Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc vẫn chưa thể thu được thành công khi cố gắng sở hữu một trong những công nghệ quốc phòng chính - sản xuất động cơ máy bay chất lượng cao.
Tờ EurAsian Times của Ấn Độ cho biết, cách đây 5 năm, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tiếp quản công ty chế tạo động cơ hàng không Motor Sich của Ukraine, họ đã gần như đạt được toan tính khi nắm giữ cổ phần chi phối.
Tuy nhiên ngay trước khi Bắc Kinh chính thức tiếp quản Motor Sich, Washington đã ra tay can thiệp khi yêu cầu Ukraine hủy bỏ thương vụ trên, bởi lo ngại nhiều bí mật liên quan đến quốc phòng sẽ lọt vào tay Trung Quốc.
Trước yêu cầu từ phía Mỹ, Ukraine đã từng bước nhượng bộ rồi đi tới quyết định quốc hữu hóa Motor Sich, họ chấp nhận đền bù cho các nhà đầu tư để làm thỏa mãn yêu cầu từ phía Washington.
"Giọt nước tràn ly" chính là việc Tổng thống Ukraine - ông Zelensky ký quyết định trừng phạt và hạn chế đối với một loạt công ty cùng với cá nhân Trung Quốc tham gia vào thương vụ mua lại Motor Sich, đánh dấu chấm hết cho tham vọng của Bắc Kinh.
EurAsian Times giải thích thêm, Trung Quốc hiện đã chế tạo hàng loạt máy bay chiến đấu tàng hình Chengdu J-20 thuộc thế hệ thứ 5, đây là một trong những chiếc tiêm kích tiên tiến nhất thế giới, là đối thủ nặng ký với Su-57 của Nga hay F-22 do Mỹ sản xuất.
Tuy nhiên những chiếc chiến đấu cơ này hiện chưa bay bằng động cơ nội địa mà sử dụng động cơ AL-31F được sản xuất tại Nga với các ưu điểm về lực đẩy, độ tin cậy cũng như sự thân thuộc trong công tác bảo dưỡng.
Tổ hợp công nghiệp - quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn chưa thể tạo ra động cơ cần thiết, vì vậy Bắc Kinh trông cậy rất nhiều vào công ty Motor Sich, một trong 5 nhà sản xuất động cơ hàng đầu thế giới.
Motor Sich sản xuất hàng chục loại động cơ khác nhau, lắp trên trực thăng Mi-2, Mi-8/17, Mi-24, Mi-26, Mi-28, Ka-27/32, Ka-52; vận tải cơ An-26 , An-72, An-74, An-124 Ruslan và An-225 Mriya; cũng như trên máy bay không người lái và tên lửa.
Danh sách trên còn kéo dài, nhưng ngay cả với thống kê nói trên cũng đủ cho thấy rõ tầm quan trọng chiến lược của doanh nghiệp sản xuất động cơ Ukraine đối với Trung Quốc.
Việc mua lại công ty này còn trở nên quan trọng gấp bội, bởi vì Moskva - nơi cung cấp các động cơ máy bay chiến đấu cho Bắc Kinh nhất quyết từ chối bán đi những công nghệ cần thiết.
Trước thực tế trên, Trung Quốc đã rất cố gắng nhưng động cơ nội địa của họ mặc dù đạt được lực đẩy cần thiết nhưng độ bền vẫn chưa đạt yêu cầu.
Người Mỹ không che giấu rằng họ đang làm mọi cách để phía Trung Quốc không thể thu hẹp khoảng cách công nghệ và tự sản xuất động cơ chất lượng cao. Do đó, họ đã chặn thương vụ Motor Sich bằng mọi giá.
Trong tương lai, Trung Quốc sẽ cố gắng thay thế động cơ của Nga trên máy bay chiến đấu J-20 bằng loại WS-10C - một phiên bản cải tiến từ động cơ AL-31F và trong tương lai sẽ tiến lên sử dụng động cơ WS-15.
Các chuyên gia Trung Quốc tự tin rằng WS-10C không hề thua kém về đặc điểm so với AL-31F của Nga. Nhưng trong giai đoạn trước mắt, tiêm kích J-20 vẫn là "con tin" của Mỹ và Nga, tờ báo Ấn Độ tóm tắt.
Việt Dũng