Mỹ từng triển khai máy bay do thám U-2 từ tàu sân bay
Chỉ có một số ít các phi công cực kỳ giỏi của CIA mới được lựa chọn cho nhiệm vụ của U-2 trên tàu sân bay và họ cũng phải trải qua nhiều cuộc thử nghiệm và huấn luyện với Hải quân Mỹ.
Ngày 1/5/1960, Liên Xô bắn rơi chiếc máy bay do thám U-2 của CIA và bắt sống phi công Francis Gary Powers. Đây là một cuộc khủng hoảng quốc tế đối với các cơ quan tình báo của Mỹ.
Cuộc gặp thượng đỉnh được lên kế hoạch giữa Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower và Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev bị đổ bể, chủ yếu là do Eisenhower cảm thấy “bẽ mặt” và vì sự giận dữ của người Pakistan, nơi mà chiếc máy bay U-2 được triển khai để do thám Liên Xô.
U-2 là máy bay động cơ phản lực có chiều dài hơn 19 mét, khả năng bay ở độ cao 21.000 mét. Chuyến bay đầu tiên của U-2 diễn ra vào tháng 8/1955 và tới nay loại máy bay này vẫn được Không quân Mỹ sử dụng.
Tuy nhiên, sau vụ U-2 bị Liên Xô bắn rơi, việc triển khai loại máy bay do thám này ở nước ngoài trở thành một vấn đề lớn. Sự hiện diện đơn thuần của những chiếc máy bay này [ở nước ngoài] có thể ảnh hưởng tới các nỗ lực ngoại giao.
Một trong số các giải pháp được đưa ra là đặt những chiếc U-2 (biệt danh là Dragon Lady) trên tàu sân bay. Một chiếc tàu sân bay của Hải quân là lãnh thổ có chủ quyền rộng 4 acre (1 acre =0,4 hecta) của Mỹ ở bất cứ đâu trên thế giới mà nó tới được.
Trên thực tế, ý tưởng triển khai máy bay do thám U-2 từ tàu sân bay đã có từ tháng 5/1957. Tuy nhiên, do việc phát triển và vận hành U-2 là nỗ lực chung giữa CIA và Không quân Mỹ, cùng với việc triển khai U-2 ở các căn cứ trên mặt đất không gặp phải bất cứ vấn đề nào nên ý tưởng này đã không được dùng.
Phải 3 năm sau vụ U-2 bị Liên Xô bắn rơi, ý tưởng triển khai chiếc máy bay do thám trên tàu sân bay này này mới hồi sinh. Trong khoảng thời gian đó, những chiếc U-2 vẫn luôn “bận rộn” với các nhiệm vụ do thám Liên Xô, Trung Quốc và Cuba.
Ngày 25/5/1963, Trung tướng Marshall Carter, Phó Giám đốc CIA, nhận được bản ghi nhớ mà ông đã yêu cầu từ trợ lý James Cunningham về một chương trình vỏ bọc liên quan đến kế hoạch triển khai U-2 trên tàu sân bay.
Dù ý tưởng triển khai U-2 trên tàu sân bay giúp Mỹ tránh được những phiền phức với nước ngoài, trong khi có thể thực hiện nhiệm vụ bí mật vào thời điểm cần thiết, thì các thách thức phát sinh lại là vấn đề lớn.
Thứ nhất, liệu có thực sự khả thi để chiếc máy bay có sải cánh rộng như U-2 có thể cất cánh và hạ cánh trên một đường băng hạn chế và có thể chao đảo vì gió lớn hay không?
Thứ hai, chiếc máy bay cỡ lớn này có thể tích hợp với các nhiệm vụ hiện tại của Hải quân như thế nào.
Thứ ba, liệu chiếc máy bay bí mật và các nhiệm vụ của nó có được đảm bảo an toàn với những thủy thủ vốn đã luôn bận rộn trên tàu sân bay hay không?
Để giải quyết vấn đề đầu tiên, Trung tướng Carter đã tìm tới người thiết kế chiếc U-2. Clarence “Kelly” Johnson đã đảm bảo với Carter rằng, chiếc máy bay có thể được chỉnh sửa tương đối dễ dàng và chi phí thấp để có thể hoạt động trên tàu sân bay.
Việc U-2 cất cánh từ tàu sân bay có vẻ như không phải là rào cản cơ bản đối với các phi công dày dặn kinh nghiệm. Tàu sân bay cũng có thể điều chỉnh linh động với các đặc tính bay của U-2. Dù vậy, vẫn chỉ có một số ít các phi công cực kỳ giỏi của CIA mới được lựa chọn cho nhiệm vụ trên tàu sân bay và họ cũng phải trải qua nhiều cuộc thử nghiệm và huấn luyện với Hải quân Mỹ.
Dự án Cá voi
Lockheed, hãng chế tạo U-2, đã có sẵn một số giải pháp để đối phó với chiếc máy bay lớn trên tàu. Một giàn trượt đặc biệt được sử dụng để di chuyển chiếc U-2. Chiếc máy bay được giữ cố định trên sàn tàu bằng dây cáp đặc biệt. Với sải cánh 31 mét của U-2 thì những công cụ này là vô cùng cần thiết. Trên tàu sân bay còn có những phòng riêng biệt để các nhân viên CIA xử lý hình ảnh mà chiếc máy bay thu thập được trong các nhiệm vụ do thám.
Chương trình thử nghiệm có tên gọi vỏ bọc là Dự án Cá voi (Whale Tale), 2 chiếc máy bay được chọn cho dự án này có bí danh ONR.
