Mỹ vắng mặt, G-7 có còn quan trọng?
Ngoại trưởng và bộ trưởng an ninh nội địa của Mỹ vắng mặt trong hai cuộc nhóm họp quan trọng được xem là bước chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Pháp năm nay.
Các bộ trưởng ngoại giao và nội vụ của nhóm G-7 đang nhóm họp tại Pháp tuần này để cố gắng tìm ra giải pháp cho các thách thức an ninh thế giới. Song hai đại diện Mỹ - Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen - đều không có mặt.
Việc các quan chức hàng đầu của Mỹ vắng mặt trong các cuộc gặp diễn ra từ ngày 4 đến 6/4 tại Paris và khu nghỉ mát Dinard đặt ra câu hỏi về sự liên quan và tính hiệu quả của G-7 trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế mà nhóm cho là rất quan trọng, bao gồm chống khủng bố và buôn người.
Chính quyền Trump "hạ cấp" G-7?
Hội nghị bộ trưởng nội vụ đã bắt đầu hôm 4/4 tại Paris với bữa ăn trưa tập trung vào các vấn đề di cư, buôn người và cuộc chiến chống buôn lậu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không giấu giếm sự coi thường của ông đối với G-7, đặc biệt là từ khi Nga bị đẩy ra khỏi nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới sau vụ sáp nhập Crimea vào năm 2014. Sự vắng mặt của Mỹ báo hiệu rằng chính quyền Trump đã hạ cấp nhóm này - bao gồm Pháp, Canada, Nhật Bản, Đức, Italy và Anh - trong danh sách ưu tiên của mình.
Tháng 6/2018, ông Trump đã phá hỏng hội nghị G-7 ở Canada với việc ban đầu thì đồng ý với tuyên bố của nhóm về thương mại nhưng cuối cùng lại rút khỏi, đồng thời phàn nàn rằng ông đã bị "đánh úp" với chỉ trích của Thủ tướng Canada Justin Trudeau về các đe dọa thuế quan của tổng thống Mỹ tại một cuộc họp báo.
Trong một loạt tweet bất thường trên chiếc Air Force One, ông Trump đã đẩy hội nghị G-7 vào tình trạng hỗn loạn và đe dọa sẽ leo thang chiến tranh thương mại ngay khi Canada công bố tuyên bố chung chính thức của G-7.
Ông Pompeo có mặt ở Washington tuần này, cách xa bờ biển nước Pháp, để đón tiếp các ngoại trưởng NATO tham dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh. Bà Nielsen ở nhà để giải quyết các vấn đề biên giới của Mỹ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland tuyên bố bà đang tham dự cả cuộc gặp NATO lẫn hội nghị G-7 tại Dinard.
Trên thực tế, các liên minh đang gặp vấn đề ở mọi nơi, ngay cả tại NATO khi ông Pompeo nhấn mạnh sự tham gia của Mỹ trong liên minh quân sự. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận những bất đồng nội bộ của NATO trong tuần này về thương mại, biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng khẳng định 29 đồng minh thống nhất trong cam kết bảo vệ lẫn nhau.
Pháp, tiếp quản nhiệm kỳ chủ tịch G-7 hồi tháng 1, tổ chức hội nghị bộ trưởng nội vụ ở Paris vào hai ngày 4 và 5/4, trùng với hội nghị ngoại trưởng G-7 ngày 5-6/4 tại Dinard.
Claire Grady, quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ, sẽ thay mặt Bộ trưởng Nielsen tham dự hội nghị bộ trưởng nội vụ. Thứ trưởng Ngoại giao John J. Sullivan sẽ thay thế ông Pompeo, thảo luận về "một loạt vấn đề, bao gồm tình hình xấu đi ở Venezuela, hành vi gây bất ổn của Iran ở Trung Đông, hành động có trách nhiệm của các quốc gia trong không gian mạng và việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn của Triều Tiên", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói những cuộc thảo luận này sẽ là bước chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G-7 vào tháng 8 mà Pháp sẽ tổ chức tại thành phố Biarritz phía tây nam.
Các vấn đề trọng tâm
Bộ Ngoại giao Pháp liệt kê các vấn đề chính được thảo luận trong tuần này là an ninh mạng, tình trạng buôn bán ma túy, vũ khí và di dân tại khu vực Sahel đang rối ren ở châu Phi, cũng như đấu tranh chống bất bình đẳng giới. Các cuộc thảo luận cũng bao gồm việc tìm ra cách để ngăn chặn nạn hiếp dâm và bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt là ở châu Phi.
Tổng thống Pháp nói rằng hội nghị bộ trưởng nội vụ nhằm mục đích thiết lập cam kết chung về an ninh và chống khủng bố, bao gồm cả cách đối phó với những công dân đã gia nhập phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq, hoặc vợ con của họ.
Nhiều chiến binh IS đã bị bắt và bị giam cầm tại các nước đó.
Một quan chức hàng đầu của Bộ Nội vụ Pháp nhấn mạnh rằng sự bất ổn của khu vực vẫn đặt ra những thách thức sau khi các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn tuyên bố chiến thắng về quân sự trước IS ở Syria hồi tháng trước. Vấn đề đã trở nên cấp bách hơn kể từ khi ông Trump công bố ý định giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria.
"Chúng tôi cần phối hợp các chính sách của mình để ngăn chặn rủi ro đó. Chúng tôi phải tránh sự phân tán của các chiến binh nước ngoài, tránh việc họ tụ tập cùng nhau ở nơi khác", vị quan chức nói trước thềm hội nghị, đề nghị ẩn danh theo thông lệ của chính phủ Pháp.
Mỹ đã kêu gọi các nước nhận lại công dân của họ và đưa ra xét xử, nếu cần thiết, nhưng các nước phương Tây đã từ chối không nhận lại công dân bị giam giữ. Pháp nói rằng các chiến binh là người Pháp phải bị xét xử ở bất cứ nơi nào họ phạm tội.
Các chiến binh người Kurd được Mỹ hậu thuẫn, hiện nắm giữ một số phần tử IS, đã kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế cho các tù nhân IS.
Các bộ trưởng nội vụ G-7 cũng sẽ thảo luận về cách chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trên mạng có thể bằng cách áp đặt các quy định đối với các "ông lớn" Internet như Facebook, Twitter và Google.
Bộ trưởng nội vụ của Niger và Burkina Faso tham dự bữa trưa ngày 4/4 thảo luận về vấn đề di dân, trọng tâm là khu vực Sahel thuộc châu Phi, nơi xuất phát của di dân đến châu Âu cũng như là điểm trung chuyển và đích đến của những tay buôn lậu.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/my-vang-mat-g-7-co-con-quan-trong-post932742.html