Mỹ và đồng minh sẽ gia tăng áp lực lên Nga sau sáp nhập 4 vùng của Ukraine
Trước ý định của Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã hoàn tất kế hoạch phản ứng bằng các biện pháp gia tăng đáng kể áp lực về quân sự, ngoại giao và kinh tế lên Nga.
Các lệnh trừng phạt mới sẽ được công bố nhằm vào các thực thể bên trong Nga và những đối tượng bên ngoài có đóng góp vào nỗ lực chiến tranh của Nga, theo các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu. Các cam kết dài hạn được đưa ra để bảo đảm dòng chảy liên tục vũ khí phương Tây vào Ukraine.
Trong khi đó, các nước đang đứng bên lề đang bị lôi kéo hoặc gây sức ép phải hình thành thái độ chống lại Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 29/9 lặp lại quan điểm “Mỹ không và sẽ không bao giờ công nhận tính hợp pháp hay kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý hay nỗ lực của Nga sáp nhập lãnh thổ của Ukraine”.
Trong 10 ngày qua, kể từ khi Nga tổ chức trưng cầu dân ý nhanh chóng ở các lãnh thổ Ukraine do quân đội Nga kiểm soát một phần, các chính phủ phương Tây đồng minh đã cố gắng hành động để theo kịp tốc độ của Moscow.
Tại trụ sở Liên Hợp Quốc vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Biden viết lại các phần trong diễn văn của ông dùng để đọc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào phút chót nhằm nhấn mạnh vào các cuộc trưng cầu dân ý và khả năng Nga dùng vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Biden tuyên bố, không có gì bí mật khi Mỹ “quyết tâm bảo vệ và củng cố nền dân chủ”.
Tổng thống Biden còn cho hay, ông ủng hộ các nỗ lực mở rộng cơ cấu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, để có thêm sự tham gia của các quốc gia ở Bán cầu Nam.
Các đồng minh phương Tây của Mỹ đang theo dõi sát sao phản ứng của các nước như UAE, Gabon và Ấn Độ - những nước đã tránh chỉ trích hoạt động của Nga tại Ukraine.
Liên minh châu Âu hôm 28/9 đã đi tiên phong trong công bố một dự thảo về gói trừng phạt thứ 8 nhằm vào Nga, trong đó có đề xuất áp giá trần lên việc mua dầu Nga trên toàn cầu… Các giải pháp này, dự kiến được các đại sứ EU thảo luận trong ngày 30/9, bao gồm cả các lệnh cấm xuất khẩu mới lên hoạt động của Nga mua các thiết bị châu Âu như máy giặt và máy rửa bát đĩa, mà giới chức châu Âu cho rằng quân đội Nga đã tận dụng để lấy ra các con chip điện tử trong bối cảnh hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt trước đó./.