Mỹ-Trung Quốc đối thoại 'giải nhiệt' chiến tranh thương mại, thế giới 'thở phào'?
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Greer sẽ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại Geneva, Thụy Sỹ vào cuối tuần này. Đây là cuộc đối thoại chính thức đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump áp thuế 145% lên hàng hóa Trung Quốc, khởi phát chiến tranh thương mại.
Một phái đoàn cấp cao của Trung Quốc và các quan chức hàng đầu của Mỹ đang chuẩn bị các thủ tục cho cuộc gặp đầu tiên tại Thụy Sỹ. Sự kiện đánh dấu cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Donald Trump khơi mào cuộc chiến thương mại làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu, bằng loạt thuế quan toàn diện áp lên hàng nhập khẩu vào Mỹ từ tháng trước. Đồng thời làm suy yếu nền tảng mối quan hệ ổn định giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các quan chức hàng đầu của Mỹ-Trung Quốc lần đầu gặp mặt 'giải nhiệt' chiến tranh thương mại? (Nguồn: CBC)
Thông tin về cuộc gặp trên đã được Washington công bố vào cuối ngày 6/5 và sau đó được Bắc Kinh xác nhận - đã khiến những người quan tâm "thở phào", trong bối cảnh doanh nghiệp và người tiêu dùng hai bên ngày càng lo ngại về chi phí tăng cao và chuỗi cung ứng gián đoạn, do loạt chính sách thuế mới của Tổng thống Trump.
Tín hiệu “tan băng”
Hai bên kỳ vọng tìm ra hướng hạ nhiệt căng thẳng và tái cân bằng hệ thống thương mại toàn cầu. Chính quyền Mỹ vừa công bố kế hoạch gặp mặt quan trọng này và phát đi tín hiệu về khả năng “tan băng” trong quan hệ song phương, giữa bối cảnh áp lực kinh tế trong nước gia tăng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent cho biết, các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc hạ nhiệt chiến tranh thương mại, thay vì đàm phán bất kỳ thỏa thuận nào.
Trong khi đó, Trung Quốc cam kết "bảo vệ sự công bằng và công lý quốc tế" trong các cuộc đàm phán sắp tới với Mỹ.
Bộ thương mại Trung Quốc ngày 7/5, cho biết, thỏa thuận đàm phán diễn ra sau khi phía Mỹ chủ động tiếp cận. Bắc Kinh và Washington đã đưa ra các báo cáo mâu thuẫn về việc bên nào nên khởi xướng các cuộc đàm phán.
Trung Quốc xác nhận, họ đã cử Phó Thủ tướng Hà Lập Phong tới bàn đàm phán sau khi cân nhắc đến "lợi ích của Trung Quốc và lời kêu gọi của ngành công nghiệp, cũng như người tiêu dùng Mỹ".
Trước đó, dù Tổng thống Trump từng "bắn tin" rằng hai nền kinh tế đứng đầu thế giới đã bắt đầu đàm phán về việc giảm thuế, Bắc Kinh liên tục phủ nhận điều này, khẳng định rằng Mỹ phải dỡ bỏ các mức thuế trừng phạt trước khi có thể tiến hành đối thoại.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã làm rõ vấn đề trong phiên điều trần trước Hạ viện đầu tuần này, cho biết hai bên “chưa chính thức bước vào đàm phán”, nhưng bổ sung rằng “ngay trong tuần này” Mỹ sẽ công bố các thỏa thuận thương mại mới với một số đối tác lớn nhất của mình.
Kết quả khó đoán
Giới quan sát bình luận, chiến lược thuế đối ứng của Tổng thống Trump – nhằm gây sức ép lên Trung Quốc và kích thích sản xuất trong nước – đến nay lại mang tác dụng ngược, tăng trưởng Mỹ vẫn suy yếu, trong khi nền kinh tế Trung Quốc, ít nhất là hiện tại, lại có dấu hiệu tăng tốc.
