Mỹ và Nhật Bản tăng tốc kế hoạch cho người ở lâu dài với 'Chị Hằng'
Nhằm đưa người lên mặt trăng sống lâu dài, Mỹ và Nhật đang tăng tốc nghiên cứu kế hoạch lập cơ sở hạ tầng cần thiết như điện, nước và nhà ở, phương tiện di chuyển.
Mỹ đã lập chương trình thám hiểm mặt trăng Artemis với nhiều mục đích, gồm đưa người lên hàng xóm vũ trụ gần nhất của trái đất lần đầu tiên kể từ sau chuyến bay phi thuyền Appollo 17 hồi năm 1972.
Artemis-tên của nữ thần mặt trăng trong thần thoại La Mã-nhằm xây dựng một căn cứ quay quanh “Chị Hằng” từ cuối thập niên 2020, và sau này xây thêm một căn cứ thường trực ngay trên mặt trăng. Từ căn cứ này, các nhà phi hành sẽ được giao nhiệm vụ thám hiểm bề mặt mặt trăng, cào lấy lớp đất mặt của mặt trăng và tiến hành nhiều thử nghiệm khoa học khác nhau.
Nhật là một trong 8 đối tác của chương trình Artemis, và Tokyo đã lập mục tiêu có một nhà phi hành Nhật trên mặt trăng từ cuối những năm 2020.
NASA lo giải quyết chuyện điện-nước cho căn cứ mặt trăng
Một nguồn cấp điện ổn định là một trong các thách thức lớn đối với các hoạt động dài hạn trên mặt trăng: phải mất khoảng 27 ngày để mặt trăng tự quay quanh trái đất, nên pha mặt trăng (phần bề mặt mặt trăng được mặt trời chiếu sáng từ ngày mùng 1 âm lịch) và pha trăng tròn (trăng xuất hiện từ nửa đêm đến sáng sớm, từ ngày 15 âm lịch) đều kéo dài khoảng hai tuần.
Như vậy, điện từ ánh sáng mặt trời không thôi có thể chưa đủ đáp ứng nhu cầu dùng điện vào buổi tối.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang tính đến chuyện phát điện hạt nhân trên mặt trăng. Hồi cuối tháng 6, NASA tuyên bố đã chọn 3 công ty tư nhân thực hiện bản thiết kế mẫu cho một lò phản ứng hạt nhân nhỏ, và mỗi công ty được cấp số tiền khoảng 5 triệu USD.
Nếu dự án này suôn sẻ, một lò phản ứng sẽ được xây trên bề mặt mặt trăng, với công tác xây dựng có thể bắt đầu từ cuối những năm 2020.
Nước cần thiết cho sự sống và lớp đất mặt của mặt trăng được cho là có chứa nước. NASA và Đại học Washington ở thành phố St Louis sẽ cùng tạo một mũi khoan tự hành cùng một thiết bị theo dõi dùng laser để xác định lưu lượng và sự phân phối nước bên dưới bề mặt mặt trăng.
Đến tháng 11.2024, một phi thuyền thám hiểm không người lái sẽ được phóng lên mặt trăng, có nhiệm vụ xác định vị trí và lấy nước từ lớp đất mặt của mặt trăng.
JAXA thiết kế xe và nhà ở cho người sống trên mặt trăng
Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cùng hãng xe Toyota Motor đang phát triển một xe thăm dò điều áp tự lái có tên “Lunar Cruiser”. Các nhà phi hành có thể lái chiếc xe thám hiểm mặt trăng này mà không cần phải mặc đồng phục vũ trụ.
“Lunar Cruiser” có thể sử dụng hệ thống dẫn động điện với pin nhiên liệu, giúp xe chạy được quãng đường 10.000 km. Con số này thực sự có ý nghĩa khi tàu vũ trụ chỉ có thể mang một nguồn nhiên liệu giới hạn lên “Chị Hằng”.
Chiếc xe này có khả năng vượt địa hình và sức chịu đựng những mức nhiệt cực đoan. Xe dài 6.000 mm, cao 3.800 mm. Không gian 13 m3 trong xe cho phép chở được hai người trong những hành trình cơ bản, hoặc 4 người trong tình huống khẩn cấp.
“Lunar Cruiser” dự kiến ra mắt năm 2029 và thực hiện nhiệm vụ thám hiểm mặt trăng từ năm 2030.
Trong khi đó, Đại học Kyoto và nhà thầu Kajima Corp đã đề nghị các mẫu nhà cho người ở trên mặt trăng.
Các mẫu nhà này gồm "Lunar Glass", một cấu trúc lớn có hình chóp lộn ngược bằng kính, cao từ 200 đến 400 mét và đường kính 200 mét. Ngôi nhà có thể quay tròn để tạo ra trọng lực, cho phép 1.000 người sống trong một môi trường có lực hấp dẫn tương tự ở trái đất.
JAXA cũng đang làm việc với các công ty tư nhân và các tổ chức khác, nhằm phát triển công nghệ liên lạc tốc độ cao để sử dụng giữa trái đất với mặt trăng, vệ tinh tự nhiên duy nhất của trái đất.
Cũng có một dự án nghiên cứu chung, nhằm tạo ra một Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) phiên bản dùng trên mặt trăng, bằng cách phóng nhiều vệ tinh lên phía trên mặt trăng.
Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã lập kế hoạch chi một khoản 900 triệu Yen để phát triển các công nghệ liên quan trong năm tài khóa hiện nay.
Một quan chức Bộ nói với báo Yomiuri Shimbun : “Chúng tôi quyết tâm tăng tốc phát triển, để các công nghệ Nhật có thể được dùng như là các tiêu chuẩn quốc tế trong tương lai”.