Mỹ - Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại

Ngày 28/7, các quan chức cấp cao phụ trách vấn đề kinh tế của Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu vòng đàm phán mới về thương mại tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển.

Cảng hàng hóa Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Cảng hàng hóa Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Vòng đàm phán này được cho là hướng tới mục tiêu gia hạn thêm 3 tháng cho thỏa thuận đình chiến thương mại, đồng thời ngăn chặn nguy cơ tái áp thuế ở mức cao.

Cuộc đàm phán diễn ra tại Tòa nhà Rosenbad, trụ sở của Văn phòng Thủ tướng Thụy Điển tại thuộc trung tâm Stockholm. Sáng cùng ngày, quốc kỳ Mỹ và Trung Quốc đã được kéo lên trước tòa nhà. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia đàm phán là Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, trong khi Phó Thủ tướng Hà Lập Phong dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc.

Trung Quốc hiện đối mặt với hạn chót ngày 12/8 để đạt được thỏa thuận thuế quan bền vững với Chính quyền Tổng thống Donald Trump, sau khi hai bên đã đạt được các thỏa thuận sơ bộ trong tháng 5 và 6 nhằm chấm dứt chuỗi leo thang trả đũa về thuế quan và lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc sang Mỹ.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ gián đoạn khi Washington tái áp đặt mức thuế 3 chữ số với Bắc Kinh, động thái có thể dẫn đến lệnh cấm vận thương mại song phương.

Vòng đàm phán tại Stockholm diễn ra ngay sau khi Tổng thống Trump ký kết hiệp định thương mại lớn nhất từ trước tới nay với Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 27/7. Theo đó, mức thuế 15% sẽ được áp dụng với hầu hết hàng xuất khẩu của EU sang Mỹ, trong đó có cả ô tô.

Dù không kỳ vọng bước đột phá tương tự trong đàm phán Mỹ - Trung, các chuyên gia thương mại nhận định hai bên có khả năng nhất trí gia hạn “ đình chiến” thuế quan thêm 90 ngày và giảm kiểm soát xuất khẩu. Động thái gia hạn này sẽ giúp ngăn chặn căng thẳng leo thang, đồng thời tạo tiền đề cho khả năng Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 năm nay.

Đến nay, 2 vòng đàm phán lần lượt tại Geneva (Thụy Sĩ) và London (Anh) hồi tháng 5 và 6 đã giúp giảm đáng kể mức thuế nhập khẩu mà Washington và Bắc Kinh đã áp đối với nhau. Bên cạnh đó, dòng chảy thương mại các mặt hàng quan trọng như đất hiếm, chip AI và nhiều hàng hóa khác giữa 2 quốc gia đã dần khôi phục.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán được cho là chưa đi sâu vào những bất đồng kinh tế nền tảng. Mỹ lên tiếng chỉ trích mô hình xuất khẩu của Trung Quốc khiến các sản phẩm giá rẻ ngập tràn thị trường. Trong khi đó, Bắc Kinh cho rằng Washington viện lý do bảo vệ an ninh quốc gia để siết chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ, qua đó kìm hãm tăng trưởng kinh tế của nước này. Theo giới phân tích, đàm phán Mỹ - Trung phức tạp hơn và cần nhiều thời gian hơn so với các đối tác châu Á khác.

Trong diễn biến liên quan, cũng trong ngày 28/7, tờ Financial Times dẫn lời một số quan chức cho biết Mỹ đã tạm ngưng một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình đàm phán song phương và tạo điều kiện cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ - cơ quan giám sát các biện pháp kiểm soát xuất khẩu - đã nhận được chỉ thị tránh đưa ra các động thái cứng rắn đối với Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Thùy Liên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-trung-quoc-noi-lai-dam-phan-thuong-mai-20250728202536964.htm