Cả hai ông Bessent và Greer đều từng có tiếp xúc với giới chức Trung Quốc trước khi căng thẳng thương mại leo thang.
Đại diện Thương mại Mỹ Greer từng tiết lộ trên kênh Fox News rằng, ông đã có cuộc trao đổi kéo dài hơn một giờ đồng hồ với người đồng cấp Trung Quốc trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, mô tả cuộc trò chuyện là “mang tính xây dựng”. Tương tự, Bộ trưởng Bessent đã gặp Phó Thủ tướng Hà hồi tháng 2/2025 để “trao đổi quan điểm về quan hệ kinh tế song phương”, theo thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ.
Ông Greer khẳng định, “đây không phải là kế hoạch bao vây Trung Quốc. Đây là kế hoạch nhằm sửa chữa nền kinh tế Mỹ, tăng tỷ trọng sản xuất trong GDP, nâng thu nhập thực tế và tái thiết ngành sản xuất thay vì dựa dẫm vào tài chính nhà nước”.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: “Bắc Kinh đã đánh giá cẩn trọng các thông tin từ phía Mỹ và quyết định đồng ý tiếp xúc sau khi cân nhắc đầy đủ kỳ vọng toàn cầu, lợi ích quốc gia và yêu cầu từ giới doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Mỹ”.
Hiện tại, Mỹ đang áp mức thuế lên tới 145% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm điện tử, máy móc và linh kiện ô tô – các mức thuế này đã được mở rộng đáng kể dưới thời Tổng thống Trump. Đáp lại, Trung Quốc áp thuế lên tới 84% đối với nhiều sản phẩm của Mỹ, từ nông sản, ô tô đến nguyên liệu công nghiệp.
Sau đó, cả hai bên đã thực hiện một số miễn trừ nhằm làm giảm tác động lên nền kinh tế của đối phương.
Washington đã miễn trừ điện thoại thông minh và một số sản phẩm điện khác, sau các báo cáo rằng, giá điện thoại thông minh iPhone tại Mỹ có thể tăng hơn 40%.
Trong khi đó, Trung Quốc đã miễn trừ một số loại dược phẩm, vi mạch và động cơ máy bay, cùng với các mặt hàng khác không được tiết lộ - được cho là đang đưa vào "danh sách trắng" chưa thể công khai.
Tuy nhiên, trên thực tế, tác động kinh tế của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc vẫn rất nghiêm trọng. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã chậm lại vào tháng 4, các nhà phân tích cho biết điều này phản ánh cuộc chiến thương mại khiến việc vận chuyển hàng hóa sang Mỹ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Tháng này, Nhà Trắng cũng đã đóng một lỗ hổng cho phép vận chuyển hàng hóa giá trị thấp vào biên giới nước này miễn phí - một con đường đã tạo ra khoảng 66 tỷ USD cho nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2023, theo báo cáo từ Quốc hội Mỹ.
Tổ chức Thương mại thế giới (WB) ước tính, tổng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, trị giá 440 tỷ USD vào năm 2024, sẽ giảm 77% trong năm nay nếu mức thuế quan cao chưa từng có vẫn được áp dụng.
Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ "chiến đấu đến cùng" trong cuộc chiến thương mại, các nhà lãnh đạo đặt cược rằng - đất nước của họ có thể chịu đựng được nhiều đau đớn về kinh tế hơn nếu cần thiết, so với những gì người Mỹ sẵn sàng chịu đựng.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đang cố gắng thuyết phục các quốc gia khác, tự coi mình là một đối tác ổn định, trái ngược với một nước Mỹ thất thường. Bắc Kinh cũng lưu ý với một số nền kinh tế đang đàm phán với Mỹ rằng, "chúng ta cần nhấn mạnh rằng, sự xoa dịu không thể biến thành hòa bình và sự thỏa hiệp không thể được tôn trọng".