Mỹ vẫn có nguy cơ bị hạ bậc tín nhiệm dù không vỡ nợ
Đài CNN đưa tin tổ chức xếp hạng Fitch vẫn xếp Mỹ trong diện xem xét hạ bậc tín nhiệm mặc dù nước này đã thoát khỏi cảnh vỡ nợ trong gang tấc.
Trong tuyên bố đầu tiên sau khi Thượng viện Mỹ thông qua thỏa thuận dỡ bỏ trần nợ công giúp thoát vỡ nợ, Fitch - một trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới - cho biết tổ chức tiếp tục giữ nguyên tình trạng “quan sát xếp hạng tiêu cực” (rating watch negative) đến cuối tháng 9 rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng.
Tuy đánh giá thỏa thuận dỡ bỏ trần nợ công là động thái tích cực, tổ chức xếp hạng này vẫn bày tỏ lo ngại: “Tình trạng bế tắc chính trị lặp đi lặp lại quanh vấn đề trần nợ và việc giải quyết thành công ngay sát ngày cạn tiền làm giảm niềm tin vào năng lực quản lý nợ và các vấn đề tài chính của Mỹ”.
Với lý do tương tự, tổ chức xếp hạng Standard & Poor's lần đầu tiên hạ bậc tín nhiệm Mỹ vào năm 2011 ngay sau khi quốc hội nước này đồng ý nâng trần nợ.
Theo Fitch, năng lực quản lý của Mỹ xuống cấp dần trong 15 năm qua do chia rẽ chính trị và đảng phái bộc lộc rõ qua cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2020. Vấn đề trần nợ luôn chỉ được giải quyết sát hạn chót, không giải quyết được các thách thức tài chính từ chi tiêu bắt buộc ngày càng tăng dẫn đến thâm hụt ngân sách và gánh nặng nợ nần lớn.
Richard Francis - giám đốc phụ trách xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Fitch - nhận xét dù năng lực quản lý yếu hơn nhiều quốc gia cùng hạng AAA, nhưng Mỹ sở hữu nhiều thế mạnh khác bù lại, trong đó có vị thế toàn cầu của đồng USD.
Bị hạ xếp hạng tín nhiệm sẽ làm tăng chi phí đi vay của chính phủ Mỹ, buộc họ phải trả lãi nhiều hơn đồng thời phải thắt chặt chi tiêu cho giáo dục, y tế, quốc phòng, cùng nhiều ưu tiên khác.
Fitch xếp Mỹ vào diện xem xét hạ bậc vào tuần trước lúc Tổng thống Joe Biden và Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát chưa đạt thỏa thuận về trần nợ công. Tổ chức cần đánh giá tác động đầy đủ của đợt giải quyết sát hạn chót lần này cũng như triển vọng ngân sách và nợ trong trung hạn rồi mới quyết định có hạ bậc tín nhiệm hay không.
Đây không phải lần đầu Fitch cảnh báo về tình hình rối ren tại Mỹ. Trường bộ phận đánh giá tín nhiệm toàn cầu James McCormack vào tháng 3 từng tuyên bố dù tránh được vỡ nợ, đối đầu chính trị thường xuyên cũng có thể khiến Mỹ bị hạ bậc.
Giám đốc điều hành đơn vị nghiên cứu thị trường TD Cowen’s Washington Research Group Chris Krueger chỉ ra 3 yếu tố gây thâm hụt ngân sách lớn là chương trình an sinh xã hội, chương trình bảo hiểm sức khỏe liên bang Medicare, chương trình y tế Medicaid đều không bị thỏa thuận dỡ bỏ trần nợ làm ảnh hưởng, ngân sách cho quốc phòng cũng vậy. Do đó thâm hụt ngân sách sẽ vẫn tiếp diễn.