Mỹ và châu Âu tìm kiếm giải pháp cho tình hình tại Syria

Ngày 9/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhất trí với những người đồng cấp châu Âu về nhu cầu thúc đẩy sự ổn định ở Syria trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo có hành động quân sự chống lại lực lượng người Kurd ở nước này.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Cuộc gặp diễn ra tại Rome (Italy), nơi ông Blinken đang hoàn thành chuyến công du ngoại giao cuối cùng với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, trước khi Tổng thống Joe Biden chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Donald Trump vào cuối tháng này.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết các cường quốc phương Tây đang tìm kiếm một “nhà nước Syria ổn định và thống nhất” sau khi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cũng nhấn mạnh giới chức đang kêu gọi "tất cả các phe nhóm ở Syria tôn trọng nhân quyền, tuân thủ luật nhân đạo quốc tế" và đảm bảo Syria không gây ra mối đe dọa cho các nước láng giềng hoặc trở thành căn cứ cho các nhóm khủng bố.

Mối quan ngại đã trở nên sâu sắc hơn khi các phe phái do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền Bắc Syria đã tiến hành cuộc giao tranh với Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - nhóm vũ trang được cho là có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị chính quyển Ankara đặt ngoài vòng pháp luật. Các cuộc giao tranh đã diễn ra tại khu vực Manbij, phía Bắc Syria và khiến 37 người thiệt mạng.

Trước đó, Ngoại trưởng Blinken đã thừa nhận "mối quan ngại chính đáng" của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đề xuất SDF nên được hợp nhất vào quân đội quốc gia Syria được cải tổ, mặc dù ông nhấn mạnh rằng quá trình này sẽ mất thời gian và sẽ có những nỗ lực để ngăn chặn xung đột thêm trong thời gian chờ đợi.

Bên cạnh đó, các nhà ngoại giao từ các nước châu Âu cũng sẽ tham gia cuộc họp về việc có nên nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Syria hay không. Ngoại trưởng Italy Tajani cho rằng tình hình chính trị đã thay đổi và một số lệnh trừng phạt có thể được dỡ bỏ, trong khi người đồng cấp Pháp Jean-Noel Barrot lưu ý rằng một số lệnh trừng phạt nhất định có thể được nới lỏng nhanh chóng. Về phần mình, Mỹ tuyên bố sẽ nới lỏng các hạn chế ảnh hưởng đến các dịch vụ thiết yếu nhưng sẽ chờ đánh giá tiến độ trước khi nới lỏng rộng rãi hơn.

Mặc dù các cường quốc phương Tây phần lớn đồng thuận về vấn đề Syria, nhưng vẫn còn một số khác biệt. Ông Blinken kêu gọi các nước châu Âu hồi hương công dân bị giam giữ trong các trại tị nạn do lực lượng người Kurd quản lý tại Syria, song yêu cầu này đã vấp phải sự phản đối từ Pháp và Anh vì lo ngại về an ninh trong nước.

Các cuộc họp tại Rome diễn ra sau các chuyến thăm gần đây của các Ngoại trưởng Pháp và Đức tới thủ đô Damascus, nơi họ gặp nhà lãnh đạo chính quyền lâm thời ở Syria, ông Ahmed al-Sharaa, nhằm khuyến khích quá trình chuyển đổi chính trị toàn diện. Trong khi đó, Italy dự kiến sẽ công bố gói viện trợ phát triển ban đầu cho Syria.

Linh Tô (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-va-chau-au-tim-kiem-giai-phap-cho-tinh-hinh-tai-syria-20250110155738699.htm