Mỹ - Trung và nguy cơ chiến tranh vốn
Cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm sôi động thị trường tài chính trong hai năm qua, và có nguy cơ trở thành một cuộc chiến toàn diện về đầu tư vốn.
Thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sớm trở thành hỗn chiến giữa USD và CNY, kênh CNBC dẫn lời tỷ phú Ray Dalio - người sáng lập quỹ đầu tư lớn nhất thế giới Bridgewater Associates tại buổi dạ hội thường niên của Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung ở New York cuối tuần qua.
"Có một cuộc chiến thương mại, một cuộc chiến công nghệ, một cuộc chiến địa - chính trị và có thể có cuộc chiến về vốn. Và việc hai nước tiến đến cuộc chiến về vốn như thế nào sẽ quyết định giao dịch trên thế giới", Dalio nói.
Theo Dalio, các quốc gia từng được hưởng quy chế tiền tệ dự trữ có xu hướng ưu tiên giáo dục, cơ sở hạ tầng và công nghệ không biết sẽ tiếp cận nguồn vốn này như thế nào một khi chiến tranh vốn đầu tư xảy ra.
Những lời cảnh báo của Dalio được đưa ra khi các nhà lập pháp Mỹ báo động khoản tiền hưu trí của Mỹ đang đổ vào Trung Quốc, và đang nỗ lực để ngăn chặn dòng quỹ này chảy đến Bắc Kinh. Nỗi lo ngại của các thượng nghị sĩ Mỹ lên đến đỉnh điểm đầu tuần rồi, khi Ủy ban Đầu tư tiết kiệm hưu trí Liên bang quyết định cho phép quỹ lương hưu cho nhân viên Chính phủ Mỹ đầu tư vào các công ty của Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio gọi quyết định của Ủy ban Đầu tư tiết kiệm hưu trí Liên bang là "vô ý thức", phụ họa cho những lo ngại rằng tiền của Mỹ đang hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp và quân đội Trung Quốc.
Tháng trước, trong một bài viết trên trang LinkedIn cá nhân, Ray Dalio dự báo, trong trường hợp nổ ra chiến tranh vốn và tiền tệ, Tổng thống Mỹ có thể đơn phương cắt đứt dòng vốn đổ sang Trung Quốc và đóng băng các khoản thanh toán nợ khác của Mỹ với Trung Quốc. Hơn nữa, chủ nhân Nhà Trắng có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn những dòng giao dịch tài chính ngoài nước Mỹ với Trung Quốc - theo hãng tin Bloomberg.
Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành cuộc chiến thương mại dai dẳng, trong đó hai bên đã áp thuế nhập khẩu trị giá nhiều chục tỷ USD lên hàng hóa của nhau. Tiến trình giải quyết tranh chấp vẫn còn nhiều trắc trở, với việc hai nước dường như không thể đưa ra một thỏa thuận đình chiến tạm thời mà Tổng thống Donald Trump gọi là "thỏa thuận giai đoạn 1" hồi đầu mùa thu vừa qua.
Theo Dalio, việc "cầm cự" thành công, ít nhất cho đến nay của Trung Quốc là kết quả của cái mà ông mô tả là một “thái độ văn hóa” đã tồn tại suốt nhiều thế kỷ. Nhưng Tổng thống Mỹ thì cho rằng: "Đó là do cách tiếp cận của họ. Một cách tiếp cận kiểu Khổng giáo".
"Điều đó có liên quan đến cách mà họ đang vận hành. Có những thứ khiến người Mỹ trở thành người Mỹ và có những thứ khiến người Trung Quốc trở thành người Trung Quốc. Chúng ta không thể kỳ vọng rằng chúng ta sẽ tạo ra người Trung Quốc giống như người Mỹ và áp đặt hệ thống của chúng ta nhiều hơn mong đợi của họ rằng người Mỹ nên được uốn nắn để giống như người Trung Quốc", Tổng thống Trump nói tiếp.