Mỹ trước nguy cơ mất nốt điểm tín nhiệm AAA cuối cùng
Rủi ro bị hạ điểm tín nhiệm sẽ khiến Chính phủ Mỹ phải trả lãi suất cao hơn khi đi vay, làm gia tăng gánh nặng nợ nần giữa lúc nước này đã gánh khối nợ công và thâm hụt ngân sách khổng lồ...
Mỹ vừa nhích thêm một bước tới chỗ để mất điểm tín nhiệm hoàn hảo AAA cuối cùng, khi tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service vào hôm thứ Sáu vừa rồi hạ triển vọng tín nhiệm của nước này xuống mức ‘tiêu cực’.
Động thái của Moody’s không đồng nghĩa là tổ chức này chắc chắn sẽ giảm điểm tín nhiệm của Washington, nhưng khả năng này tăng lên. Rủi ro bị hạ điểm tín nhiệm sẽ khiến Chính phủ Mỹ phải trả lãi suất cao hơn khi đi vay, làm gia tăng gánh nặng nợ nần giữa lúc nước này đã gánh khối nợ công và thâm hụt ngân sách khổng lồ. Đối với các nhà đầu tư Mỹ, danh mục của họ cũng gặp ảnh hưởng bất lợi vì họ cũng sẽ phải đi vay với lãi suất cao hơn. Những áp lực đó sẽ càng lớn hơn nếu Moody’s có động thái hạ điểm tín nhiệm của Mỹ.
Trong một tuyên bố, Moody’s cho biết sức mạnh tài khóa của Mỹ giảm sút, do sự phân cực chính trị ở Washington, là một nguyên nhân chính phía sau động thái giảm triển vọng tín nhiệm. “Trong bối cảnh lãi suất tăng, mà Chính phủ Mỹ không có biện pháp chính sách phù hợp để giảm chi tiêu hay tăng thu ngân sách, Moody’s cho rằng thâm hụt tài khóa của Mỹ sẽ duy trì ở mức rất lớn, làm suy giảm khả năng vay nợ với mức lãi suất vừa phải”, tuyên bố có đoạn viết.
Giới chức Mỹ đã lên tiếng phản bác động thái của Moody’s, nhấn mạnh tính thanh khoản cao của trái phiếu kho bạc Mỹ cùng với các yếu tố khác. “Chúng tôi không đồng tình với việc cắt giảm triển vọng xuống ‘tiêu cực’. Nền kinh tế Mỹ vẫn đang mạnh và trái phiếu kho bạc Mỹ là tài sản an toàn nổi trội và có tính thanh khoản hàng đầu thế giới”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nói trong một tuyên bố.
Moody’s hiện là tổ chức duy nhất trong số 3 tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn của thế giới còn dành cho Chính phủ Mỹ định hạng tín nhiệm cao nhất AAA, duy trì từ năm 1917 đến nay. Trong khi đó, Standard & Poor’s đã hạ điểm tín nhiệm của Mỹ lần đầu tiên vào năm 2011 sau một cuộc đối đầu căng thẳng về trần nợ giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tháng 8 năm nay, đến lượt Fitch Ratings giảm điểm tín nhiệm của Mỹ sau cuộc đụng độ về trần nợ lần gần đây nhất giữa hai chính đảng.
Trong tuyên bố giảm triển vọng tín nhiệm của Mỹ, Moody’s đề cập đến nhiều sự kiện gần đây phản ánh sự chia rẽ chính trị cao độ của nước này, bao gồm việc Chính phủ Mỹ suýt nữa vỡ nợ trong năm nay trước khi Quốc hội đạt thỏa thuận nâng trần nợ vào phút chót.
Ngoài ra, cái nhìn tiêu cực của Moody’s về tính chất bấp bênh về nợ nần của Washington còn đến từ vụ Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy bị cách chức - đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một Chủ tịch Hạ viện Mỹ mất ghế - và việc Hạ viện Mỹ suốt mấy tuần sau vẫn chưa có được một vị Chủ tịch mới. Đây là những sự kiện nghiêm trọng khi nói về khả năng thực thi trách nhiệm tài khóa, tránh một vụ đóng cửa Chính phủ mới lại sắp có thể xảy đến, và sự hợp tác giữa hai đảng để đạt một kế hoạch ngân sách hợp lý.
Nếu Quốc hội Mỹ không thông qua được một dự luật ngân sách tạm thời trước nửa đêm ngày thứ Sáu tuần tới, 17/11, Chính phủ nước này sẽ phải đóng cửa. Các cơ quan liên bang Mỹ hiện đã bắt đầu chuẩn bị cho một kịch bản như vậy, vì tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đến nay vẫn chưa vạch ra được một hướng đi cụ thể nào để tránh nguy cơ Chính phủ đóng cửa.
“Theo quan điểm của Mooyd’s, sự phân cực chính trị như vậy có thể sẽ tiếp diễn. Do vậy, việc xây dựng đồng thuận chính trị xung quanh một kế hoạch nhiều năm toàn diện và đáng tin cậy để ngăn chặn sự gia tăng và tiến tới cắt giảm thâm hụt ngân sách thông qua các biện pháp làm tăng thu ngân sách hoặc cải tổ chi tiêu sẽ là một việc cực kỳ khó khăn”, Moody’s nhận định.
Trái phiếu chính phủ Mỹ từ lâu vẫn được giới đầu tư xem là tài sản an toàn nhất thế giới, nhưng việc Fitch mới đây hạ điểm tín nhiệm Mỹ, cùng cảnh báo mà Moody’s vừa đưa ra, cho thấy tài sản này đã mất đi một phần sức hấp dẫn. Một động thái hạ điểm tín nhiệm nữa có thể khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, vì nhà đầu tư sẽ cho rằng việc cho Chính phủ Mỹ vay tiền sẽ gặp rủi ro cao hơn trước dẫn tới đòi hỏi mức lợi tức cao hơn.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, nhất là lợi suất của kỳ hạn 10 năm, có ảnh hưởng đến tất cả các loại nợ, từ lãi suất cho vay thế chấp nhà cho tới lãi suất trên các hợp đồng được ký kết trên toàn cầu.
Bước đi tiếp theo của Moody’s sẽ là rà soát kỹ lưỡng tình hình nợ Mỹ để xác định có hạ điểm tín nhiệm hay không. Việc rà soát này thường kéo dài trong khoảng từ 30-90 ngày.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/my-truoc-nguy-co-mat-not-diem-tin-nhiem-aaa-cuoi-cung.htm