Mỹ và thế giới lo lắng trước việc Triều Tiên bắn tên lửa siêu thanh
Quân đội Mỹ cho biết Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo xuống biển vào hôm thứ Tư. Triều Tiên còn xác nhận đó là một vụ phóng tên lửa siêu thanh và đã 'trúng mục tiêu cách đó 700 km'.
Mối lo về một sự bất ổn mới
Vụ phóng diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố sẽ tăng cường hơn nữa khả năng quân sự tại một hội nghị cấp cao của đảng cầm quyền vào tuần trước.
Người dân ở Seoul xem đoạn băng ghi lại cảnh phóng tên lửa của Triều Tiên trên truyền hình. Ảnh: Reuters
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết vụ phóng tên lửa đạn đạo “làm nổi bật tác động gây mất ổn định” nhưng không gây ra mối đe dọa ngay lập tức đối với lãnh thổ của Mỹ hoặc các đồng minh của họ. Họ cũng tuyên bố về cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ các đồng minh của mình, Hàn Quốc và Nhật Bản
Quân đội Hàn Quốc cho biết một tên lửa đạn đạo nghi được bắn từ tỉnh Jagang miền núi phía bắc Triều Tiên bay về phía vùng biển phía đông của nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook cho biết vụ phóng được coi là một phần trong hoạt động xây dựng quân sự của Triều Tiên, nhưng Hàn Quốc đang phân tích xem liệu họ có ý đồ chính trị hay không.
Trong một cuộc họp trực tuyến khẩn cấp, các thành viên của đội an ninh quốc gia của tổng thống Hàn Quốc bày tỏ lo ngại về vụ phóng và cho biết việc nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên là cần thiết để giải quyết căng thẳng.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng phát hiện vụ phóng của Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các phóng viên: “Chúng tôi thấy thực sự đáng tiếc rằng Triều Tiên đã tiếp tục bắn tên lửa kể từ năm ngoái".
Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên, đã duy trì phản ứng công bằng trước vụ phóng, với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân kêu gọi nói rằng “tất cả các bên liên quan nên ghi nhớ bức tranh lớn; thận trọng với lời nói và hành động”.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhắc lại rằng Triều Tiên “nên nối lại các cuộc đàm phán với các bên liên quan khác, và đàm phán ngoại giao vẫn là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình bền vững”.
Đó là tên lửa siêu thành và đã trúng mục tiêu
Về phía Triều Tiên, hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin hôm thứ Năm rằng, nước này đã thử nghiệm bắn một "tên lửa siêu thanh", trúng mục tiêu thành công. Đây được xem như một động thái của Triều Tiên trong việc theo đuổi các năng lực quân sự mới trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân họp khẩn cấp về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên vào hôm thứ Tư. Ảnh: EPA-EFE
Vụ phóng tên lửa vào hôm thứ Tư là lần đầu tiên của Triều Tiên kể từ tháng 10 năm ngoái. Nước này lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa siêu thanh vào tháng 9, tham gia cuộc chạy đua do các cường quốc quân sự đang triển khai hệ thống vũ khí tiên tiến.
Không giống như tên lửa đạn đạo bay vào không gian vũ trụ trước khi quay trở lại theo quỹ đạo dốc, vũ khí siêu thanh bay tới mục tiêu ở độ cao thấp hơn và có thể đạt tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh - tức khoảng 6.200 km/h.
Báo cáo của KCNA cho biết: “Những thành công liên tiếp trong các vụ phóng thử trong lĩnh vực tên lửa siêu thanh có ý nghĩa chiến lược ở chỗ chúng đẩy nhanh nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng vũ trang của nhà nước”.
Trong cuộc thử nghiệm hôm thứ Tư, "đầu đạn siêu thanh lướt" đã tách ra khỏi tên lửa đẩy của nó và di chuyển theo chiều ngang 120 km trước khi nó "bắn trúng chính xác" mục tiêu cách đó 700 km, KCNA đưa tin.
KCNA cho biết thêm rằng vụ thử cũng xác nhận các thành phần như điều khiển bay và khả năng hoạt động của nó trong mùa đông. Tên lửa này có khả năng kết hợp “bay nhảy nhiều bước và cơ động ngang mạnh mẽ”.
Chính quyền Biden đã nhiều lần cho biết họ sẵn sàng nối lại ngoại giao hạt nhân với Triều Tiên "ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào". Triều Tiên cho đến nay đã bác bỏ những tuyên bố như vậy, nói rằng thái độ thù địch của Mỹ vẫn không thay đổi.
Trong thời kỳ cầm quyền của ông Kim Jong Un, Triều Tiên đã tiến hành 62 đợt thử tên lửa đạn đạo. Bốn trong số sáu vụ thử hạt nhân và ba vụ phóng tên lửa xuyên lục địa của Triều Tiên cũng đều diễn ra trong thời gian ông Kim Jong Un nắm quyền.