Mỹ và Trung Quốc tái khẳng định cam kết đối với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1
Trong cuộc điện đàm diễn ra ngày 25/8, các quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc tái khẳng định cam kết đối với Thỏa thuận kinh tế - thương mại giai đoạn 1 mà hai bên đã đạt được hồi đầu năm nay.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc điện đàm, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) nêu rõ: "Cả hai phía đều nhìn thấy những tiến bộ và cam kết sẽ thảo luận về những bước cần thiết tiếp theo nhằm đảm bảo thành công cho thỏa thuận giai đoạn 1 này".
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng xác nhận rằng hai bên đã có một "cuộc đối thoại mang tính xây dựng" và nhất trí tiếp tục thúc đẩy hướng tới việc thực thi Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nói trên. Trong khi đó, USTR khẳng định họ ghi nhận những bước mà Trung Quốc thực hiện nhằm thay đổi cơ chế thực hiện đối với các vấn đề như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, gỡ bỏ rào cản đối với các công ty Mỹ trong các dịch vụ tài chính, lĩnh vực nông nghiệp, cũng như chấm dứt hình thức chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Tuyên bố cũng khẳng định: "Các bên cũng đã thảo luận về tăng đáng kể việc Trung Quốc mua hàng hóa Mỹ cũng như những hành động cần thiết trong tương lai nhằm thực thi thỏa thuận thương mại".
Bắc Kinh và Washington dự định tổ chức hội nghị trực tuyến hôm 15/8 để đánh giá việc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, vốn có hiệu lực hồi tháng 2, trong đó có điều khoản quy định 6 tháng một lần phải tiến hành thảo luận về tiến triển của thỏa thuận. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước tuyên bố ông hoãn cuộc đàm phán thương mại cấp bộ trưởng với Trung Quốc với lý do nước này thất bại trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 ngay từ giai đoạn đầu.
Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi tháng 1 vừa qua, chấm dứt căng thẳng thương mại kéo dài gần 2 năm giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo đó, Trung Quốc cam kết mua thêm lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Mỹ trong 2 năm tới. Cụ thể, Trung Quốc sẽ mua thêm 32 tỷ USD các mặt hàng nông nghiệp, bao gồm thịt bò, đậu nành và hải sản, 52,4 tỷ USD sản phẩm năng lượng, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), dầu thô và than đá, 37,9 tỷ USD hàng hóa dịch vụ và 77,7 tỷ USD hàng hóa công nghiệp.