Mỹ vẫn là 'ông trùm' xuất khẩu vũ khí

Các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc không xuất hiện trong danh sách của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) mặc dù nước này xuất khẩu vũ khí ra khắp thế giới.

Một chiếc máy bay chiến đấu F35 của Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Các công ty của Mỹ chiếm 59% doanh số bán vũ khí trong số Top 100 khi nước này có tới năm nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới.

Theo SIPRI (cơ quan công bố danh sách 100 nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới theo doanh số hàng năm), 100 công ty quốc phòng hàng đầu chiếm 420 tỷ USD trong năm 2018, tăng 4,6% so với năm 2017 và cao hơn 47% so với năm 2002. Theo kết quả thống kê giai đoạn 2015-2019, các nhà nhập khẩu chính là Saudi Arabia, Ấn Độ, Ai Cập.

“Sự tăng trưởng doanh số trong 100 thương vụ vũ khí hàng đầu năm 2018 chủ yếu do sự "đóng góp" của các công ty được xếp hạng cao nhất, đặc biệt là 5 công ty hàng đầu, tất cả đều có trụ sở tại Mỹ", SIPRI cho biết. “Tăng trưởng doanh số 100 thương vụ vũ khí hàng đầu năm 2018 có thể tương quan với tăng chi tiêu quân sự trên toàn cầu, đặc biệt là Mỹ, từ năm 2017 đến 2018”.

Cũng theo SIPRI, tỷ lệ xuất khẩu vũ khí quân sự của Mỹ trong giai đoạn năm 2015-2019 đã tăng 23%, tương ứng với tỷ lệ xuất khẩu vũ khí toàn cầu tăng lên 36%. Trong giai đoạn 2015-2019, xuất khẩu vũ khí của Mỹ cao hơn 76% so với quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới là Nga

Các công ty Mỹ chiếm 59% doanh số bán vũ khí trong Top 100. Đứng ở vị trí số một trong số các công ty quốc phòng toàn cầu là Lockheed Martin, với 47,2 tỷ USD vào năm 2018, vị trí thứ hai là Boeing với 29,2 tỷ USD, tiếp theo là Northrop Grumman với 26,2 tỷ USD, Raytheon với 23,4 tỷ USD và General Dynamics với 22 tỷ USD. Ở vị trí thứ sáu là Công ty quốc phòng BAE của Anh, ở mức 21 tỷ USD.

Đặc biệt, có 10 công ty Nga lọt vào Top 100, dẫn đầu là công ty Almaz-Antey thuộc sở hữu nhà nước - nhà sản xuất hệ thống phòng không và các vũ khí khác. Almaz-Antey xếp thứ chín trong danh sách với doanh số 9,6 tỷ USD. “Tất cả các công ty Nga trong Top 100 đều thuộc sở hữu nhà nước và chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu trong nước”, theo SIPRI.

“Để giảm mức độ phụ thuộc này, năm 2016, Nga đã đưa ra một sáng kiến nhằm đa dạng hóa các công ty vũ khí của mình, bằng giải pháp sản xuất cả các mặt hàng dân sự. Mục tiêu của Chính phủ Nga là đưa tỷ lệ sản xuất hàng dân sự trong tổng doanh số của các công ty vũ khí lên ít nhất 17% vào năm 2020 và 30% vào năm 2025. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của sáng kiến này đối với các công ty vũ khí Nga”.

Đáng chú ý, một quốc gia vắng mặt trong danh sách SIPRI. Chẳng hạn, các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc không xuất hiện trong danh sách nói trên, mặc dù Trung Quốc xuất khẩu vũ khí ra khắp thế giới. Các công ty sản xuất vũ khí của Trung Quốc không nằm trong Top 100 của SIPRI vì thiếu dữ liệu để đưa ra ước tính hợp lý hoặc thống nhất về doanh số bán vũ khí từ năm 2002. Tuy nhiên, có thông tin về một số công ty lớn là một phần của ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc, chủ yếu là sở hữu nhà nước.

“SIPRI ước tính ba công ty vũ khí của Trung Quốc sẽ được xếp hạng trong top 10 của 100 công ty sản xuất vũ khí và dịch vụ quân sự hàng đầu như AVIC, NORINCO và CETC. Dựa trên thông tin hạn chế có sẵn, có tính đến xuất khẩu vũ khí và tăng trưởng chung trong chi tiêu quân sự của Trung Quốc, ít nhất bảy công ty vũ khí khác có thể sẽ nằm trong Top 100 nếu có các số liệu đầy đủ.

Đại diện các quốc gia khác có tên trong danh sách này bao gồm Leonardo (Italy) với 9,8 tỷ USD, Thales (Pháp) với 9,4 tỷ USD, Rheinmetall (Đức) với 3,8 tỷ USD, Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi (Nhật Bản) với 3,6 tỷ USD và Elbit Systems (Israel) với 3,5 tỷ USD.

(theo National Interest)

Lê Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sipri-my-van-la-ong-trum-xuat-khau-vu-khi-114558.html