Mỹ và EU chấm dứt 'cuộc chiến' thép nhôm: Thỏa hiệp của lý trí
Thỏa thuận vừa đạt được giúp Mỹ và EU chấm dứt cuộc xung khắc thương mại giữa hai bên từ năm 2018. Khi đó, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã áp thuế bảo hộ đối với sản phẩm thép và nhôm của EU và EU trả đũa bằng cách áp thuế quan bảo hộ đối với nhiều sản phẩm của Mỹ.
Ông Trump biện luận cho quyết sách này bằng lý do phải "bảo vệ lợi ích quốc gia của nước Mỹ". Bây giờ, ông Trump không còn tại nhiệm nữa để tiếp tục cuộc xung khắc này với EU và người kế nhiệm theo đuổi định hướng chính sách cầm quyền khác nên không vận dùng cách tiếp cận như ông Trump về lợi ích quốc gia.
Thỏa thuận mới xóa bỏ thuế quan bảo hộ thương mại mà hai bên đã áp dụng đối với nhau. Phía EU phải chấp nhận điều kiện của Mỹ là không được để cho có bất cứ phần sản phẩm nào của Trung Quốc trong hàng hóa của EU xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Thỏa thuận này tạo bầu không khí chính trị và điểm xuất phát thuận lợi cho hai bên xử lý dứt điểm mối bất hòa lâu nay về bù trợ tài chính cho các hãng chế tạo máy bay ở hai bên.
Với quan điểm chính sách "làm sống lại quan hệ hợp tác với các đồng minh và đối tác" cũng như đưa "Nước Mỹ trở lại với thế giới", vì vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden cần phải giải quyết mọi xung khắc thương mại với EU.
Xử lý ổn thỏa chuyện này với EU sẽ đưa lại cho ông Biden bằng chứng khẳng định thật sự coi trọng mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác ở châu Âu, sẽ giúp ông Biden thể hiện rõ hơn sự khác biệt so với người tiền nhiệm. Nếu muốn tập hợp đối tác cùng ganh đua và đối phó Trung Quốc thì ông Biden không thể không thỏa hiệp với EU và tranh thủ EU. Nguyên do quan trọng khác nữa là bảo hộ thương mại tác động như con dao hai lưỡi. Phía Mỹ cũng bị tổn hại nhiều bởi các biện pháp chính sách trả đũa của EU đến mức lợi ban đầu bất cập hại về sau.