Mỹ, Trung Quốc và cuộc chiến tranh lạnh chưa từng có trong lịch sử
Hai siêu cường Mỹ - Trung Quốc dường như đang bước vào cuộc chiến tranh lạnh chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Tương lai thế kỷ 21 của nhân loại sẽ phụ thuộc vào cuộc chiến này.
Hai siêu cường Mỹ - Trung Quốc dường như đang bước vào cuộc chiến tranh lạnh chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Tương lai thế kỷ 21 của nhân loại sẽ phụ thuộc vào cuộc chiến này.
Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc vào tháng 11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khoe với Chủ tịch Tập Cận Bình một đoạn băng, ghi lại cảnh cháu gái 6 tuổi Arabella của mình hát và đọc thơ bằng tiếng Quan Thoại. Bà Bành Lệ Viện, phu nhân ông Tập vỗ tay và nói “Wonderful!” (Tuyệt vời) sau khi xem xong màn trình diễn đó.
Cũng giống như Jared và Ivanka, nhiều bậc phụ huynh Mỹ tin rằng việc cho con học tiếng Trung sẽ có lợi cho việc nộp hồ sơ đại học và tương lai sau này. Một điều tra năm 2017 của Hội đồng Giáo dục Quốc tế Mỹ cho thấy khoảng 227.000 học sinh Mỹ đang học tiếng Trung.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là nước có nhiều học sinh, sinh viên tới Mỹ du học nhất, với con số lên tới khoảng 363.000, chiếm tới 30% lượng du học sinh tại Mỹ. Những con số này khiến chẳng ai có thể nghĩ tới cụm từ chiến tranh lạnh, sinh viên Trung Quốc thậm chí phải tới các nước lân cận như Việt Nam, Singapore hay Nhật Bản để thi các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS hay SAT vì các trung tâm ở đại lục luôn trong tình trạng quá tải.
Thậm chí việc các lãnh đạo Trung Quốc cho con cái tới Mỹ du học đã là chuyện phổ biến. Sau Đặng Tiểu Bình, 4 nhà lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc đều gửi con tới Mỹ du học. Bản thân con gái của ông Tập Cận Bình là Tập Minh Trạch cũng theo học chuyên ngành Tâm lý học và tiếng Anh tại Harvard.
Một phần nào đó, mọi thứ có vẻ như được chuẩn bị để giữ cho mối quan hệ hai nước đi đúng hướng. Các nhà lãnh đạo Liên Xô trước đây không gửi con cái mình tới những trường Ivy League.
Quay trở lại với đoạn băng của Arabella, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn bình luận về việc này trong buổi họp báo thường kỳ. “Arabella với tư cách là sứ giả nhỏ tuổi cho quan hệ hữu nghị Mỹ - Trung được người dân Trung Quốc hết sức quý mến. Tôi tin điều này sẽ giúp thu hẹp cảm xúc và khoảng cách giữa người dân Trung Quốc và Mỹ”, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên bộ Ngoại giao, phát biểu trước các phóng viên vào ngày 9/11/2017.
Nhưng chưa đầy hai năm sau, những kỳ vọng đó đã không còn. Mỹ và Trung Quốc leo thang đối đầu với cuộc chiến thương mại chưa biết hồi kết. Mâu thuẫn không chỉ nằm ở con số hàng trăm tỷ USD thâm hụt thương mại giữa hai bên, mà còn kéo sang các lĩnh vực khác, khi hai siêu cường dường như bước vào cuộc chiến tranh lạnh chưa từng có trong lịch sử hiện đại.
Kể từ khi Đặng Tiểu Bình thực hiện “cải cách và mở cửa” cách đây 40 năm, “lợi nhuận” trở thành điều quan trọng nhất trong mối quan hệ của Bắc Kinh và Washington. Vẫn có những mâu thuẫn, vẫn có những chỉ trích lẫn nhau, nhưng lãnh đạo hai bên hiểu rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều đang hưởng lợi từ quan hệ thương mại, và việc tập trung vào lợi ích chung này đi cùng với các nhượng bộ ở mặt khác.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 một lần nữa cho thấy mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ giữa hai nước, một bên là nước Mỹ với thị trường tiêu thụ khổng lồ, và bên kia là Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó bằng việc sản xuất hàng giá rẻ. Trung Quốc vượt qua Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và có cả những thuật ngữ mới được tạo ra để chỉ quan hệ thương mại giữa hai bên, như là “Chimerica” hay “Nhóm G2”.
