Mỹ: Vắc xin Pfizer và Moderna có hiệu quả với biển thể ở Ấn Độ

* Vắc xin thử nghiệm của Pháp - Anh tạo phản ứng miễn dịch mạnh

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, kết quả nghiên cứu sơ bộ của một nhóm nhà khoa học Mỹ công bố ngày 17/5 cho thấy Vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna sẽ vẫn có hiệu quả cao đối với hai biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ.

Tuy nhiên, kết quả trên được đưa ra mới chỉ dựa trên các nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm và chưa biết liệu có hiệu quả trên thực tế hay không. Kết quả nghiên cứu cũng chưa được công bố trên một tạp chí đã được công nhận.

Nhà khoa học Nathaniel "Ned" Landau, một thành viên của nhóm nghiên cứu, thông báo: "Những gì chúng tôi phát hiện ra là kháng thể của Vắc xin yếu hơn một chút so với các biến thể, nhưng không đủ để chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng bảo vệ của vắc xin".

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã lấy máu từ những người đã được tiêm một trong hai loại Vắc xin trên, sau đó cho các mẫu này vào trong phòng thí nghiệm để tiếp xúc với các hạt pseudovirus được thiết kế có chứa các đột biến trong vùng "tăng đột biến" của virus, đặc biệt đối với các biến thể B.1.617 hoặc B.1.618.

Cuối cùng, hỗn hợp đó được tiếp xúc với các tế bào được nuôi trong phòng thí nghiệm để xem có bao nhiêu tế bào sẽ bị nhiễm bệnh.

Các hạt pseudovirus được thiết kế có chứa một loại enzyme gọi là luciferase để phát sáng. Việc cho enzyme vào pseudovirus giúp có thể biết có bao nhiêu tế bào bị nhiễm dựa trên các phép đo ánh sáng.

Kết quả tổng thế, đối với biến thể B.1.617 của virus SARS-COV-2, các nhà khoa học nhận thấy lượng kháng thể trung hòa mà hệ thống miễn dịch tạo ra nhằm ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập tế bào giảm gần 4 lần, trong khi đối với virus biến thể B.1.618, mức giảm là khoảng 3 lần.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng có đủ điều kiện để tin rằng Vắc xin sẽ có khả năng bảo vệ cao bởi vì mức độ tổng thể vẫn cao hơn mức được tìm thấy trong các mẫu lấy từ những người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 trước đó.

* Ngày 17/5, tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp và hãng dược phẩm GSK của Anh thông báo vắc xin ngừa COVID-19 mà hai hãng này đang phối hợp phát triển đã tạo "phản ứng miễn dịch mạnh" trong các thử nghiệm ban đầu.

Kết quả này mang lại hy vọng thế giới có thêm một loại vắc xin ngừa COVID-19, đóng góp vào nỗ lực đẩy lùi đại dịch nguy hiểm đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 3,3 triệu người trên toàn cầu.

Trong một tuyên bố, Sanofi và GSK cho biết trong nghiên cứu giai đoạn 2 với 722 tình nguyện viên, vắc xin thử nghiệm "đã đạt tỷ lệ kháng thể vô hiệu hóa virus (SARS-CoV-2) mạnh" ở tất cả các nhóm người trưởng thành, tương ứng tỷ lệ ở những bệnh nhân mắc COVID-19 đã bình phục.

Kết quả trên cho phép hai hãng tiến hành nghiên cứu giai đoạn 3 then chốt trên quy mô toàn cầu, dự kiến bắt đầu trong những tuần tới.

Trao đổi với báo giới, ông Thomas Triomphe, Phó Chủ tịch điều hành Sanofi kiêm trưởng bộ phận nghiên cứu vắc xin Sanofi Pasteur, cho biết các dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 2 đã khẳng định tiềm năng của vắc xin này đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang diễn ra.

Ông nhấn mạnh trong bối cảnh liên tục xuất hiện các biến thể của virus SARS-CoV-2, việc có thêm nhiều loại vắc xin với hiệu quả phòng bệnh cao và có thể được bảo quản ở nhiệt độ thường càng trở nên cấp thiết.

Kết quả trên được đánh giá là thông tin tích cực đối với hai "gã khổng lồ" dược phẩm Sanofi và GSK nói riêng và cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 nói chung.

Vắc xin đang được thử nghiệm kết hợp kháng nguyên do Sanofi phát triển, vốn kích thích tạo ra kháng thể diệt virus, với công nghệ bổ trợ của GSK.

Trước đó, nghiên cứu được công bố vào cuối năm 2020 cho thấy vắc xin của Sanofi/GSK tạo miễn dịch thấp ở những người cao tuổi. Thời điểm đó, hai công ty trên cho biết chế phẩm này chưa sẵn sàng được đưa vào sử dụng cho tới cuối năm 2021.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/255778/my--vac-xin-pfizer-va-moderna-co-hieu-qua-voi-bien-the-o-an-do.html