Mỹ và Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận chung với tên gọi "Balikatan" (Vai kề vai) hôm 11/4. Trong cuộc tập trận nhiều màn tác chiến và bắn đạn thật sẽ được quân đội 2 quốc gia đồng minh tiến hành.
Đại tá Michael Logico, phát ngôn viên lực lượng Philippines tham gia tập trận Balikatan, cho biết quân đội nước này sẽ cùng Mỹ phối hợp không kích và pháo kích đánh chìm tàu mục tiêu dài 61 mét tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Zambales vào ngày 26/4.
"Chúng tôi sẽ tấn công con tàu bằng mọi hệ thống vũ khí có trong biên chế hải, lục, không quân", Đại tá Michael Logico nói.
Cùng với đó, Thiếu tướng Marvin Licudine, chỉ huy trưởng của lực lượng Philippines nói: "Điểm nhấn của cuộc tập trận này sẽ là các bài tập bắn đạn thật ven biển, nhằm nâng cao kỹ thuật và tăng cường năng lực phối hợp tác chiến".
Tập trận chung Balikatan là sự kiện có quy mô lớn nhất trong ba thập kỷ mà Mỹ và Philippines tổ chức.
Trong tổng số hơn 17.000 binh sĩ tham gia tập trận có khoảng 12.200 binh sĩ Mỹ, 5.400 lính Philippines và 111 lính Australia.
Các quan chức quốc phòng Philippines khẳng định cuộc tập trận nhằm củng cố khả năng phòng thủ ven biển của nước này và không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.
"Chúng tôi không khiêu khích ai khi tổ chức tập trận. Đây là một hình thức răn đe", Đại tá Michael Logico nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, Philippines đã liên tục có những chính sách thể hiện sự xoay trục của chính phủ nước này trong việc nối lại mối quan hệ hợp tác quốc phòng truyền thống với Mỹ.
Cuộc tập trận được tổ chức sau khi Washington và Manila ký thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự tại Philippines.
Cụ thể Philippines công bố 4 địa điểm cho phép quân đội Mỹ sử dụng theo thỏa thuận song phương, bên cạnh 5 căn cứ Washington được tiếp cận từ trước.
Văn phòng Tổng thống Philippines hôm nay thông báo 4 địa điểm mà quân đội Mỹ được tiếp cận trong nỗ lực triển khai toàn diện Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA) gồm căn cứ hải quân Camilo Osias và sân bay Lal-lo ở tỉnh Cagayan, căn cứ Melchor Dela Cruz ở tỉnh Isabela và một địa điểm ở tỉnh Palawan.
"4 địa điểm sẽ giúp tăng cường năng lực ứng phó thảm họa của đất nước, cũng như đóng vai trò quan trọng với các chiến dịch cứu hộ, cứu trợ nhân đạo khi xảy ra thiên tai và tình huống khẩn cấp", Văn phòng Tổng thống Philippines cho biết trong thông cáo.
Cagayan và Isabela là các tỉnh cực bắc, nằm trên đảo chính Luzon, trong khi Palawan là đảo cực nam án ngữ khu vực tây nam Biển Đông.
Mỹ triển khai lực lượng đồn trú quy mô lớn tại Philippines sau Thế chiến II, trong đó có hai cơ sở tại nước này từng là căn cứ lớn nhất ở nước ngoài của Washington.
Tuy nhiên, giới chức Philippines năm 1991 chấm dứt thỏa thuận và yêu cầu Mỹ trả lại toàn bộ căn cứ quân sự.
EDCA được hai bên thông qua năm 2014, trong đó cho phép Mỹ tiếp cận 4 căn cứ không quân và một căn cứ lục quân tại Philippines với hình thức triển khai lực lượng đồn trú luân phiên.
Quan chức Philippines cho biết tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ "là tín hiệu tốt cho thế trận phòng thủ", song khẳng định nỗ lực này "không nhằm vào bất cứ quốc gia cụ thể nào".
Trung Quốc chỉ trích động thái này "làm leo thang căng thẳng quân sự và gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định trong khu vực".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10/4 đã cảnh báo Mỹ "không được can thiệp vào các tranh chấp tại Biển Đông cũng như không gây ảnh hưởng tới chủ quyền cũng như lợi ích hàng hải và an ninh của Trung Quốc".