Việc đếm ngược đã bắt đầu ở Afghanistan. Các chuyên gia ước tính còn bao nhiêu km nữa để Taliban tiếp cận thủ đô Kabul. Mặc dù Lầu Năm Góc tuyên bố rằng, không có mối nguy hiểm tức thời nào đối với thủ đô của Afghanistan vào lúc này, nhưng họ đã nhận thấy những nguy hiểm đang đến rất gần.
Các nhà chức trách có rất ít cơ hội để lật ngược tình thế; giới tinh hoa bộ lạc trong tỉnh (mà Kabul đã bỏ qua trong một thời gian dài), không sẵn sàng chết vì chính quyền trung ương và thích đàm phán với Taliban. Những người lính cũng không sẵn sàng chiến đấu. 20 năm huấn luyện của NATO và hàng tỷ USD chi cho nó đã bị lãng phí.
Chuyên gia phân tích quân sự của Nga Nikita Mendkovich viết: “Nỗ lực sao chép các mô hình phương Tây trong quân đội Afghanistan, đã biến một đội quân khổng lồ thành một khối không thể kiểm soát, sở hữu công nghệ hiện đại nhưng không thể sử dụng hiệu quả”.
Trên các mạng xã hội, tràn ngập cảnh binh lính Quân đội Afghanistan chạy ra khỏi các thành phố, đặc biệt là thành phố lớn thứ hai ở Afghanistan - Kandahar. Taliban đã tuyên bố chiếm được thành phố lớn thứ hai và ba là Kandahar và Herat.
Giờ đây, chính quyền Afghanistan cần một con át chủ bài nào đó; nếu không giành được chiến thắng, thì ít nhất cũng phải củng cố vị thế của chính họ trong các cuộc đàm phán với Taliban, về việc chuyển giao quyền lực và đảm bảo cuộc sống cho các quan chức hiện tại.
Phương Tây tất nhiên sẽ không cho; bất chấp tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace rằng, quân đội của Anh có thể quay trở lại Afghanistan nếu al-Qaeda được triển khai ở đó, một viễn cảnh như vậy có vẻ rất khó xảy ra.
Mỹ cũng không có hy vọng, việc họ đang làm lúc này là chuẩn bị sơ tán đại sứ quán của họ ở Kabul. Người Anh cũng vậy, sẽ không ở lại quá lâu. Và bên cạnh họ, người ta đã thông báo về việc di tản thêm nhiều đại sứ quán của các quốc gia phương Tây.
Trước tình hình đó, các nhà chức trách Afghanistan dường như muốn có được con át chủ bài từ Moscow. “Để tăng cường sức mạnh cho lực lượng không quân, chúng tôi đã đề nghị mua trực thăng mới từ phía Nga. Và tôi mong đợi một phản ứng từ Nga về vấn đề này”, Ngoại trưởng Afghanistan Hanif Atmar nói.
Những loại trực thăng vũ trang đã được thử thách ở chiến trường Afghanistan trong các chiến dịch của Liên Xô, đã chứng tỏ tính năng của chúng ở chiến trường này. Trước đó, Kabul cũng đã đưa ra yêu cầu tương tự và Moscow đã chính thức sẵn sàng cung cấp các thiết bị, cả đã qua sử dụng và mới, nhưng Afghanistan không có tiền.
Bây giờ, theo lời của các quan chức Afghanistan, nguồn tài chính mua máy bay đã được tìm thấy. Và câu hỏi bây giờ là Moscow đã sẵn sàng để chuyển từ sự đồng ý chính thức sang thực tế chưa? Nga có sẵn sàng cung cấp vũ khí để chống lại Taliban?
Hầu hết các chuyên gia đều có xu hướng tin rằng, Nga nên từ chối yêu cầu của chính phủ Afghanistan một cách lịch sự. Có nhiều lý do cho điều này: ngoại giao, chính trị, kinh tế, cũng như chiến lược.
