Mỹ và EU đạt được thỏa thuận xuyên Đại Tây Dương về giảm thuế đối với thép và nhôm

Ngày 31/10, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome (Italia), Mỹ và Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận nới lỏng thuế quan đối với các sản phẩm thép và nhôm trị giá hàng tỷ USD nhằm giải quyết tranh chấp thương mại kéo dài suốt các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương kể từ thời chính quyền Trump.

Theo đó, Cao ủy Thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết, hai bên đã đồng ý tạm dừng tranh chấp thương mại thép và nhôm [mục 232] và khởi động hợp tác trong Thỏa thuận toàn cầu về thép và nhôm bền vững. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden và EU đã đàm phán giải quyết vấn đề thương mại thép và nhôm trong nhiều tháng. Cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm kim loại theo luật an ninh quốc gia ít được sử dụng vào năm 2018.

Thỏa thuận đưa ra một hệ thống hạn ngạch thuế quan, cho phép xuất khẩu kim loại giữa EU và Mỹ với mức thuế thấp hơn lên đến một khối lượng nhất định. EU được ấn định sẽ tăng thuế quan trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ từ ngày 1/12, sau khi tạm dừng hành động vào tháng 5 để có thời gian đàm phán.

Thỏa thuận được công bố trong Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome, cùng một thỏa thuận mà các quan chức Mỹ cho biết sẽ giảm lượng khí thải carbon toàn cầu và tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc trong lĩnh vực này, đồng thời giảm bớt tắc nghẽn của chuỗi cung ứng trong ngành kim loại.

Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết, ngoài việc EU loại bỏ thuế quan trả đũa đối với Mỹ, Mỹ đã đồng ý tạm dừng các tranh chấp của WTO đối với nhau liên quan đến các tranh chấp theo mục 232.

Trong tương lai, Mỹ và EU sẽ phân tích khối lượng nhập khẩu thép và nhôm từ EU mỗi năm, chia sẻ thông tin và thực tiễn tốt nhất về các biện pháp phòng vệ thương mại, và đảm bảo rằng các sản phẩm từ các nền kinh tế phi thị trường không được hưởng lợi từ thỏa thuận này.

Đại diện thương mại Mỹ thông báo rằng, thỏa thuận “cũng giải quyết tình trạng dư thừa toàn cầu từ Trung Quốc và tăng cường cơ chế thực thi nhằm ngăn chặn rò rỉ thép và nhôm của Trung Quốc và các loại thép được giao dịch không công bằng khác vào thị trường Mỹ”. EU đã phải chịu áp lực rất lớn từ các nhà sản xuất thép trong việc dỡ bỏ thuế quan. EU cho biết Mỹ sẽ cho phép nhập khẩu ít nhất là thép như trước khi áp thuế. Mỹ đã mua khoảng 3,2 triệu tấn mỗi năm từ EU trước khi áp thuế và con số này đã giảm 1/3 kể từ đó. Thỏa thuận này phản ánh những gì đã xảy ra với Canada và Mexico, những nước đã đồng ý hạn chế nhập khẩu thép để đổi lại việc dỡ bỏ thuế quan.

Kevin Dempsey, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Viện Sắt và thép Mỹ, hiệp hội các nhà sản xuất kim loại Mỹ ủng hộ thuế quan, đánh giá cao “việc chính quyền Biden tiếp tục công nhận rằng ngành công nghiệp thép Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia và kinh tế”. Nhưng cũng cảnh báo việc thực thi hạn ngạch thuế quan phù hợp sẽ là yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng các biện pháp mới có hiệu quả trong việc đáp ứng các mục tiêu quan trọng này.

Các nhà sản xuất rượu mạnh của Mỹ, vốn đã bị áp thuế trả đũa liên quan đến tranh chấp, cũng đánh giá cao việc dỡ bỏ các loại thuế quan của EU này, và sẵn sàng đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi rượu Whisky của Mỹ tại EU để giới thiệu lại rượu mạnh bản địa của Mỹ cho người tiêu dùng EU và nối lại câu chuyện thành công xuất khẩu của Mỹ.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/my-va-eu-dat-duoc-thoa-thuan-xuyen-dai-tay-duong-ve-giam-thue-doi-voi-thep-va-nhom-166624.html