Nhưng rồi đột nhiên lợi nhuận không còn là câu trả lời quan trọng nhất. Trong những năm gần đây, những thảo luận về hợp tác thương mại dần nhường chỗ cho những phân tích về cạnh tranh chiến lược và đe dọa an ninh. Thay vì vẽ lên những bức tranh tương lai hấp dẫn, các học giả hai bên bắt đầu nhắc tới những so sánh lịch sử.
Người ta kể về năm 1914, khi tham vọng của Anh và Đức vượt qua mối quan hệ thương mại giữa hai bên. Trong khi đó, các học giả Trung Quốc bị ám ảnh bởi “Bẫy Thucydides” – cụm từ được tạo ra bởi giáo sư Graham Allison, nhà khoa học chính trị hàng đầu của Harvard – nói về việc sự nổi lên của siêu cường mới tạo ra nỗi lo sợ của siêu cường cũ, khiến căng thẳng leo thang, dẫn tới xung đột, như trường hợp của Athens và Sparta vào thế kỷ thứ 5 trước CN.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc luôn được cho là sẽ dẫn tới những thay đổi trong trật tự thế giới. Nhưng thật khó dự đoán chính xác những thay đổi đó, khi Trung Quốc vừa là đối tác thương mại lớn nhất, vừa là thách thức kinh tế lớn nhất, lại vừa là đối thủ lớn nhất đe dọa lợi ích chiến lược của Mỹ. Đây là điều hết sức mới. Nhật Bản từng khiến Mỹ lo lắng khi sự phát triển của nước này trong thập niên 1970-1980 khiến thâm hụt thương mại giữa hai nước tăng 25 lần trong vòng 10 năm. Nhưng về mặt chính trị, Nhật Bản là đồng minh bền chặt của Mỹ, và cũng hoàn toàn hợp tác với Washington về quân sự.
Liên Xô có thể được coi là đối thủ của Mỹ về cả địa chính trị lẫn tư tưởng, và hai quốc gia đã có cuộc Chiến tranh Lạnh lịch sử trong nửa sau thế kỷ 20, nhưng quan hệ thương mại giữa hai nước chưa bao giờ phát triển. Vào năm 1987, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Liên Xô chỉ đạt 2 tỷ USD một năm, chỉ chiếm 0,25% hoạt động thương mại của Mỹ. Để so sánh, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc năm 2018 đạt 2 tỷ USD một ngày, tương đương 13% hoạt động thương mại của Mỹ với thế giới.
Các sản phẩm của thời đại mới cũng mang tới những lo ngại mới, việc chính quyền Tổng thống Trump phản đối việc sử dụng sản phẩm viễn thông của Huawei để phát triển mạng 5G trong nước là ví dụ cho thấy quan hệ thương mại song phương sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong tương lai. Trước đây, khi sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc sang Mỹ là quần áo, giày dép hoặc thép và các vật liệu thô khác, chẳng có ai ở Washington lo ngại những mặt hàng đó đe dọa an ninh quốc gia.
Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc không có một liên minh chính thức rộng lớn như Liên Xô trước đây, sự trỗi dậy của quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn khiến Lầu Năm Góc tăng cường thảo luận về các kế hoạch tương lai. Do Mỹ đã theo đuổi chính sách “sự hiện diện tiên phong” từ những năm 1980 (hoạt động ở gần tuyến phòng thủ của đối phương), sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc khiến quân đội Mỹ đau đầu trong việc đưa ra quyết định: hoặc là tìm cách mới để có thể chiến đấu hiệu quả ở phía tây Thái Bình Dương, hoặc là lùi về và buộc đối thủ phải tham chiến xa nhà.