Vào buổi sáng ngày 2/8/1963 tàu sân bay USS Kitty Hawk rời cảng San Diego để thực hiện cuộc thử nghiệm đầu tiên với U-2. Chiếc máy bay được đưa lên tàu vào lúc nửa đêm và những người liên quan tới nhiệm vụ này được gọi là “nhân viên Lockheed” hoặc “nhân viên ONR”.
“Chi tiết của chương trình này và cuộc thử nghiệm ngày hôm nay là bí mật. Vì thế, không ai được thảo luận hay tiết lộ về cuộc thử nghiệm này với những người không được phép, tức là bất cứ ai không có trên tàu ngày hôm nay”, Thuyền trưởng Horace Epes thông báo.
Phi công thử nghiệm của Lockheed, Bob Schumacher đã điều khiển chiếc máy bay chạy đà và trượt khỏi boong tàu bằng thao tác leo dốc với độ cao hơn 97 mét – cú leo dốc khá ấn tượng với các thủy thủ bên dưới.
Việc hạ cánh lại là một thách thức lớn hơn. Phi công Schumacher cảm thấy đây là nhiệm vụ gần như bất khả thi, và sau đó đã quyết định đưa chiếc U-2 hạ cánh ở sân bay Burbank của Lockheed cách đó 160km.
Nhưng có một điều đã được chứng minh: Dragon Lady có thể được triển khai từ tàu sân bay.
Các cuộc huấn luyện trên tàu sân bay tiếp tục diễn ra ở căn cứ Pensacola và Monterey của Hải quân. Các phi công của CIA vốn đã rất xuất sắc, giờ đây lại được huấn luyện với những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với bất cứ phi công hàng đầu nào. Việc huấn luyện chỉ đặc biệt tập trung vào khả năng vận hành trên tàu sân bay. Đến tháng 2/1964, có 2 nhóm phi công đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ. Tàu sân bay USS Ranger được triển khai ngoài khơi Nam California, mở đầu cho các cuộc cất cánh và hạ cánh của U-2.
3 chiếc U-2G đã được điều chỉnh thiết kế được sử dụng để thử nghiệm. Tàu Ranger cũng đã thayđổi một số chi tiết cho phù hợp với khả năng vận hành chiếc Dragon Lady.
Chiến dịch Ưng biển
Trong cuộc thử nghiệm hạ cánh đầu tiên, mọi thứ đều diễn ra như dự kiến, nhưng khi phần đuôi bị vướng vào dây điện, chiếc máy bay bị bật lên và chúi mũi xuống, dẫn đến một số hư hỏng nhỏ, nhưng sau đó chiếc máy bay đã được sửa chữa ngay trên tàu. Các cuộc thử nghiệm tiếp sau đó cho thấy U-2 đã sẵn sàng hoạt động trên biển.
Dù vậy, những chiếc U-2G chỉ được triển khai 1 lần và cũng không phải là nhằm vào kẻ thù.
Sau khi Algeria giành độc lập khỏi Pháp, nước vẫn này cho phép Pháp tiếp tục các cuộc thử nghiệm hạt nhân trên lãnh thổ của mình cho đến khi cuộc thử nghiệm Gerboise Vert năm 1963 làm rò rỉ phóng xạ ra sa mạc. Pháp buộc phải tìm một địa điểm mới và đã chọn “theo chân” Mỹ, tìm một nơi nào đó giữa Thái Bình Dương rộng lớn. Pháp đã chọn đảo san hô Polynesia của Mururoa để thử nghiệm.
Lầu Năm Góc khi đó rất quan tâm tới việc do thám chương trình hạt nhân độc lập của Pháp.
Tháng 5/1964, sau khi nhận được thông tin tình báo cho thấy cuộc thử nghiệm của Pháp sắp diễn ra, tàu sân bay USS Ranger của Mỹ tới Thái Bình Dương cùng một đơn vị CIA cho Chiến dịch Ưng biển (Fish Hawk). Những chiếc U-2G từ California và Hawaii sau đó bí mật hạ cánh trên tàu.
Thời tiết rất thuận lợi – trời quang, gió nhẹ - khi tàu Ranger di chuyển tới vị trí cách Mururoa 1.287km và triển khai 2 chuyến bay trinh sát trong 3 ngày.
Sau khâu xử lý sơ bộ, các đặc vụ nhanh chóng chuyển hình ảnh tới Rochester, New York, nơi các kỹ thuật viên của Eastman Kodak, dưới sự giám sát của CIA, bắt đầu làm việc với các hình ảnh thu được. Pháp khi đó không hề hay biết về cuộc trinh sát của Mỹ.
Đến giai đoạn 1970, CIA đặt những chiếc U-2R lớn hơn ở chế độ chờ cho các nhiệm vụ trên tàu sân bay.
“Từ 1973 đến 1974, hai chiếc U-2R được nâng cấp hệ thống radar và hệ thống phát hiện tia hồng ngoại để sử dụng trong các nhiệm vụ trinh sát trên biển”, Jeff Scott viết trên Aerospecweb.org.
Sau này còn có các phiên phản U-2EPX có khả năng truyền dữ liệu radar xuống bộ cảm biến trên mặt tàu để kết hợp với các thông tin từ cảm biến trên không và trên bộ. Tuy nhiên, dự án lại quá tốn kém và không cần thiết với sự phát triển của vệ tinh.
Những chiếc máy bay do thám có người lái cồng kềnh U-2 không còn thực hiện nhiệm vụ đi biển nữa, mà thay thế nó là UAV MQ-4C Triton. Với khả năng hoạt động trong thời gian dài, Triton không cần tới một sân bay di động trên biển./.