Mỹ tung 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược ra thị trường

Trong một quyết định mang tính lịch sử, hôm 31-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh tung ra thị trường 1 triệu thùng dầu/ngày từ kho dầu dự trữ chiến lược (SPR) trong 6 tháng tới để hạ nhiệt giá dầu trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine siết chặt nguồn cung dầu trên thị trường quốc tế.

Phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh kế hoạch xuất dầu dự trữ sẽ đặt nền tảng giúp nước Mỹ đạt được sự độc lập với các nhà cung cấp năng lượng nước ngoài. Đồng thời, ông cho biết các đồng minh có thể hưởng ứng bằng cách xuất 30-50 triệu thùng dầu dự trữ của riêng họ.

Ông đổ lỗi giá xăng tăng ở Mỹ là do Nga mở cuộc chiến ở ở Ukraine nhưng đồng thời cũng chỉ trích các công ty dầu khí Mỹ không tăng sản lượng. Ông kêu gọi Quốc hội buộc các công ty dầu khí thuê đất liên bang nhưng không sử dụng để khoan dầu phải đóng phí phạt.

Động thái trên của Mỹ đã ngay lập tức tác động đến thị trường với giá dầu Tây Texas (WTI) ở New York giảm 7%, về mức 100,28 đô la/thùng và giá dầu Brent ở London giảm 4,8%, lùi xuống mức 107,91 đô la/thùng vào cuối phiên giao dịch hôm qua.

“Đây là thị trường mà mỗi thùng dầu tăng thêm đều quý và đợt xuất dầu dự trữ của Mỹ lần này đưa ra thị trường một khối lượng dầu lớn trong thời gian dài”, John Kilduff, đối tác ở Công ty Again Capital, nói.

Một cơ sở dự trữ dầu chiến lược của Mỹ ở Feeport, bang Texas. Ảnh: Reuters

Xuất dầu dự trữ với khối lượng kỷ lục

Tổng cộng, lượng dầu dự trữ mà Mỹ đưa ra thị trường trong 6 tháng lên đến 180 triệu thùng, tương đương gần 1/3 tổng lượng dầu hiện có của SPR. Đây là lượng dầu kỷ lục được xuất ra thị trường trong lịch sử gần 50 năm tồn tại của SPR. Dù dầu dự trữ chiến lược của Mỹ đã được bán và trao đổi hơn 20 lần để giảm nhẹ tình trạng gián đoạn nguồn cung, giảm thâm hụt ngân sách và bù đắp cho các khoản chi tiêu liên bang nhưng chưa bao giờ được tung ra với quy mô lớn như vậy.

Theo dữ liệu của Bộ Năng lượng Mỹ, tính đến ngày 25-3, các kho của SPR còn 568,3 triệu thùng dầu, mức thấp nhất kể từ tháng 5-2002. Việc xuất 180 triệu thùng dầu sẽ khiến lượng dầu dự trữ chiến lược của Mỹ rơi về mức thấp nhất kể từ năm 1984.

Thông báo của Nhà Trắng hôm 31-3 nhấn mạnh: “Quy mô của đợt xuất dầu dự trữ này là chưa có tiền lệ. Thế giới chưa bao giờ xuất dầu dự trữ ở mức 1 triệu thùng/ngày trong thời gian dài như vậy. Đợt xuất dầu kỷ lục này sẽ tạo ra một lượng cung lịch sử nhằm làm lấp khoảng trống nguồn cung cho đến cuối năm khi hoạt động sản xuất dầu trong nước tăng lên”.

Nhà Trắng cũng kêu gọi các nhà sản xuất dầu trong nước tăng sản lượng và cảnh báo sẽ trừng phạt những nhà sản xuất không sử dụng giấy phép khoan dầu của họ trên các khu đất liên bang.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết: “Hôm nay, Tổng thống Biden kêu gọi Quốc hội phải buộc các công ty trả phí phạt cho những giếng dầu mà họ thuê nhưng không sử dụng trong nhiều năm và những khu đất liên bang mà họ đã gom trữ nhưng không sản xuất dầu”.

Theo thông báo, các công ty đang sản xuất dầu từ các khu đất thuê của họ và các giếng dầu hiện tại sẽ không phải trả các mức phí cao. Nhưng những công ty tiếp tục nắm giữ các khu đất liên bang mà không sản xuất dầu sẽ phải lựa chọn hoặc là bắt đầu sản xuất dầu hoặc là phải trả một khoản phí cho mỗi giếng dầu và mỗi mẫu đất không sử dụng.

Một nguồn thạo tin cho biết sau khi tung dầu dự trữ, chính phủ Mỹ sẽ tìm cách bổ sung lại cho các kho dầu của SPR ở mức giá 80 đô la/thùng.

“Thật khó để đánh giá thấp quy mô của lần can thiệp này”, Công ty tư vấn ClearView Energy Partners nhận định và lưu ý lượng dầu dự trữ của Mỹ tung ra thị trường trong thời gian tới cao gấp 3,6 lần con số 50 triệu thùng dầu dự trữ mà Mỹ bán ra thị trường hồi tháng 11 năm ngoái.