Nỗi lo của Mỹ được thể hiện rõ nhất ở Washington, nơi các chính trị gia của cả phe Dân chủ và Cộng hòa - dù đang cạnh tranh gay gắt lẫn nhau - đều nhất trí về việc phải cứng rắn với Bắc Kinh.
Tháng 10 năm ngoái, Nhà Trắng tổ chức cuộc gặp không công khai giữa đại diện của các tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ với chính phủ, với sự tham dự của Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Dan Coats và Thượng nghị sĩ Mark Warner của đảng Dân chủ và Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa. Ông Rubio cho rằng Trung Quốc là “mối đe dọa toàn diện nhất mà đất nước chúng ta từng phải đối mặt”, và chỉ trích mô hình kinh doanh ở Thung lũng Silicon, trong đó các công ty khởi nghiệp chỉ chăm chăm vào phát triển để bán lại cho các nhà đầu tư, mà không quan tâm rất nhiều trong số này đến từ Trung Quốc.
Các thành viên quốc hội cũng đã soạn thảo để xuất một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với sản phẩm được coi là quan trọng với an ninh quốc gia, đặc biệt là từ các ngành được ưu tiên trong kế hoạch Made in China 2025 – thạm vọng xây dựng những công ty hàng đầu trong 10 lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn bao giờ hết của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài vào Mỹ (CFIUS).
Mặc dù đảng Dân chủ thường xuyên chỉ trích Tổng thống Trump về rất nhiều vấn đề, họ tỏ ra hoàn toàn ủng hộ với chính sách cứng rắn mà người đầu Nhà Trắng đưa ra. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer lãnh đạo phe Dân chủ ở thượng viện và là người từng nhiều lần công kích tổng thống (ông Trump gọi ông Schumer là “Chuck khóc lóc”). Nhưng sau khi ông Trump tuyên bố tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, thượng nghị sĩ đến từ New York nói: ““Hãy cứng rắn với Trung Quốc. Thưa Tổng thống Trump. Đừng lùi bước. Mạnh mẽ là cách duy nhất để giành chiến thắng trước Trung Quốc”.
Một thượng nghị sĩ Dân chủ khác, ông Chris Coons đến từ bang Delaware, thì nhận xét việc bày tỏ quan điểm diều hâu với Trung Quốc ở thời đại này “có thể so sánh với những năm 1950 khi không có mất thiệt hại về mặt chính trị nếu thể hiện quan điểm chống Liên Xô”.
Economist nhận định, từ phía bên kia, Bắc Kinh ngày càng hoài nghi về Washington. Trung Quốc cảm thấy không công bằng khi Mỹ chỉ trích sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Chủ tịch Tập, nhưng Washington lại ngày càng rút khỏi những hiệp định và thể chế toàn cầu. Trong khi chính quyền Obama tìm cách thuyết phục Trung Quốc ký hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, chính quyền ông Trump lại rút khỏi nó.
Trung Quốc tuyên bố nước này không lên kế hoạch vượt mặt Mỹ, nếu nền kinh tế của họ trở thành lớn nhất thế giới, đó là vì dân số của họ lớn hơn nhiều, và họ muốn người dân có cuộc sống tốt hơn. Theo Economist, một số học giả và lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy ngột ngạt khi nước Mỹ dường như thách thức tham vọng của Trung Quốc nhằm đạt được sự giàu có đó.
Trung Quốc hiểu rằng để quốc gia trở nên lớn mạnh, của cải và sự giàu có là không đủ. Sự thất bại của nhà Thanh trước các nước châu Âu đã chứng minh điều đó và việc phát triển kinh tế phải đi đôi với xây dựng quân đội và sáng tạo công nghệ.
Một số hình thức cạnh tranh có thể diễn ra công bằng, những vẫn kết thúc với lợi ích chủ yếu thuộc về một phía. Đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, việc trở thành người tiên phong sẽ mang lại lợi thế lớn cho các quốc gia hoặc doanh nghiệp đi đầu, cho phép họ đặt ra các tiêu chuẩn mà những người tham gia sau không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuân theo.
