Mỹ và Israel hợp tác phát triển hệ thống đánh chặn Arrow 4

Arrow 4 được quảng cáo có khả năng chống lại các mối đe dọa cả bên trong và bên ngoài bầu khí quyển và có thể cạnh tranh với S-500 Nga trên thị trường thế giới.

Hệ thống tên lửa đánh chặn Arrow

Arrow (còn gọi là Hetz) là một dòng tên lửa chống đạn đạo được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của Israel về một hệ thống phòng thủ chống lại tên lửa đạn đạo hiệu quả hơn so với tên lửa MIM-104 Patriot. Được Israel và Mỹ đồng tài trợ và sản xuất, việc phát triển hệ thống Arrow bắt đầu vào năm 1986 bởi Israel Aerospace Industries (IAI) và Boeing, được giám sát bởi "Homa" thuộc Bộ Quốc phòng Israel và Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ.

Vụ phóng Arrow 2. Nguồn: wikipedia.org

Vụ phóng Arrow 2. Nguồn: wikipedia.org

Chiến tranh vùng Vịnh đã phơi bày hiệu suất gây tranh cãi của tên lửa Patriot trước tên lửa "Al Hussein" của Iraq, đã tạo thêm động lực cho sự phát triển của Arrow. Ban đầu nó được thiết kế để đánh chặn các tên lửa như SS-1 "Scud", phiên bản "Al Hussein" của nó, SS-21 "Scarab" có trong biên chế của quân đội Syria và CSS-2 có trong biên chế quân đội Saudi Arabia.

Chương trình Arrow được triển khai sau khi các quốc gia Arab mua lại tên lửa đất đối đất tầm xa. Israel coi mối đe dọa tên lửa đang nổi lên từ chương trình tên lửa tiên tiến của Iran là một trong những mối đe dọa nguy hiểm, tiềm tàng nhất đối với an ninh của nhà nước Do Thái. Hệ thống Arrow ban đầu được thiết kế và tối ưu hóa để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung có tầm bắn trên 200km (không nhằm mục đích đánh chặn máy bay quân sự hoặc tên lửa pháo binh, tên lửa tương đối nhỏ và tầm bắn ngắn).

Hệ thống Arrow bao gồm thiết bị đánh chặn tên lửa siêu thanh Arrow sản xuất chung, radar cảnh báo sớm Elta EL/M-2080 "Green Pine", radar radar mảng quét điện tử chủ động AESA, trung tâm C3I của Elisra "Golden Citron" và Trung tâm điều khiển phóng "Brown Hazelnut" của Israel Aerospace Industries. Arrow 1 được cho là một tên lửa đẩy rắn hai giai đoạn, có chiều dài tổng thể 7,5m, đường kính thân 1.200mm và trọng lượng phóng khoảng 2.000kg. Người ta ước tính, tầng thứ hai có chiều dài 2,5m, tầm bắn khoảng 50km, tuy nhiên, Arrow 1 có thể là một tên lửa một tầng. Sau quá trình xây dựng và thử nghiệm trình diễn công nghệ Arrow 1, việc sản xuất và triển khai bắt đầu với phiên bản tên lửa Arrow 2.

Trái ngược với THAAD, tên lửa tiêu chuẩn RIM-161 3 và MIM-104 Patriot PAC-3, sử dụng tác động trực tiếp, động năng để tiêu diệt mục tiêu ("hit-to-kill"), Arrow 2 dựa vào kích nổ. Arrow 2 có thể đánh chặn các mục tiêu của nó ở trên tầng bình lưu, đủ cao để bất kỳ vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học nào không thể thâm nhập Israel. Arrow cũng có khả năng đánh chặn ở độ cao thấp, cũng như đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật. Khẩu đội Arrow hoàn chỉnh đầu tiên được đưa vào hoạt động vào tháng 10/2000. Mặc dù một số thành phần của nó đã được xuất khẩu nhưng Bộ Tư lệnh Phòng không Israel thuộc Lực lượng Không quân Israel (IAF) hiện là người sử dụng duy nhất.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 được chính phủ Mỹ và Israel cho nghiên cứu vào tháng 8/2008 và đưa vào hoạt động ngày 18/1/2017. Phần tử chính của tên lửa này là thành phần đánh chặn trong khí quyển, do IAI và Boeing cùng phát triển. Tên lửa Arrow 3 bay với tốc độ lớn hơn, tầm bắn lớn hơn và ở độ cao lớn hơn so với Arrow 2, có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo trong phần quỹ đạo không gian của chúng - hoạt động như một vũ khí chống vệ tinh - điều sẽ khiến Israel trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có khả năng này.

Nguyên lý hoạt động của tổ hợp tên lửa đánh chặn Arrow. Nguồn: trishulgroup

Nguyên lý hoạt động của tổ hợp tên lửa đánh chặn Arrow. Nguồn: trishulgroup

Thiết bị tìm kiếm tên lửa chế độ kép có thiết bị tìm kiếm hồng ngoại thụ động để thu và theo dõi tên lửa đạn đạo chiến thuật và thiết bị tìm kiếm radar chủ động được sử dụng để phát hiện các mục tiêu trên không ở độ cao thấp. Phương tiện tiêu diệt được thiết kế để đạt được khả năng đánh trúng đích, nhưng nếu không đạt được điều này, động cơ gần sẽ hướng các mảnh đầu đạn vào mục tiêu ngay trước khi đạt đến điểm gần mục tiêu nhất. Đầu đạn phân mảnh định hướng có khả năng tiêu diệt mục tiêu trong bán kính 40-50m. Theo cách này, Arrow cũng khác với Patriot PAC-3, THAAD và Standard Missile 3, vốn chỉ dựa hoàn toàn vào công nghệ hit-to-kill, trong đó, động năng của một va chạm chính xác gây ra sự hủy diệt đối với mối đe dọa.