Giá xăng ở Mỹ tăng vọt lên mức cao kỷ lục sau khi Nga phát động tấn công quân sự ở Ukraine, làm dấy lên các mối lo ngại về nguồn cung dầu thô và đốt nóng lạm phát khắp toàn cầu.

Giá xăng cao gây áp lực chính trị đối với ông Biden và đảng Dân chủ của ông khi trong bối cảnh họ đang tìm cách duy trì quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, hai lần tung dầu dự trữ của Mỹ trong sáu tháng qua, 50 triệu thùng vào tháng 11-2021 và 30 triệu thùng khác vào tháng 3-2022 đã không thể giúp hạ nhiệt giá dầu khi nhu cầu thế giới gần như đạt đến mức trước đại dịch trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt trên toàn cầu.

Trong một diễn biến, tại cuộc họp trực tuyến hôm 31-3, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga (còn gọi là nhóm OPEC+) quyết định chỉ tăng sản lượng ở mức khiêm tốn, 432.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 5.

Giải thích cho quyết định này, OPEC cho biết: “Cần lưu ý rằng các yếu tố cơ bản của thị trường dầu và sự đồng thuận về triển vọng nhu cầu chỉ ra rằng thị trường đang cân bằng tốt. Sự biến động giá dầu hiện nay không phải do các yếu tố cơ bản mà là do các diễn tiến địa chính trị”.

Không giúp giải quyết vấn đề thâm hụt nguồn cung

Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới và đòn trừng phạt chưa có tiền lệ của phương Tây đã làm gián đoạn dòng chảy dầu từ nước này. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo các biện pháp trừng phạt của phương Tây và việc nhiều nước không muốn mua dầu của Nga có thể khiến thế giới bị ngắt kết nối với khoảng 3 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga bắt đầu từ tháng 4. Điều này có nghĩa là lượng dầu dự trữ của Mỹ tung ra thị trường mỗi ngày chỉ giúp bù đắp khoảng 1/3 lượng dầu bị chặn đứng của Nga.

Các nhà chiến lược của Ngân hàng ING nhận định: “Một triệu thùng dầu dự trữ của Mỹ không đủ để bù đắp nguồn cung mất mát từ Nga, vậy nên, sẽ không đẩy giá dầu xuống mức thấp đáng kể”.

Trong một báo cáo nghiên cứu gửi khách hàng hôm 31-3, các nhà phân tích thị trường hàng hóa của Ngân hàng Goldman Sachs nhận định dầu dự trữ của Mỹ sẽ giúp thị trường dầu tái cân bằng trong năm 2022 nhưng sẽ không giải quyết được câu chuyện thâm hụt nguồn cung mang tính cấu trúc.

Họ ghi nhận việc bán và trao đổi dầu dự trữ từ SPR là cơ chế tái cân bằng thị trường dầu duy nhất hiện có sẵn trong một thế giới không có vùng đệm tồn kho và độ co giãn của nguồn cung.

Tuy nhiên, họ lưu ý: “Dầu dự trữ của Mỹ vẫn không phải là một nguồn cung bền vững trong những năm tới. Việc xuất dầu dự trữ vì vậy không giúp giải quyết vấn đề thâm hụt mang tính cấu trúc đã hình thành trong nhiều năm”.

Họ cho rằng giá dầu thấp hơn trong những tháng còn lại của 2022 sẽ hỗ trợ nhu cầu nhưng lại kìm hãm hoạt động sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong năm 2023 và nhu cầu bổ sung dầu dự trữ của Mỹ.

Andy Lipow, Chủ tịch Công ty tư vấn Lipow Oil Associates, dự báo động thái xuất dầu dự trữ có thể giúp giá xăng ở Mỹ giảm 5-10 cent mỗi gallon (3,78 lít) trong ngắn hạn nhưng khó có thể tác động dài hạn lên giá dầu.

Trao đổi với CNBC, Ed Bell, giám đốc cấp cao ở bộ phận kinh tế thị trường của Ngân hàng Emirates NBD (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) cho biết dù quy mô kỷ lục của đợt xuất dầu dự trữ của Mỹ, rủi ro giá dầu giảm mạnh ngay sau đó có thể không xảy ra.

Ông nói: “Các thị trường vẫn sẽ tập trung vào câu chuyện nguồn cung phía trước, bao gồm việc chúng ta tiếp tục chứng kiến nguồn cung thiếu hụt từ Nga, sự gia tăng sản lượng dần dần từ OPEC+ và sự thiếu phản ứng của các nhà sản xuất dầu ở Mỹ trước mức giá dầu cao”.

Ông lưu ý nếu thị trường dầu vẫn thâm hụt nguồn cung một cách có hệ thống trong dài hạn, việc “xả” dầu từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ có thể giúp tạo ra nền tảng cho đà tăng giá dầu trong 12-24 tháng tới.

Theo Financial Times, CNBC, Bloomberg

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/my-tung-180-trieu-thung-dau-tu-kho-du-tru-chien-luoc-ra-thi-truong/