10 năm trước, các công ty Mỹ dẫn đầu trong việc đưa vào hoạt động thế hệ mạng 4G, thiết lập tiêu chuẩn cho các thiết bị di động cầm tay và ứng dụng mới trên toàn thế giới. Sự thống trị đó giúp Apple, Google và các doanh nghiệp Mỹ khác tạo ra doanh thu hàng tỷ USD. Chính phủ Trung Quốc đã học được bài học này và đầu tư 180 tỷ USD để triển khai hệ thống mạng 5G trong 5 năm tới cho 3 nhà mạng nhà nước. Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, là nhân vật chính trong cuộc đua này và cũng trở thành mục tiêu kiểm soát gắt gao của giới chức Mỹ. Mặc dù Washington cố gắng kêu gọi và gây áp lực với các nước đồng minh để họ không sử dụng những sản phẩm Trung Quốc, Lầu Năm Góc nhận định hầu hết quốc gia trên thế giới nhiều khả năng sẽ vẫn sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei hoặc ZTE do sự hiệu quả trên giá thành sản phẩm vượt trội so với các sản phẩm của Mỹ hoặc châu Âu.
Những chính sách bảo hộ của Trung Quốc với các công ty công nghệ nước nhà cũng giúp họ nhanh chóng bắt kịp các công ty Mỹ. Vào năm 2009, 10 công ty công nghệ lớn nhất thế giới đều đến từ Mỹ, nhưng hiện tại, một vài cái tên trong số này là công ty Trung Quốc. Sự cạnh tranh giữa hai cường quốc trong lĩnh vực Internet cũng có thể dẫn tới cái được gọi là “splinternet”, tức là hai thế giới mạng song song, thứ gần như đã trở thành thực tế khi các trang web có thể truy cập được ở Trung Quốc đều phải trải qua một lớp kiểm duyệt gắt gao. Mới đây nhất, trang Wikipedia đã không còn có thể truy cập được ở Trung Quốc.
Bên cạnh Internet, hai cường quốc cũng cạnh tranh gắt gao trong các lĩnh vực khác như AI, xe điện, máy tính lượng tử… Mỹ hiện vẫn vượt trội trong việc sản xuất chip vi tính, hàng không vũ trụ, phần mềm và AI nhưng các quan chức nước này đặc biệt lo ngại với kế hoạch Made in China 2025 – tham vọng của Bắc Kinh nhằm giúp các công ty Trung Quốc đứng đầu trong những lĩnh vực này.
Không chỉ các công ty công nghệ, các lực lượng vũ trang Trung Quốc cũng đang bắt kịp rất nhanh với quân đội Mỹ. Bắc Kinh bắt đầu từ bỏ những vũ khí cũ kỹ từ thời Liên Xô, và phát triển máy bay chiến đấu và tàu chiến của riêng mình. Trung Quốc cũng phát triển tên lửa chống hạm và tăng cường đội tàu ngầm của mình, quân sự hóa trái phép các thực thể ở Biển Đông để xây dựng hệ thống radar và sân bay. Chủ tịch Tập thúc giục hải quân phát triển phương hướng tác chiến ngoài đại dương và cải cách triệt để lực lượng lục quân, xây dựng PLA theo hướng hiện đại và tăng cường khả năng di động.
Ông Karl Eikenberry, cựu trung tướng quân đội, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương của Đại học Stanford, cho biết: “Đang có cuộc tranh luận gay gắt trong quân đội Mỹ về cách ngăn những nỗ lực tăng tốc của PLA nhằm kiểm soát Biển Đông”.
Điều này chắc chắn là dẫn đến những thay đổi từ góc nhìn của Washington, Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) năm 2006 tuyên bố Mỹ cần “tìm cách khuyến khích Trung Quốc đưa ra lựa chọn chiến lược đúng đắn cho người dân của họ, trong khi chúng ta chống lại các khả năng khác”. NSS năm 2017 nhận định việc khuyến khích này gần như là thất bại và nhận định: “Trung Quốc tìm cách thay thế Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, mở rộng tầm với của mô hình kinh tế nhà nước và sắp xếp lại trật tự khu vực theo hướng có lợi cho họ”.
