Mỹ vạch kế hoạch rút quân khỏi Niger
Các kế hoạch do phía Mỹ trình bày sẽ được Niger thảo luận với mục tiêu đảm bảo việc Washington rời đi sẽ diễn ra trong 'những điều kiện tốt nhất có thể, trật tự, an ninh và tuân thủ thời hạn đã đặt ra'.
Tờ Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ mới đây cho biết, một phái đoàn Mỹ sẽ trình bày với Chính phủ Niger các kế hoạch chi tiết về việc đóng cửa hai căn cứ quan trọng của Lầu Năm Góc và rút toàn bộ binh sĩ Mỹ sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tiến hành các cuộc đàm phán căng thẳng liên quan đến quyết định của quốc gia châu Phi này về việc chấm dứt sứ mệnh chống khủng bố.
Các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, gồm Chris Maier, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các hoạt động đặc biệt và xung đột cường độ thấp, và Trung tướng Dagvin Anderson, người giám sát việc phát triển lực lượng trong Bộ tham mưu liên quân của Lầu Năm Góc, đã bắt đầu thảo luận với các quan chức Niger trong tuần này.
Các cuộc thảo luận là một diễn biến mới trong cuộc đối đầu kéo dài nhiều tháng về sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Niger và bản chất của mối quan hệ rộng lớn hơn giữa hai nước. Nó xuất hiện khi thủ tướng Niger, được bổ nhiệm sau cuộc đảo chính quân sự năm 2023, cáo buộc Mỹ tìm cách áp đặt các thỏa thuận đối ngoại của quốc gia châu Phi này và đổ lỗi cho Washington về việc phá vỡ mối quan hệ đối tác an ninh quan trọng.
Một số quan chức cấp cao của Nhà Trắng cũng đã thảo luận về việc chuẩn bị rời khỏi hai căn cứ của Mỹ, nơi diễn ra các hoạt động của máy bay không người lái trong khu vực trong hơn một thập kỷ, và việc rút lui của khoảng 1.000 nhân viên Mỹ, bao gồm các binh sĩ, nhân viên dân sự và nhà thầu quốc phòng.
Trong khi các quan chức Mỹ đã hy vọng trong nhiều tháng rằng việc rút quân hoàn toàn có thể tránh được sau quyết định của chính quyền Biden đình chỉ hầu hết viện trợ quân sự do cuộc đảo chính ở Niger, thì giờ đây họ đang phải tiến hành kế hoạch đó. Liệu sự hợp tác có thể tiếp tục một cách nghiêm túc trong tương lai hay không vẫn chưa được biết.
Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ lưu ý rằng, sau khi lệnh rút quân được đưa ra, sẽ phải mất vài tuần trước khi các gói hàng thiết bị đầu tiên được chuyển đi, nhưng ông này cũng nói rằng binh lính Mỹ có thể được luân chuyển ngay lập tức khỏi Niger.
Chính phủ Niger thông báo, các cuộc đàm phán với Tướng Anderson và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Maier, với sự tham gia của Đại sứ Mỹ tại Niger Kathleen FitzGibbon, thể hiện một bước quan trọng sau quyết định của Niamey vào mùa xuân này nhằm chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ, đánh dấu “bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước”.
Chính phủ Niger cho biết các kế hoạch do phía Mỹ trình bày sẽ được các quan chức nước này thảo luận với mục tiêu đảm bảo việc Washington rời đi sẽ diễn ra trong “những điều kiện tốt nhất có thể, trật tự, an ninh và tuân thủ thời hạn đã đặt ra”.
Một quan chức Mỹ thứ hai xác nhận Mỹ đang tập trung vào việc đánh giá những thiết bị nào phải được vận chuyển khỏi Niger khi lực lượng của họ rút đi và những gì có thể được để lại. Ông cho biết những quyết định đó sẽ phụ thuộc một phần vào giá trị và tính nhạy cảm của từng loại trang thiết bị - chẳng hạn như vũ khí, đạn dược và thiết bị liên lạc phải được chuyển đi, nhưng những thứ như phương tiện hoặc thiết bị xây dựng có thể để lại.
Trong khi đó, lực lượng Mỹ có rất ít tương tác với đội quân Nga đang đóng cùng một căn cứ không quân nơi một số quân nhân Mỹ đồn trú. Quyết định của Niger mời quân đội Nga tới khi mối quan hệ quân sự với Washington đang xấu đi là một điểm bất đồng khác với Mỹ, quốc gia đang vướng vào cuộc đối đầu lớn với Moskva liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Các quan chức Mỹ có kế hoạch yêu cầu phía Niger giúp họ đảm bảo rằng các thiết bị hoặc cơ sở nhạy cảm không rơi vào tay Nga sau khi họ rút đi. Cùng với đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách thiết lập các cơ sở thay thế nhằm đối phó với phong trào Hồi giáo cực đoan đang gia tăng ở Sahel. Nếu không có căn cứ ở Niger, Mỹ sẽ khó có thể ngăn chặn mối đe dọa do các nhóm có liên hệ với al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng gây ra.
Một quan chức Mỹ tiết lộ Washington đang tìm kiếm “các đối tác sẵn sàng”, tập trung vào Bờ Biển Ngà và Nigeria như những khả năng tiềm năng. Chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ, Tướng Thủy quân lục chiến Michael Langley, đã có chuyến thăm tới các quốc gia này trong tháng qua.