Mỹ: Tuần hành đòi công lý cho người da màu chết do cảnh sát bạo hành
Người dân tuần hành trước khi bắt đầu phiên xét xử viên sĩ quan cảnh sát da trắng bị buộc tội giết người đàn ông da màu George Floyd tại thành phố Minneapolis, bang Mississipi, Mỹ ngày 7/3. Ảnh: AFP/TTXVN
* Hy Lạp: Biểu tình kích động bạo loạn ở ngoại ô thủ đô Athens
Ngày 7/3, hàng nghìn người dân TP Minneapolis, bang Mississipi của Mỹ, đã xuống đường tuần hành trước khi bắt đầu tiến trình xét xử viên sĩ quan cảnh sát da trắng bị buộc tội giết người đàn ông da màu George Floyd.
Những người tham gia tuần hành trong im lặng, giơ cao các biểu ngữ in những lời cuối cùng của Floyd "Tôi không thể thở được." Thỉnh thoảng họ hô khẩu hiệu "Không công lý, không hòa bình".
Tháng 5/2020, George Floyd, 46 tuổi, bị sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin ghì cổ trong gần 9 phút khiến ông này bị ngạt thở và tử vong. Cái chết của George Floyd đã dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ phản đối cảnh sát bạo hành người da màu và nạn phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp của nước này.
Làn sóng biểu tình sau đó đã lan ra ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là phong trào "Quyền sống cho người da màu" (Black Lives Matters). Cảnh sát Chauvin sau đó đã bị sa thải và đối mặt với hai tội danh giết người và ngộ sát.
Nhằm đảm bảo an toàn và ngăn chặn nguy cơ xảy ra bạo loạn, lực lượng an ninh đã được tăng cường tại khu vực tòa án. Hàng rào bêtông và thép gai đã được dựng lên.
Chính quyền địa phương cũng đã huy động hàng nghìn cảnh sát và vệ binh quốc gia để đảm bảo an ninh. Theo kế hoạch, trong ngày 8/3, diễn ra quy trình bầu bồi thẩm đoàn và phiên tranh tụng tại tòa sẽ bắt đầu từ ngày 29/3 tới. Tòa án sẽ không đưa ra bản án nào đến trước cuối tháng 4 tới.
* Cũng trong ngày 7/3, đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình quá khích tại quảng trường Nea Smyrni, ngoại ô phía Nam thủ đô Athens của Hy Lạp. Lực lượng an ninh đã buộc phải sử dụng hơi cay để giải tán khoảng 500 người quá khích tập trung tại quảng trường trên để gây rối và bắt giữ 11 người.
Trước đó, nhiều người dân đã vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại khu vực quảng trường Nea Smyrni, buộc chính quyền sở tại phải huy động lực lượng an ninh lớn tới để kiểm soát tình hình. Bất ngờ một nhóm khoảng 30 người đã tấn công cảnh sát, khiến hai nhân viên bị thương.
Đụng độ xảy ra khi một số đoạn video quay cảnh một sĩ quan cảnh sát bị cho là đã "xử lý mạnh tay" một người biểu tình quá khích được tung lên mạng.
Người phát ngôn chính phủ Aristotelia Peloni cho biết Hy Lạp đang nỗ lực hỗ trợ người dân vượt qua cuộc khủng hoảng y tế, đã gây ra những tổn thất chưa từng có. Tuy nhiên, một số phần tử quá khích đã lợi dụng tình hình khó khăn hiện nay để kích động bạo lực, làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn chính trị xã hội.
Hiện tình hình dịch bệnh tại Hy Lạp đang diễn biến hết sức phức tạp với số ca nhiễm mới ngày càng gia tăng.
Chỉ tính riêng ngày 7/3, Hy Lạp đã có 1.142 ca lây nhiễm mới, trong đó có 53 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 của quốc gia này lên 6.758 ca.