Theo Economist, nếu hỏi các chuyên gia Mỹ về khả năng cuộc cạnh tranh quyền lực lớn với Trung Quốc sẽ kết thúc như thế nào, giả thiết tốt nhất của họ đều rất giống nhau: đó là tương lai gần khi Trung Quốc cố gắng thái quá và vấp ngã. Họ tưởng tượng một Trung Quốc gặp khó khăn với tăng trưởng kinh tế chậm lại trong nước và phản ứng của cộng đồng quốc tế trước các hành động không được chào đón ở nước ngoài. Các chuyên gia Mỹ hy vọng rằng Trung Quốc có thể nhìn lại trật tự toàn cầu và tìm kiếm vai trò lãnh đạo, thay vì sắp xếp lại trật tự đó.
Các chuyên gia Trung Quốc, theo Economist, cũng có câu trả lời giống nhau khi được hỏi về tình huống tốt nhất có thể xảy ra với Bắc Kinh. Nói thẳng ra thì họ muốn nước Mỹ vượt qua được sự sợ hãi của chính mình. Một cách lịch sự hơn, các học giả Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ học cách khiêm nhường để chấp nhận vai trò bình đẳng của Trung Quốc, và đủ khôn ngoan để tránh kích động Trung Quốc ở sân sau châu Á.
Có vẻ như không ai dự đoán một tương lai mà cả hai bên đều cảm thấy mình là người chiến thắng. Cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đã kết thúc với thắng lợi của Mỹ, nhưng trong cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc, cả hai nước đều có thể thua cuộc.
Ông Evan Medeiros, cố vấn châu Á hàng đầu của Tổng thống Obama, lo ngại rằng Trung Quốc đang quá tập trung vào chính sách ngoại giao bất thường và mong muốn thu hẹp thâm hụt thương mại của ông Trump. Chuyên gia này cho rằng Trung Quốc đang thiếu đi sự am hiểu đầy đủ về thay đổi trong tâm trạng của nước Mỹ - đó là lòng tin với Bắc Kinh.
Cách đây không lâu, Mỹ và Trung Quốc đã xoa dịu các khủng hoảng bằng việc hứa hẹn mở rộng quan hệ thương mại. Ông David Dollar, nhà nghiên cứu của Viện Brookings, từng là đại diện của Bộ Tài chính Mỹ ở Bắc Kinh, kể lại Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói với phái đoàn Mỹ rằng: “quan hệ kinh tế là nền tảng trong mối quan hệ của chúng ta”. Cả hai bên vẫn còn điều kiện để phát triển thêm mối quan hệ này. Một số đồng minh phương tây của Mỹ, ví dụ như Đức, có quan hệ thương mại còn chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Trong số các điểm đến của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ, Trung Quốc chỉ đứng thứ 7.
Một khả năng khả mà hai bên có thể lựa chọn đó việc hợp tác đưa ra các sản phẩm có lợi cho toàn cầu, ví dụ như các chính sách chung chống biến đổi khí hậu. Ông Henry Paulson, cựu bộ trưởng tài chính Mỹ, kêu gọi hai nước đạt thỏa thuận về các dự án hữu hình mà công chúng có thể nhìn thấy, từ các kế hoạch môi trường cho đến các khoản đầu tư vào lĩnh vực xanh tạo ra việc làm mới. “Để xây dựng lòng tin, điều quan trọng là cần có một vài thành công”, ông Paulson nhận định.
Không có quy tắc cụ thể nào tồn tại cho cuộc cạnh tranh này giữa Mỹ và Trung Quốc. Lịch sử hiện đại chưa từng chứng kiến sự đối đầu giữa hai đối tác thương mại khổng lồ với ý thức hệ trái ngược. Làm thế nào để cuộc cạnh tranh trở nên an toàn và mang tính xây dựng sẽ rất khó khăn, nhưng hòa bình và thịnh vượng của thế kỷ này sẽ phụ thuộc vào điều đó.