ông Vương cho rằng mối quan hệ của Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) đang diễn ra theo xu hướng tích cực. Song song đó, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cũng cảnh báo mối quan hệ hai bên đang hứng chịu những hành động khiêu khích và cả sự phá hoại từ các thế lực bên ngoài nên hai bên phải tập trung vào lợi ích chung. Đồng thời, ông Vương cũng phản đối "Chiến tranh lạnh mới" và kêu gọi châu Âu đừng để bị lôi kéo vào cuộc chiến này.

Đối với Trung Quốc, chuyến thăm châu Âu là một phần trong nỗ lực ổn định các mối quan hệ quốc tế quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh Washington tìm cách ngăn Tập đoàn Huawei tham gia mạng 5G, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn các ứng dụng Trung Quốc như TikTok và WeChat truy cập dữ liệu của Mỹ. Ông Gao Zhikai, cựu nhà ngoại giao Trung Quốc, nhận định với hãng tin Bloomberg: "Những gì Trung Quốc đang làm nhằm duy trì mối quan hệ bình thường với các nước khác và thể hiện bản thân theo cách khách quan hơn".

Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio trong cuộc họp báo với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Rome hôm 25-8 Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio trong cuộc họp báo với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Rome hôm 25-8 Ảnh: REUTERS

Châu Âu ngày càng đóng vai trò chiến lược quan trọng với Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng và Ngoại trưởng Pompeo cố gắng xây dựng liên minh chống Trung Quốc, theo một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc giấu tên. Phát biểu trước Thượng viện CH Czech hồi đầu tháng này, ông Pompeo tuyên bố quan điểm đối đầu Trung Quốc của Mỹ và xu hướng này đang bắt đầu diễn ra ở châu Âu.

Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng và thu hút đồng minh của Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng khiến một số nước rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Ông Joo Ho-young, lãnh đạo Đảng Tương lai Thống nhất (UFP) đối lập ở Hàn Quốc, cho rằng mối quan hệ Mỹ - Hàn Quốc có nguy cơ rạn nứt khi Seoul theo đuổi quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh. Theo lãnh đạo này, chính sách củng cố quan hệ với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in có thể đẩy Seoul đứng về phía đối lập với Washington, đồng minh an ninh quan trọng, khi quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng xấu đi.

Hàn Quốc đang bị kẹt giữa việc duy trì mối quan hệ bền chặt với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất - và Mỹ, vốn là đồng minh quân sự chính, đồng thời cũng là thị trường quan trọng cho các mặt hàng xuất khẩu. Sức ép đối với Hàn Quốc tăng lên khi Mỹ tìm kiếm sự giúp đỡ nhằm ngăn chặn sự hiện diện của Trung Quốc ở các vùng biển trong khu vực.

Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc mới đây cho hay máy bay trinh sát tầm cao U-2 của Mỹ xuất phát từ một căn cứ quân sự ở Hàn Quốc và bay qua vịnh Bột Hải, nơi tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đang tham gia tập trận. Phản ứng trước động thái trên, Trung Quốc hôm 25-8 chỉ trích việc máy bay trinh sát của Mỹ di chuyển vào vùng cấm bay khi nước này tập trận bắn đạn thật là hành động khiêu khích và có thể gây ra tai nạn trên biển lẫn trên không.

Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cảnh báo mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang lao dốc nguy hiểm cùng với nguy cơ gia tăng đối đầu quân sự và tiềm ẩn những tác động nghiêm trọng đối với trật tự toàn cầu nếu hai bên không chịu lùi bước.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về quan điểm của ông Zoellick khi cho rằng phương Tây đã đối thoại với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ nhằm giải quyết các vấn đề về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ nhưng kết quả đến nay vẫn còn hạn chế.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-trung-canh-tranh-anh-huong-o-chau-au-20200826214027567.htm