Mỹ tuyên bố sắp loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 vì thỏa thuận với Nga
Lầu Năm Góc mới đây tuyên bố rằng họ sẽ hủy hợp đồng bán mẫu tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu như chính quyền Ankara tiếp tục mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Quyền Bộ trưởng quốc phòng Patrick Shanahan đã gửi một bức thư thông báo cho phía Thổ Nhĩ Kỳ rằng rất cả các khóa huấn luyện phi công của Thổ sẽ chấm dứt vào ngày 31/7 tới. Và tất cả nhân sự phía Thổ có liên quan tới chương trình F-35 cần phải rời khỏi lãnh thổ Mỹ trước cuối tháng đó. Bức thư của ông Shanahan cũng tuyên bố thẳng thắn rằng, "không có khóa huấn luyện F-35 mới" nào hết. Được biết, có khoảng 34 nhân sự phía Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến tham gia khóa huấn luyện bay F-35 trong cuối năm nay.
"Khóa huấn luyện này sẽ không được tổ chức nữa bởi chúng tôi tạm thời loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35; họ sẽ không cần phải phải thành thạo trong việc điều khiển mẫu máy bay này nữa" - một biên bản gắn kèm bức thư thông báo có tiêu đề "Ngừng sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình F-35" có đoạn.
Trong bức thư này, ông Shanahan cũng cảnh báo Ankara rằng thỏa thuận của họ với Moscow có rủi ro làm phương hại quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO, tổn hại tới nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra sự phụ thuộc quá độ vào nước Nga. "Các bạn vẫn còn lựa chọn thay đổi thương vụ S-400" - ông Shanahan viết.
Hai nước đồng minh NATO trong suốt nhiều tháng qua đã thể hiện sự bất đồng công khai liên quan tới việc Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua hệ thống phòng không S-400 của Nga - hệ thống mà Washington cho rằng là mối đe dọa đối với các chiến đấu cơ tàng hình F-35 do hãng Lockheed Martin chế tạo. Thổ Nhĩ Kỳ cùng lúc cũng có thương vụ mua F-35 của Mỹ.
Mỹ từng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể có cả 2 thứ vũ khí trên, nhưng cố gắng tránh việc ngừng khóa huấn luyện được lên kế hoạch từ trước đối với các phi công Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình F-35 - một đòn đáp trả có thể bị coi là sự hổ thẹn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Động thái của Mỹ được đưa ra ngay sau khi mà Tập đoạn nhà nước Rostec của Nga tuyên bố rằng Moscow sẽ bắt đầu chuyển giao các hệ thống phòng không S-400 tới Thổ Nhĩ Kỳ. "Mọi thứ đang diễn ra đúng kế hoạch. Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ bắt đầu chuyển giao trong khoảng 2 tháng tới" - ông Sergei Chemezov nói với kênh NTV - "Khoản tiền đặt cọc đã được chuyển, công nghệ đã được sản xuất. Và chúng tôi đã hoàn thành khóa huấn luyện cho tất cả nhân sự quân sự".
Hệ thống phòng không S-400 sẽ được bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 2 tháng tới (Ảnh: Sputnik)
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35, đó sẽ là một trong những rạn nứt lớn nhất trong lịch sử mối quan hệ giữa họ và đồng minh Mỹ - giới chuyên gia nhận định. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ hiện chưa đưa ra bình luận gì về bức thư mà Lầu Năm Góc gửi.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm thứ Ba trong tuần nói rằng, việc nước này rút khỏi thỏa thuận với Moscow là điều "không thể xảy ra". Ông Erdogan còn nói rằng Mỹ đã không thể "trao cho chúng tôi đề nghị tốt như S-400".
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã trượt giá 1,5% trong hôm 7/6 trước khi phục hồi lại đôi chút sau đó. Đồng tiền này đã giảm gần 10% giá trị so với đồng USD trong năm nay, một phần do mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai nước và khả năng Mỹ áp trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này tiếp nhận S-400 từ Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số những đối tác chủ chốt trong chương trình F-35 của Mỹ khi đề xuất mua tới hơn 100 chiến đấu cơ loại này - có tổng giá trị gần 9 tỷ USD, theo thời giá hiện nay.
Các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất khoảng 937 bộ phận khác nhau cấu thành F-35, phần lớn là thiết bị cho bộ phận hạ cánh và phần thân trung tâm của máy bay - theo Lầu Năm Góc. Mỹ hiện đang có kế hoạch dời chuỗi sản xuất này sang nước khác, chấm dứt vai trò chế tạo thiết bị của Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm tới. Lầu Năm Góc tin rằng họ có thể giảm tối thiểu sự ảnh hưởng tới chương trình F-35 nếu như Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ tiến độ của Mỹ.
Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35, điều này sẽ gây ra tầm ảnh hưởng rộng lớn. Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Thổ vốn đã vượt qua thương vụ F-35 này, trong đó hai nước áp dụng chiến lược mâu thuẫn nhau trong vấn đề Syria, các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran hay căng thẳng vụ nhân viên lãnh sự quán Mỹ bị bắt giam ở Thổ Nhĩ Kỳ.