Mỹ và Israel lo ngại Iran cùng lúc sở hữu tiêm kích Su-35 và 'rồng lửa' S-400
Các quan chức Israel cho rằng, khả năng Iran mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 tiên tiến của Nga có thể làm phức tạp thêm nỗ lực kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này.
Nhưng một số nhà phân tích cho rằng, vẫn chưa rõ việc mua hệ thống S-400 có thực sự giúp Iran thay đổi cuộc chơi hay không khi mà Tehran đang có sẵn những hệ thống phòng không đáng gờm.
Đồn đoán về kế hoạch của Iran mua “rồng lửa” S-400
Trước đó hôm 11/3, truyền thông Iran đưa tin, nước này đã hoàn tất hợp đồng mua máy bay chiến đấu Su-35 Flanker-E của Nga. Tehran dự kiến nhận được hơn 20 chiếc Su-35 mà Nga chế tạo theo đơn đặt hàng của Ai Cập nhưng chưa chuyển giao. Hồi đầu tháng 3, Bloomberg đưa tin, Iran cũng đang có kế hoạch mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga. Bloomberg cũng trích dẫn các nguồn tin của Mỹ và Israel cho rằng, nếu kế hoạch được thực thi thì Tehran sẽ mất chưa đầy 2 năm để vận hành hoàn toàn hệ thống. Nga hiện vẫn chưa đưa ra câu trả lời trước đề xuất của Iran.
Nhà phân tích người Nga Anton Mardasov, đồng thời là học giả tại Viện Trung Đông lưu ý: “Không thể loại trừ khả năng Iran thực sự yêu cầu Nga cung cấp hệ thống S-400, đổi lại nước này sẽ hỗ trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine thông qua cung cấp máy bay không người lái cảm tử. Nhưng điều đáng chú ý là Iran đã có một tổ hợp công nghiệp-quân sự rất phát triển do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) giám sát và tổ hợp này đã sản xuất được một hệ thống tương tự như hệ thống phòng thủ S-300 của Nga”.
Theo nhà phân tích này, dù có những báo cáo cho rằng Nga và Iran đang tăng cường hợp tác quân sự một cách sâu rộng và việc triển khai các hệ thống phòng không của Iran tại Syria đã được Moscow bật đèn xanh, nhưng cả hai nước vẫn chưa thành lập một liên minh quân sự chính thức.
Iran đã mua các hệ thống S-300 PMU-2 tầm xa từ Nga vào năm 2016. Trong những năm gần đây, nước này cũng đã tự phát triển các hệ thống phòng không tầm cao như Khordad 15 và Bavar-373. Theo Tehran, hệ thống Bavar-373 có khả năng tương đương với S-400.
Ngay cả khi không có S-400, trong trường hợp xung đột xảy ra, nếu Mỹ và Israel muốn tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran thì trước hết họ phải tìm cách xâm nhập hoặc chọc thủng hệ thống phòng không đáng gờm mà Tehran đã phát triển trong những năm gần đây nhờ sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ. Trong khi đó, việc mua S-400, nếu được thực hiện, sẽ giúp củng cố và gia tăng sức mạnh của những hệ thống phòng không vốn có của Iran.
“So với S-300, S-400 có khả năng chống máy bay tàng hình tốt hơn. Điều đó khiến nó trở thành mối đe dọa lớn đối chiến đấu cơ F-22 và F-35 của Israel và Mỹ”, Ryan Bohl nhà phân tích cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi tại công ty tình báo RANE nhận định. Ông Ryan Bohl cho rằng, nhìn chung S-400 vượt xa S-300 về tầm bắn, song các hệ thống phòng không nâng cấp như S-300 PMU-2 hay Bavar-373 có thể thu hẹp khoảng cách này.
“Giống như S-400, hệ thống Bavar-373 cũng chưa được thử nghiệm để chống lại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Về mặt lý thuyết, nó có thể cạnh tranh, thậm chí thay thế S-400 về tầm bắn, công nghệ chống tàng hình và công nghệ nhắm mục tiêu”, nhà phân tích Ryan Bohl nhấn mạnh.
Vẫn chưa rõ các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 hoặc F-22 do Mỹ chế tạo sẽ đối phó với S-400 như thế nào. Mặc dù Nga đã triển khai hệ thống S-400 ở Syria suốt nhiều năm nay, nhưng họ vẫn tránh sử dụng chúng để nhắm vào các máy bay chiến đấu của Israel được cho là đã tấn công các mục tiêu liên quan đến Iran tại quốc gia Trung Đông này.
Phản ứng tiềm tàng của Israel
Sự kết hợp giữa hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 có thể tạo nên sức mạnh đáng gờm nhằm chống lại bất cứ lực lượng nào muốn tấn công Iran nếu chúng được triển khai một cách hiệu quả.
“Nếu S-400 và Su-35 được các kíp điều khiển và phi hành đoàn dày dặn kinh nghiệm sử dụng, đồng thời tích hợp vào hệ thống phòng không chuyên nghiệp, chúng sẽ tạo ra thách thức lớn cho chiến dịch quân sự của Mỹ và Israel nhằm đối phó với Iran”, ông Ryan Bohl nói.
Câu hỏi đặt ra là Israel sẽ phản ứng thế nào nếu Nga cung cấp cho Iran hệ thống S-400. Liệu Israel có thể đảo ngược chính sách phản đối việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine hay không?
“Việc Nga cung cấp hệ thống phòng không cho Iran, nếu diễn ra, sẽ không phải là hành động vượt qua giới hạn đỏ của Israel vì đây là vũ khí phòng thủ và có lẽ Iran đơn giản chỉ là muốn có thêm hệ thống tiên tiến hơn để biên chế cho quân đội. Nhưng trong trường hợp Nga muốn giúp Iran hiện đại hóa khả năng tấn công để đối phó với Israel thì điều này có thể đảo ngược sự cân bằng vốn đã mong manh trong quan hệ Nga-Israel”, ông Ryan Bohl nhận định.
Nhà phân tích Bohl dự đoán, Israel nhiều khả năng sẽ gửi các hệ thống nội địa như Vòm Sắt hoặc Barak-8 để giúp Ukraine nâng cấp hệ thống phòng không nếu Nga chấp thuận chuyển giao S-400 cho Iran. Và kịch bản như vậy sẽ gây "đau đầu" cho các chỉ huy quân sự của Nga ở Ukraine.
“Nếu Moscow chấp nhận đề xuất của Iran về việc mua S-400 thì họ cũng phải chấp nhận điều đó sẽ khiến Israel xích lại gần Ukraine hơn. Dù Israel không chuyển giao ngay lập tức các hệ thống phòng không tiên tiến cho Ukraine nhưng họ có thể tăng cường cung cấp thông tin tình báo hoặc các loại vũ khí nhỏ khác như đạn pháo, súng cối và tên lửa chống tăng”, ông Bohl lưu ý./.