Mỗi khẩu đội Arrow thường được trang bị từ 4 đến 8 bệ phóng, với khoảng 100 nhân viên. Mỗi bệ phóng gắn trên xe kéo nặng 35 tấn khi được nạp 6 ống phóng với các tên lửa sẵn sàng bắn. Sau khi bắn, các bệ phóng có thể được nạp lại trong một giờ. Hệ thống có thể vận chuyển thay vì di động. Theo Dov Raviv - một nhà phát triển cấp cao, được mệnh danh là "cha đẻ của tên lửa chống đạn đạo Arrow" - tên lửa đánh chặn Arrow có 90% xác suất tiêu diệt tên lửa mục tiêu ở độ cao cao nhất có thể. Trong trường hợp thất bại, hai tên lửa đánh chặn nữa có thể được phóng về phía mục tiêu trong khoảng thời gian ngắn.

Nếu quả đầu tiên trong số này tiêu diệt được mục tiêu, quả thứ hai có thể được chuyển hướng sang mục tiêu khác. Sử dụng kỹ thuật này, ba khả năng đánh chặn độc lập được đảm bảo, làm tăng xác suất đánh chặn từ 90% lên 99,9%. Arrow cũng có khả năng đánh chặn đồng thời một loạt hơn 5 tên lửa đang bay tới, với các tên lửa mục tiêu sẽ đến trong khoảng thời gian 30 giây - khả năng hiện chỉ có Mỹ và Nga sở hữu. Theo Raviv, Arrow có thể phân biệt giữa đầu đạn và mồi nhử.

Hệ thống Arrow 4

Hôm 18/2/2021, Bộ Quốc phòng Israel cho biết đang hợp tác với Mỹ để phát triển tổ hợp phòng thủ tên lửa đạn đạo mới mang tên Arrow 4 - lớp lá chắn tiếp theo trong hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng của Israel nhằm phòng thủ trước các mối đe dọa phức tạp hơn trong tương lai. Việc hợp tác với các đối tác Mỹ trong việc phát triển Arrow 4 sẽ mang lại bước nhảy vọt về công nghệ, đảm bảo Israel có sự chuẩn bị tốt cho những cuộc chiến trong tương lai cũng như mối đe dọa tại Trung Đông. Công ty hàng không vũ trụ của Aerospace Industries sẽ là nhà thầu chính chương trình Arrow 4; Tập đoàn Boeing của Mỹ và công ty sản xuất vũ khí Elbit của Israel sẽ cùng tham gia vào dự án.

Tính năng tên lửa đánh chặn Arrow 4 được quảng cáo “khủng” hơn tên lửa của hệ thống S-500 của Nga; Nguồn: iai.co.il

Tính năng tên lửa đánh chặn Arrow 4 được quảng cáo “khủng” hơn tên lửa của hệ thống S-500 của Nga; Nguồn: iai.co.il

Arrow 3 được coi là hệ thống phòng thủ đứng hàng đầu thế giới, bên cạnh hệ thống THAAD của Mỹ và S-500 của Nga. Tuy nhiên, với phiên bản Arrow 4, Mỹ và Israel sẽ tạo ra hệ thống đánh chặn được quảng cáo là hiện nay không có đối thủ, dù đó là hệ thống S-500 của Nga. Về thiết kế, Arrow 4 được dự báo sẽ phức tạp hơn nhiều so với tổ hợp Arrow 3, nhằm đảm bảo có thể vô hiệu hóa mọi mối đe dọa đến từ Iran trong tương lai.

Các tên lửa đánh chặn Arrow-2 và Arrow-3 của Israel đã hoạt động như một phần của hệ thống nhiều lớp với nhiệm vụ tiêu diệt tên lửa bay tới trong khí quyển và trong không gian. Hệ thống Arrow 4 được cho là có khả năng tiêu diệt mục tiêu đạn đạo từ cự ly 700km, tầm cao 250km và di chuyển với tốc độ Mach 8 (9.800 km/h). Nếu so sánh, hai loại tên lửa 77N6-N và 77N6-N1 dự kiến trang bị cho S-500 chỉ thể bắn hạ tên lửa đạn đạo bay với tốc độ Mach 7 (8.575km/h) ở tầm xa 600km và trần bay 200km, thua kém Arrow 4 khá xa.

Thay thế Arrow-2 trong những thập kỷ tới, Arrow 4 sẽ bẻ gãy mọi công nghệ mới mà Iran đang nghiên cứu để áp dụng cho vũ khí tấn công. Hệ thống này cũng được kỳ vọng sẽ chống lại các mối đe dọa cả bên trong và bên ngoài bầu khí quyển. Ngoài phục vụ nhu cầu của Israel, tổ hợp phòng thủ tên lửa Arrow 4 còn được nhận định có tiềm năng xuất khẩu rất cao nếu Israel đồng ý bán. Mỹ và Israel đang kỳ vọng tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh với S-500 Nga trên thị trường thế giới./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/my-va-israel-hop-tac-phat-trien-he-thong-danh-chan-arrow-4-838646.vov