Mỹ - Trung tăng cường liên lạc, thúc đẩy hợp tác đa lĩnh vực
Mỹ cam kết duy trì liên lạc với Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác trong ứng phó với các thách thức chung toàn cầu.
Mỹ và Trung Quốc có nhiều cam kết tăng cường liên lạc để thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như ứng phó với các thách thức chung toàn cầu. Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã gặp Thủ tướng và Phó Thủ tướng Trung Quốc cũng như Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc.
Ngày 29/8 Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Phó Thủ tướng Hà Lập Phong trong chuyến thăm diễn ra từ 27-30/8.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Lý Cường, Bộ trưởng Raimondo cam kết duy trì mở các kênh liên lạc nhằm thúc đẩy hợp tác trong ứng phó với các thách thức chung toàn cầu bao gồm biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Raimondo nhấn mạnh cam kết của Mỹ sẽ có các hành động cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm các công ty Mỹ được đối xử công bằng và minh bạch và tạo một sân chơi bình đẳng cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ. Bộ trưởng Raimondo cũng nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các hoạt động giao lưu nhân dân bao gồm du lịch, trao đổi văn hóa và giáo dục nhằm mở rộng quan hệ song phương Mỹ - Trung Quốc.
Cùng ngày, Bộ trưởng Raimondo đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Hà Lập Phong nhằm thảo luận các vấn đề thương mại ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế giữa hai nước. Bộ trưởng Raimondo nêu các vấn đề quan ngại đối với doanh nghiệp và người lao động Mỹ bao gồm một sân chơi bình đẳng cho họ, việc Trung Quốc trợ cấp cho ngành công nghiệp và các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ. Hai bên cũng thảo luận tầm quan trọng của việc tăng cường bảo vệ các bí mật thương mại cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc. Hai bên nhất trí rằng các chuyên gia của hai nước sẽ có các cuộc thảo luận kỹ thuật về vấn đề này. Ngoài ra, nội dung thảo luận cũng bao gồm biến đổi khí hậu, thương mại vũ trụ, trí thông minh nhân tạo và y tế.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ cũng có cuộc gặp với Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Trung Quốc Hồ Hòa Bình. Bộ trưởng Raimondo hoan nghênh quyết định của Trung Quốc trong việc nối lại các chuyến du lịch theo nhóm tới Mỹ, động thái sẽ giúp tạo việc làm và phát triển kinh tế ở cả hai nước đồng thời tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Hai bên cũng nhất trí tổ chức Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo du lịch Trung-Mỹ lần thứ 14 ở Trung Quốc vào nửa đầu năm 2024 nhằm khôi phục và phát triển hợp tác du lịch giữa hai nước.
Trước đó, hôm 29/8, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã có cuộc hội đàm được Bắc Kinh đánh giá là “lý tính, thẳng thắn và mang tính xây dựng” về quan hệ kinh tế thương mại song phương. Hai bên cũng tuyên bố thiết lập kênh mới để giải quyết các vấn đề thương mại cụ thể.
Trong một tuyên bố đưa ra vào đêm muộn ngày 28/8, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) cho biết, ông Vương Văn Đào đánh giá quan hệ kinh tế, thương mại là hòn đá tảng trong quan hệ Trung-Mỹ. Thương mại giữa hai nước rất quan trọng đối với nền kinh tế mỗi nước và thế giới. Ông khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng cùng với Washington tạo môi trường chính sách lành mạnh cho hợp tác kinh doanh giữa hai bên, cũng như thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương.
Ông cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về nhiều chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc như thuế quan Mục 301, chính sách bán dẫn, hạn chế đầu tư hai chiều, trợ cấp phân biệt đối xử và trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc, nhấn mạnh việc lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia không phù hợp với thương mại song phương. Ông kêu gọi Washington thực hiện tuyên bố về việc không tìm cách tách rời với Trung Quốc.
Đáng chú ý, hai bên tuyên bố thiết lập các kênh liên lạc mới giữa bộ thương mại hai nước, bao gồm thành lập một nhóm công tác gồm các quan chức và đại diện doanh nghiệp hai bên để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề thương mại cụ thể. Nhóm công tác sẽ tổ chức các cuộc họp cấp thứ trưởng hai lần một năm. Hai bộ trưởng cũng nhất trí liên lạc thường xuyên và gặp nhau ít nhất mỗi năm một lần. Ngoài ra, hai bên đã khởi động cơ chế trao đổi thông tin về kiểm soát xuất khẩu để giải thích về chế độ kiểm soát xuất khẩu của mỗi bên và cải thiện cơ chế thông tin liên lạc giữa hai nước.
Theo các chuyên gia, việc thiết lập cơ chế liên lạc mới cho thấy cả hai bên đang thực hiện các biện pháp cần thiết để tăng cường đàm phán giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế thương mại. Điều này giúp xoa dịu bầu không khí căng thẳng giữa hai nước. Dù cạnh tranh chiến lược khó đảo ngược trong thời gian ngắn, nhưng việc hai bên sẵn sàng đề xuất cơ chế đối thoại, ngay cả khi không có nội dung thực chất, vẫn là một dấu hiệu tích cực.