Từ quan điểm ngoại giao, việc giao hàng như vậy là không thể chấp nhận được. Mặc dù chính phủ Afghanistan có tính hợp pháp quốc tế, và Taliban được coi là một nhóm khủng bố. Nhưng Nga hiện đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán ở Moscow về Afghanistan. Và quốc gia hòa giải không nên cung cấp hỗ trợ quân sự-kỹ thuật trực tiếp cho một trong các bên.
Tất nhiên, quy tắc này không phải là bất biến. Ví dụ, Nga đóng vai trò trung gian trong tiến trình hòa bình Syria, nhưng điều này không ngăn cản nước này cung cấp và trang bị vũ khí cho quân đội Syria. Nhưng nên hiểu, có những khác biệt giữa Syria và Afghanistan về mối quan hệ song phương của họ với Moscow.
Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin Chính trị Alexei Mukhin giải thích với tờ Tầm nhìn của Nga: "Chúng tôi không thể cung cấp trực thăng cho Afghanistan, vì mối quan hệ giữa Nga và Afghanistan là mối quan hệ bình thường, không phải là đồng minh".
Hiện tại Chính phủ Afghanistan hoàn toàn thân Mỹ, thực chất là do Mỹ dựng lên và Kabul đã phụ thuộc vào Mỹ quá lâu; họ quá ít chú ý đến các mối quan hệ với các nước không thuộc phương Tây, đó là lý do tại sao giờ đây Nga khó có thể trợ giúp.
Trên góc độ kinh tế thuần túy, Nga có thể ký một thỏa thuận "tình huống" với Kabul chỉ vì lợi nhuận, cung cấp trực thăng để kiếm tiền. Tuy nhiên, ngay cả một giao dịch hoạt động cũng cần ít nhất vài ngày (hoặc thậm chí vài tuần) để được phê duyệt, chưa kể các thủ tục giấy tờ và thanh toán.
Và chính quyền Afghanistan đơn giản là đang đếm ngược thời gian. Do đó có thể xảy ra khả năng, Nga sẽ cung cấp trực thăng, nhưng sẽ không nhận được tiền trả. Và thay vào đó, họ sẽ không chỉ nhận được thiệt hại về kinh tế, mà còn cả chiến lược.
Thực tế là ngay cả trên quan điểm quân sự, việc Nga giao máy bay trực thăng cho Afghanistan, dù chúng có mạnh đến đâu, về cơ bản sẽ không làm thay đổi tình hình; vì hiện nay Kabul có hơn 200 máy bay chiến đấu, nhưng vẫn không giúp cải thiện tình hình; vì vậy việc nguồn cung cấp mới từ Nga, cũng khó có thể thay đổi bất cứ điều gì.
Trong bối cảnh này, một số chuyên gia coi đề xuất mua trực thăng của Kabul lúc này, là một động thái ba chiều, có sự giật dây của Washington, nhằm lôi kéo Nga vào cuộc một cuộc chiến với Taliban, Alexey Mukhin nhận định.
Trên thực tế, Nga hiện đang tích cực đàm phán với Taliban về các nguyên tắc chung sống hòa bình sau chiến thắng của Taliban ở Afghanistan. Một trong những điểm chính của nguyên tắc này, là từ chối các hành động thù địch với nhau.
Moscow không cố gắng đánh bật chế độ Taliban, và Taliban cũng không tham gia vào việc xuất khẩu Cách mạng Xanh sang Trung Á. Việc cung cấp trực thăng chiến đấu cho chính phủ Afghanistan có thể được Taliban coi là một hành động thù địch, gây hậu quả đối với triển vọng của thỏa thuận đã thảo luận.
Do đó, theo các chuyên gia, Nga không nên chơi chiêu trò của Mỹ, cũng như không nên đặt cược vào "một con ngựa đua đã gần chết", mà Nga cần suy nghĩ về các cuộc đua khu vực trong tương lai, sẽ bắt đầu ngay sau khi đồng hồ đếm ngược ở Kabul kết thúc. Ảnh: Quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan năm 1989.
Người dân Afghanistan đổ xô sang các nước láng giềng để lánh nạn. Nguồn: CNBC.
Tiến Minh