Mỹ, Trung Quốc là hai nhân tố đẩy mức nợ công của thế giới tăng cao
Tỉ lệ nợ công của Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ tăng mạnh lên lần lượt 136,2% và 104,9% GDP vào năm 2028.
Hôm 12/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tỉ lệ nợ công trên tổng sản phẩm quốc nội của thế giới sẽ tăng lên 99,6% vào năm 2028, gần bằng với mức năm 2020, khi các chính phủ nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau những tổn thất do đại dịch Covi-19 mang lại.
Gánh nặng nợ của thế giới đang tăng trở lại sau khi giảm vào năm 2021 và 2022 do lạm phát và sự phục hồi nhanh chóng của Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác, ông Vitor Gaspar - Giám đốc phụ trách các vấn đề tài chính tại IMF cho biết.
“Trong tương lai, nợ công không chỉ tăng cao hơn mà còn nhanh hơn mức dự kiến trước đại dịch”, ông Gaspar nhận định.
IMF cho biết, Mỹ và Trung Quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới chính là 2 nhân tố thúc đẩy mức nợ công của thế giới tăng cao.
Tỉ lệ nợ trên GDP của Mỹ được dự đoán sẽ tăng 3% mỗi năm, từ 121,7% vào năm 2022 lên 136,2% vào năm 2028. Nợ công của Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục tăng, bắt đầu ở mức 82,4% GDP vào năm 2023 và đạt 104,9% vào năm 2028. Brazil, Nhật Bản, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh cũng sẽ chứng kiến tỉ lệ nợ tăng hơn 5% GDP.
IMF cảnh báo, rủi ro nợ công tăng mất kiểm soát là rất cao, do đó các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề này.
Theo IMF, nhiều nền kinh tế tiên tiến có thể chi trả được chi phí trả nợ ngày càng tăng, nhưng các nước có thu nhập thấp thì không.
Khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp hiện đang lâm vào cảnh túng quẫn hoặc có nguy cơ vướng vào vòng xoáy nợ nần do lãi suất ngày một cao hơn và đồng USD tăng giá.
IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đã kêu gọi các quốc gia giàu có hơn bổ sung thêm 1,6 tỷ USD vào quỹ cho vay ưu đãi đối với các quốc gia thu nhập thấp, vốn đã được giải ngân trong thời kỳ đại dịch Covid-19 hoành hành.
Lời kêu gọi này đã được lặp lại trong Cuộc họp mùa xuân thường niên giữa IMF và WB năm 2023 đang diễn ra ở Washington DC.
IMF cũng kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia thuộc nhóm thu nhập thấp, liên kết chặt chẽ các chính sách tài khóa và tiền tệ của họ để chống lạm phát và xây dựng vùng đệm nhằm đối phó với những tình huống không lường trước có thể xảy ra trong tương lai.
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, The Sun, newizv.ru)